Đừng để quá muộn

Cập nhật, 06:42, Thứ Tư, 23/04/2014 (GMT+7)

Nhớ đến thảm họa kinh hoàng 3 năm về trước, mọi người chưa hết bàng hoàng về sự mất mát khủng khiếp mà đất nước, con người Nhật Bản phải hứng chịu trước sức mạnh tàn phá của tự nhiên.

Thảm họa ấy cũng nhắc nhở chúng ta rằng, sức mạnh của thiên nhiên là vô cùng.

Thế giới đang phải đối mặt ngày càng nhiều với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bất thường, hệ quả của biến đổi khí hậu trước những tác động tiêu cực của con người tới tự nhiên, môi trường.

Việt Nam cũng chính là một trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Cách nay vài năm, có ai nghĩ được rằng nước mặn lên đến tận vùng đầu nguồn Tân Châu; hạn hán, lũ lụt, mưa bão thường xuyên của ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh có thể bị ngập sâu khi nước biển dâng?

Vùng đất vốn “mưa thuận gió hòa” sẽ không còn “làm chơi ăn thiệt” mà đời sống của hàng chục triệu người dân ĐBSCL sẽ bị
đe dọa.

Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, giảm thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường đang là yêu cầu bức thiết đối với ĐBSCL nói riêng và với Việt Nam nói chung.

Chính phủ đã có những động thái và chiến lược cụ thể, nhưng quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh ở Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép nội tại của nền kinh tế. Tăng trưởng xanh dẫu khó cũng phải làm ngay từ bây giờ, bởi sẽ là quá muộn nếu tiếp tục theo đuổi lập luận “tăng trưởng trước, xử lý hậu quả, làm sạch sau”.

vAN ĐIỀN