Ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm

Cập nhật, 13:50, Thứ Hai, 17/02/2014 (GMT+7)

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Quyết định về Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm (GC) nguy hiểm có khả năng lây sang người.


Cơ quan thú y kiểm tra một điểm giết mổ gia cầm tại TP Vĩnh Long.


Kế hoạch nêu ra 4 tình huống về diễn biến cúm H7N9 tại Việt Nam. Cụ thể, tình huống 1: chưa phát hiện virus cúm trên GC và người; tình huống 2: chưa phát hiện virus trên GC, môi trường nhưng có người mắc bệnh; tình huống 3: phát hiện virus trên GC và môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh và tình huống 4: phát hiện virus cúm trên GC hoặc môi trường và người cũng mắc bệnh.

Nguồn nhiễm bệnh cúm H7N9 trên người được ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt gia súc (GS) GC bị bệnh hoặc từ môi trường nhiễm bệnh (lồng chim, chuồng trại nuôi nhốt chim, gia cầm).

Tuy cách lây lan chưa được xác định rõ, nhưng ngành thú y khuyến cáo người dân chú ý các biện pháp vệ sinh như: rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn; sau khi tiếp xúc hay làm thịt GS, GC; chăm sóc người bị bệnh…

Virus cúm H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín, do đó có thể ăn thịt và trứng GC đã được nấu chín. Thịt và trứng chưa được nấu phải để riêng và cách xa với thức ăn đã nấu chín; dao và thớt dùng để cắt thịt sống phải dùng riêng…

Khi đi đến chợ GS, GC, tránh tiếp xúc trực tiếp với GS, GC, cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng chứa GS, GC (nên mang găng tay) và rửa tay sau đó; GS, GC bị bệnh hoặc chết phải được tiêu hủy và báo cáo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tuyệt đối không chế biến rồi ăn thịt GS, GC bệnh hay chết và không để trẻ em tiếp xúc với GS, GC này, không ăn trứng chưa nấu chín hoặc chỉ chín một phần;

LÊ SƠN