Thừa phát lại quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp

Cập nhật, 17:15, Thứ Năm, 26/11/2015 (GMT+7)

 

Thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng.

Sáng 26/11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại, với 76,32% đại biểu tán thành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội- Lê Thị Nga cho biết, việc thí điểm chế định Thừa phát lại là nội dung quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp. Dù còn hạn chế nhưng qua 2 giai đoạn thí điểm, Thừa phát lại đã thu kết quả quan trọng, phù hợp Hiến pháp 2013.

Các tổ chức Thừa phát lại đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan Nhà nước lựa chọn.

+Với đa số đại tán thành, sáng cùng ngày Quốc hội đã thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng.

Tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị bổ sung quân hàm Đại tá quân nhân chuyên nghiệp đối với người có học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, người có chuyên môn, kỹ thuật giỏi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ, bảo đảm chỉ huy, quản lý trong quân đội nhân dân.

Theo dự thảo luật Chính phủ trình, hệ thống cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp quy định từ Thiếu úy đến Thượng tá là kế thừa pháp luật hiện hành, bảo đảm tương quan với sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong công an nhân dân và đang thực hiện ổn định.

Đối với người có học hàm, học vị là quân nhân chuyên nghiệp từ trước tới nay Bộ Quốc phòng đã ưu tiên tuyển dụng, bổ sung vào đội ngũ cán bộ quân đội và phong quân hàm theo quy định của Luật sĩ quan, vì vậy, vẫn giữ như dự thảo Luật.

Tin, ảnh: HOÀNG MINH