Rà soát, tổng hợp nhu cầu phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải

Cập nhật, 13:20, Thứ Năm, 20/02/2014 (GMT+7)

Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổng hợp nhu cầu phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải tại địa phương để tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh việc bố trí quỹ đất đầu tư phát triển trung tâm Logistics trên địa bàn tỉnh.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay trên cả nước có hơn 1.200 doanh nghiệp Logistics, tăng 20% so với năm 2010, tương đương với các nước Thái Lan, Singapore và Indonesia.

Trong số các công ty nội địa, có khoảng 800 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực giao nhận vận tải và 70% là doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện những bước phát triển về chất lẫn về lượng.

NGỌC ĐIỀM