Đất nước triệu niềm tin

Cập nhật, 07:36, Thứ Năm, 21/01/2016 (GMT+7)
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Trong tiết xuân đến sớm, Thủ đô Hà Nội- trái tim của cả nước- đang đập những nhịp đập đầy say mê và mãnh liệt. Cả nước hướng về Hà Nội với niềm tin vào một tương lai rạng rỡ của dân tộc, với sự dẫn dắt, soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mỗi chặng đường một vinh quang

Ngày 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập.

Kể từ đó, Đảng đã dẫn dắt cả dân tộc, đã đồng hành cùng mỗi người dân đi qua biết bao gian nguy, khó khăn, thử thách, để ghi những dấu ấn chói lọi vào lịch sử không chỉ của đất nước, mà còn trên cả thế giới- nhất là đối với những dân tộc bị áp bức, bóc lột.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930- 3/2/2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “85 năm qua, dù con đường đi lên có lúc quanh co, phức tạp, dù Đảng ta có lúc phạm khuyết điểm, sai lầm, nhưng do có bản lĩnh vững vàng, thực sự khiêm tốn, cầu thị, Đảng ta nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, cho nên Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn cản nổi.

Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Tổng Bí thư cho rằng, chính thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 85 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Để hôm nay đây, đất nước trên đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì “Đây là một sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại, “một cuộc chiến đấu khổng lồ” như Bác Hồ đã dạy, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp”.

Muốn vượt qua, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu.

Năm 2016, Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng là dịp cả nước nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới. Đây là chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, với những thành tựu to lớn.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP bình quân 6- 7%/năm, chủ động hội nhập quốc tế.

Từ năm 2008, đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, để trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đã đạt xấp xỉ 2.000 USD. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường; chính trị- xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên.

Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đánh giá rất rõ: 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đây cũng là tiền đề để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Đất nước trọn niềm tin

Năm 2016 với Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, để đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

Trong năm mới, trước những vận hội và thách thức mới, điều đáng mừng là việc đổi mới về kinh tế đang được triển khai và nhận được sự đồng thuận cao, thậm chí rất cao của mọi tầng lớp nhân dân. Điều này đã chứng minh cho sự cầu thị của Đảng ta khi bước vào công cuộc đổi mới với quyết tâm cao.

Theo tổng hợp của Tiểu ban Văn kiện, đã có 26 triệu lượt ý kiến đóng góp xây dựng cho các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Trong đó, riêng tỉnh Vĩnh Long đã đóng góp 1.590 lượt ý kiến.

Các ý kiến đều khẳng định báo cáo chính trị đã bao quát được những vấn đề cốt lõi của đất nước và của Đảng. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị Đảng cần có những giải pháp cụ thể hơn trong phát triển kinh tế- xã hội, đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước qua Đại hội XII này xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong sạch, gương mẫu, tận tụy và đưa đất nước tiến lên.

Chú Nguyễn Tiến Bao (phường Trung Hòa- quận Cầu Giấy)- một người dân Thủ đô- vui mừng và tin tưởng nói: “Không chỉ ở tại Hà Nội, mà tôi thấy rằng cả đất nước đang từng ngày đổi mới. Tôi tin tưởng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công tốt đẹp sẽ tiếp tục đưa nước ta phát triển vượt bậc hơn nữa”.

Hôm nay, mỗi người Việt Nam đều nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình đối với những thành tựu mà đất nước đang có được cũng như ý nghĩa của sự yên bình, tốt lành của mùa xuân năm mới, tự tin bước vào chặng đường đang ngày càng đổi mới của đất nước…

 

Tham dự Đại hội XII của Đảng có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên. Trong đó: đại biểu đương nhiên 197 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và dự khuyết khóa XI, chiếm tỷ lệ 13,05%; đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.300 (86,09%); đại biểu chỉ định là 13 (0,86%), đại biểu nữ có 194 đồng chí (12,85%), đại biểu là dân tộc thiểu số là 174 đồng chí (11,52%); đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động là 10 đồng chí (0,66%); đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú là 20 đồng chí (1,32%); đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú là 15 đồng chí (0,99%); đại biểu là Nghệ sĩ ưu tú là 1 đồng chí (0,07%).

Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giáo sư, phó giáo sư là 55 đồng chí (3,64%); tiến sĩ có 241 đồng chí (15,96%), thạc sĩ 511 đồng chí (33,84%); đại học có 757 đồng chí (50,13%).

Về độ tuổi, từ 30 tuổi trở xuống có 2 đồng chí (0,13%); từ 31 đến 40 tuổi là 65 đồng chí (4,3%); từ 41 đến 50 tuổi 384 đồng chí (25,43%); từ 51 đến 60 tuổi có 992 đồng chí (65,7%); từ 61 đến 70 tuổi có 64 đồng chí (4,24%); trên 70 tuổi có 2 đồng chí (0,13%).

BCH Trung ương mời các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa VI, đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu và các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đến dự Đại hội XII của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón: Chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các tầng lớp nhân dân quan tâm 3 vấn đề then chốt là:

- Về nông nghiệp: Tỉnh ta xác định lấy nông nghiệp làm mũi nhọn, ưu tiên đầu tư, chú trọng hạ tầng nông thôn, liên kết hợp tác tạo việc làm. Nhiều ý kiến đề xuất: Trung ương cần xác định sản phẩm chủ lực của quốc gia, có chính sách phù hợp, quan tâm đầu ra để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản; phải có cơ chế kiểm soát giá, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý vật tư nông nghiệp; có biện pháp chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; đồng thời, cần tiếp tục đổi mới chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn.

Liên quan đến nông nghiệp, phải kể đến chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng ta và đã có Nghị quyết đi vào lòng dân nhanh nhất vì nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng. Nhiều ý kiến đề xuất, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện và tập trung đầu tư có trọng tâm hơn.

- Về giáo dục, đa số ý kiến cho rằng còn nhiều vấn đề bất cập, việc cải cách chưa mang lại hiệu quả. Vấn đề quan trọng là cần nâng cao nhận thức, đưa nước nhà thoát khỏi tình trạng yếu kém, lạc hậu. Đồng thời, đề xuất Trung ương có chính sách đặc thù đối với vùng ĐBSCL và có định hướng theo nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chú trọng phát triển giáo dục theo từng ngành, lĩnh vực; có chiến lược tái cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng với tình hình mới.

- Về xây dựng hệ thống chính trị, là một trong những vấn đề được các tầng lớp nhân dân quan tâm đề xuất. Trong đó, Trung ương cần có cơ chế chính sách đầu tư cho cơ sở đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; có chiến lược quan tâm bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở. Nói tóm lại, cần có nền tảng vững chắc từ cơ sở vì cơ sở tốt thì huyện mới tốt, huyện tốt thì tỉnh mới tốt.

 

PHƯƠNG NAM