NGÀY LÀM VIỆC THỨ 2 HĐND TỈNH

Lĩnh vực nông nghiệp: vẫn “nóng”!

Cập nhật, 07:47, Thứ Sáu, 11/07/2014 (GMT+7)

Ngày 10/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND tỉnh- Phạm Văn Lực, tại hội trường, các đại biểu (ĐB) tập trung thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh cũng như các vấn đề nóng, bức xúc mà ĐB và cử tri quan tâm, trong đó “nóng” nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp.

Kinh tế tăng trưởng khá

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh đề ra cho năm 2014 đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, một số chỉ tiêu đạt khá có khả năng cuối năm đạt và vượt. Cụ thể, có 20/25 chỉ tiêu chủ yếu có thể đánh giá được kết quả.

Trong đó, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 6 chỉ tiêu gần đạt hoặc có khả năng đạt vào cuối năm. Trên lĩnh vực kinh tế tuy có nhiều khó khăn nhưng có xu hướng phục hồi và tăng trưởng ổn định (tăng 0,75% so với cùng kỳ năm 2013).

Tổng sản phẩm GDP tăng 6%, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng khá; thu ngân sách đạt 61,25% dự toán năm, chi ngân sách đạt 45,22% dự toán năm. Đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội được tiếp tục thực hiện, các nguồn lực đầu tư tiếp tục được duy trì, việc lồng ghép thực hiện các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả.

Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tính đến nay đã công nhận 2 xã Long Mỹ (Mang Thít), Thành Đông (Bình Tân) và 2 xã đủ điều kiện cũng “cán đích” là Mỹ Lộc (Tam Bình) và Trung Hiếu (Vũng Liêm).

ĐB Bùi Văn Nghiêm (đơn vị huyện Vũng Liêm) phấn khởi: Tình hình kinh tế 6 tháng qua còn khó khăn lắm nhưng các chỉ tiêu đề ra đều đạt khá, đặc biệt là giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản đã khắc phục tình trạng tăng trưởng âm. Đây là sự cố gắng lớn!

Cần chọn khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp

Trong phiên thảo luận tại hội trường, ĐB tập trung thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh cũng như các vấn đề nóng, bức xúc mà ĐB và cử tri quan tâm, trong đó “nóng” nhất vẫn là lĩnh vực nông nghiệp.

ĐB Nguyễn Thị Cẩm Hồng (đơn vị huyện Long Hồ) có ý kiến: Bệnh chổi rồng trên nhãn, tỉnh có triển khai phòng chống dịch nhưng không đạt yêu cầu. Chúng ta đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng (riêng Long Hồ khoảng 17 tỷ đồng) nhưng hiệu quả rõ ràng là không cao.

Hiện, việc phòng trừ dịch bệnh trên nhãn chưa xong thì đã chuyển qua cây chôm chôm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu thêm về nguyên nhân gây bệnh để đề ra biện pháp phòng trị, kể cả các biện pháp khống chế và loại trừ hữu hiệu, trên cơ sở đó đưa ra quy trình phòng trị bệnh hiệu quả hơn.

ĐB Lữ Quang Ngời (đơn vị huyện Tam Bình) đồng tình sản xuất nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp phát triển với tốc độ khá theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, đã hình thành và nhân rộng được mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, hướng tới thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần quan tâm hơn nữa việc phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi cũng như việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chúng ta có mô hình cánh đồng mẫu lớn giúp cho người dân tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thì tới đây đối với cây ăn trái, cây màu cũng phải có cách làm hiệu quả như vậy!

ĐB Nguyễn Văn Nghiệm (đơn vị huyện Mang Thít) thì đề xuất: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, BCĐ tỉnh cần phải chọn một huyện làm điểm, 2 huyện làm diện, có chọn điểm về cây trồng: cây lâu năm, cây hàng năm, cây màu, vật nuôi có giá trị kinh tế, lợi nhuận cao!

ĐB Nguyễn Việt Thanh (đơn vị TP Vĩnh Long)


Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng cần nghiên cứu, xem xét đầu tư phát triển đô thị. Bởi vì khi đô thị phát triển, tạo điều kiện phát triển nông thôn.

ĐB Phạm Hoàng Khải (đơn vị huyện Trà Ôn)

Khi tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên chọn các khâu đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh khoa học- kỹ thuật làm đột phá gắn với khâu bảo quản, chế biến, xuất khẩu để tăng giá trị. Nếu trong tỉnh chưa đủ năng lực thì chúng ta có thể thuê chuyên gia.


Bài, ảnh: DUY UYÊN- THANH TÂM