Lao động giá rẻ: đừng khoe

Cập nhật, 06:12, Chủ Nhật, 29/06/2014 (GMT+7)

Lao động giá rẻ từng được xem là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của nhiều quốc gia, trong đó, có khu vực Đông Nam Á, và tất nhiên- trong đó, có Việt Nam.

Thực tế, lao động giá rẻ đã góp phần “kéo” các nhà đầu tư tới và về gần hơn, thậm chí là đến tận các vùng nông thôn. Giúp cho tiến trình công nghiệp hóa thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Song, đã đến lúc phải thay đổi. Theo các chuyên gia, chúng ta đã chuyển đổi khá chậm từ một nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào lao động rẻ, tài nguyên dồi dào và chi phí thấp sang kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn.

Do đó, để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong bối cảnh hội nhập, thì rõ ràng, lao động giá rẻ không còn cũng như không thể mãi được xem là lợi thế cạnh tranh.

Đến một lúc nào đó, nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền công cao hơn để có được chất lượng lao động tốt hơn. Còn chúng ta, cũng sẽ thu hút được những nhà đầu tư có kế hoạch phát triển tốt hơn, có công nghệ cao hơn là những nhà đầu tư chỉ đi tìm vùng đất “giá rẻ”.

Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á- Thái Bình Dương. Cụ thể là thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Mức thu nhập trung bình của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Thể lực của lao động Việt Nam chỉ ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai. Do đó, người lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong việc sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động cũng còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã cho biết, họ không còn cần lao động giá rẻ mà sẵn sàng trả tiền xứng đáng cho lao động có tay nghề, tác phong lao động tốt cùng hiệu quả cao.

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với lao động trẻ, khỏe chiếm ưu thế. Cùng với đề án phát triển nguồn nhân lực, rất cần “khoe” lao động chất lượng cao để thu hút đầu tư.

PHƯƠNG NAM