Phòng chống cúm gia cầm: Khẩn cấp!

Cập nhật, 07:24, Thứ Năm, 20/02/2014 (GMT+7)


Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, trong đó tiêu độc khử trùng là biện pháp quan trọng.
Ảnh: Tư liệu

Trong lúc cả nước đang phải căng sức chống cúm A/H5N1 thì mối nguy từ chủng vi rút cúm A/H7N9 lăm le xâm nhập từ biên giới phía Bắc. Đáng lo ngại khi vi rút cúm A/H7N9 được xác định có nguồn gốc từ gia cầm (GC) nhưng chưa gây bệnh lâm sàng cho GC, vi rút có khả năng lây truyền từ GC sang người, gây bệnh cho người với tỷ lệ tử vong rất cao và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đối với vi rút này.

Ngăn H7N9, chống H5N1!

BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch cúm GC nhận định, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ GC, sản phẩm GC nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Một số nghiên cứu về việc vận chuyển gà loại thải ở Trung Quốc cho thấy, nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam giáp với Việt Nam, trong đó có qua các tỉnh đã phát hiện vi rút cúm A/H7N9.
 
Vi rút này cũng đã được phát hiện trên GC và người ở tỉnh Quảng Tây giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật và sản phẩm động vật qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Tổ chức FAO nhận định Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, do đó cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động nhằm phát hiện và ứng phó với vi rút này trên GC tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện cứ 100 con vịt thì 6 con có vi rút cúm GC, 100 chợ thì 61 chợ có xuất hiện vi rút cúm GC. Cả nước tăng lượng dự phòng lên 60 triệu liều vắc xin, chuẩn bị sẵn cơ số về thuốc, sát trùng để đảm bảo phù hợp với biểu đồ dịch, nhất là khi dịch bùng phát.

Cúm A/H7N9 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 3/2013 tại Thượng Hải. Đến tháng 2/2014, Trung Quốc đã ghi nhận 339 ca bệnh (208 ca bệnh trong năm 2014), trong đó có 66 ca đã tử vong.

Đối với cúm A/H5N1, tính đến ngày 18/2/2014, cả nước đã xảy ra 49 ổ dịch tại 14 tỉnh gồm: Đăk Lăk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Tổng số GC mắc bệnh là 51.880 con và số GC tiêu hủy là 66.388 con. Trong tháng 1/2014, đã phát hiện 2 trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 ở người và đã tử vong tại Bình Phước, Đồng Tháp.

Riêng tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 6 ổ dịch của 14 hộ tại 6 xã của 3 huyện với tổng đàn 11.722 con vịt. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu trên đàn vịt nuôi lấy thịt mới tái đàn vào đầu năm 2014.

Khi phát hiện ổ dịch, 100% đàn GC trong các ổ dịch đều được tiêu hủy ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, thậm chí có đàn còn được tiêu hủy trước khi có kết quả xét nghiệm, đồng thời cơ quan thú y tiến hành tiêu độc khử trùng vùng dịch để tiêu diệt mầm bệnh, hiện các ổ dịch đã được kiểm soát tốt.

Đến nay, 1,5 triệu liều vắc xin phòng cúm GC đã được phân bổ về các địa phương, trong đó ưu tiên tập trung vắc xin tiêm phòng bao vây các ổ dịch và tiêm phòng cho các đàn GC mới tái đàn.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chuyên trách quán triệt và thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các yêu cầu, biện pháp đã nêu trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Lưu ý các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, công khai và kịp thời tình hình diễn biến dịch để người dân chủ động phòng, khống chế được dịch bệnh trên đàn GC, không để lan rộng, không để lây sang người, bảo vệ được an toàn cho cộng đồng. Nâng cao tính tự giác của người dân, truy cứu trách nhiệm nếu cố tình vi phạm như giấu dịch, vứt xác GC bừa bãi…

“Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm vừa qua Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh báo cáo tình hình cụ thể. Hầu hết các địa phương kiến nghị hỗ trợ về vắc xin, hóa chất tiêu độc khử trùng và trang thiết bị cho cán bộ thú y. Đại diện các bộ có liên quan đều đánh giá công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 đều rất khẩn cấp.

Ông Trần Đắc Phu- Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: Thời gian qua, các địa phương chưa chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân nên cần tuyên truyền kịp thời để người dân nắm rõ, không hoang mang, từ đó sẽ có sự hợp tác tích cực với ngành chuyên môn trong việc phòng chống dịch.


Phun thuốc sát trùng khu vực có đàn gia cầm nhiễm cúm, đề phòng nguy cơ lan rộng.Ảnh: TRÍ NHÂN

Đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) góp ý: Cần có đánh giá cụ thể hơn về việc lây lan dịch bệnh trên GC và ở người. Cơ sở công bố dịch là rất quan trọng, giúp Bộ Công an đủ cơ sở xem xét xử lý hình sự các vụ vận chuyển GC từ vùng dịch ra nơi khác.

Người dân là chủ thể giám sát phòng chống dịch, cho nên không lo ngại việc công bố dịch sẽ không bán được GC, sản phẩm GC. Trái lại, tuyên truyền đúng, đủ, kịp thời đến dân thì hiệu quả phòng chống dịch sẽ cao hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh phương châm phòng chống dịch xuyên suốt thời gian qua là “phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”.
 
Do đó, cần tuyên truyền đúng mức, công khai để người dân hiểu đúng. Người dân có quyền được biết sự thật. Người dân chỉ hoang mang khi không biết chính xác tình hình như thế nào. Bên cạnh, Bộ trưởng cũng nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật phải đồng bộ, trong đó tiêu độc khử trùng cần quan tâm đúng mức.

Tập trung phòng, chống dịch cúm GC và các chủng vi rút cúm GC lây sang người

Ngày 18/2/2014, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch cúm GC và các chủng vi rút GC lây sang người. Đồng thời, khẩn trương xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm GC nguy hiểm có khả năng lây sang người” theo Công điện số 200/CĐ-TTg, ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chủ tịch UBND các huyện- thị- thành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.


THÀNH LONG