Truyền thông phải đi trước trong phòng chống dịch bệnh

Cập nhật, 12:32, Thứ Bảy, 28/06/2014 (GMT+7)

Để phòng chống các dịch bệnh hiệu quả, truyền thông y tế phải đi trước một bước; trong đó chú trọng vào truyền thông dự phòng. Truyền thông phải chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo mạng, báo hình), tọa đàm, nhằm giúp người dân biết cách và tự mình phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo như vậy tại buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế chủ trì, vào ngày 23/6/2014.

Để đạt hiệu quả phòng ngừa tốt dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ cung ứng đủ vắc xin, đảm bảo tỷ lệ tiêm ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng; kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh- thành trọng điểm; triển khai phần mềm giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại 63 địa phương; tăng cường truyền thông và khuyến cáo phòng chống dịch bệnh;...

Hiện Bộ Y tế chưa ghi nhận Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông (MERS-CoV) xuất hiện tại Việt Nam; chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 trong khi đó từ đầu năm đến nay đã có 2 ca tử vong do mắc cúm A/H5N1.

Số mắc, số tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não vi rút trên cả nước giảm so cùng kỳ năm 2013 và không có ổ dịch tập trung... Đó là tình hình các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin thêm.

DĨ HIÊN