Hai kỷ vật quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật, 11:04, Thứ Bảy, 12/10/2013 (GMT+7)


Tác giả (bên phải ảnh) và hai đồng nghiệp chụp ảnh cùng Đại tướng.

8 giờ tối 4/10, qua mạng xã hội, tôi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, lừng lẫy của Việt Nam, của thế giới trong thế kỷ XX qua đời. Chưa biết có chính xác không, nhưng trong tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng và linh tính mách bảo tôi rằng mẩu tin đó là chính xác, bởi bước vào tuổi 103, ông đã yếu lắm rồi. Thế rồi kỷ niệm của lần gặp ông đầu tiên ập về trong tôi.

Đầu xuân năm 1991, tôi được phân công đi đưa tin nhân dịp Đại tướng và phu nhân về thăm tỉnh nhà khi còn là tỉnh Cửu Long.
 
Tuy ở tuổi 80 nhưng ông còn rất khỏe, đi lại, phát biểu lưu loát, linh hoạt. Trong thời gian hai ngày, Đại tướng đi thăm nhiều nơi trong tỉnh. Đến xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, thăm một hộ nông dân sản xuất giỏi với kinh nghiệm trồng cam sành; thăm một gia đình liệt sĩ và làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Tam Bình.
 
Tại đây, ông quan tâm tìm hiểu tình hình kinh tế- xã hội, đời sống của nhân dân, đặc biệt là công tác hậu phương quân đội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình liệt sĩ, thương binh.

Đại tướng đặc biệt quan tâm nhắc nhở lãnh đạo huyện chú trọng và có kế hoạch chăm lo đối tượng gia đình chính sách thật tốt, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, và việc ông đến thăm một gia đình liệt sĩ kể trên là ngoài chương trình do địa phương bố trí.

Hôm sau, tại TX Trà Vinh, Đại tướng và phu nhân đến viếng và thắp hương tại Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức. Khi nghe thuyết minh, Đại tướng khen ngợi và đánh giá cao về quá trình xây dựng đền thờ trong tầm đạn, pháo và tinh thần chiến đấu bảo vệ đền thờ Bác Hồ của quân dân thị xã trước các cuộc càn quét, đốt phá của Mỹ- ngụy.

Tại đây, Đại tướng đã trồng cây lưu niệm và ghi vào sổ lưu niệm của đền thờ dòng chữ: “Chúng ta mãi mãi là con cháu trung thành của Bác Hồ”. Rời đền thờ, Đại tướng đến thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cửu Long và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh.

Trong chuyến đi về Trà Vinh, cánh phóng viên báo, đài chúng tôi có một kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng. Đó là, khi Đại tướng đến thăm di tích- thắng cảnh Ao Bà Om- một công trình nhân tạo độc đáo của dân tộc Khmer trong tỉnh và cả ĐBSCL.

Sau khi chụp ảnh với các đồng chí trong đoàn, Đại tướng gọi cánh phóng viên chúng tôi vào chụp ảnh riêng với ông. Bất ngờ quá, hạnh phúc quá, tôi- phóng viên Báo Cửu Long cùng chị Thu Thủy (biên tập), Hùng (quay phim) của Đài PTTH Cửu Long vui mừng chạy đến chụp hình với ông.

Chúng tôi tiến vào đứng bên Đại tướng, nhưng ông chưa cho chụp mà nêu yêu cầu với đồng chí Thư ký riêng- người nhận nhiệm vụ chụp hình là: Phải chụp tấm hình bác với các nhà báo sao cho “trên có trời, dưới có đất, có cây xanh và có mặt nước hồ”.

Chúng tôi rất vui và vinh dự được ông- vị Đại tướng huyền thoại mời chụp ảnh và thán phục sự thâm thúy của ông qua yêu cầu thể hiện trong bức ảnh. Tất nhiên, tôi không quên đưa máy ảnh của mình nhờ đồng chí thư ký chụp, và 22 năm qua, tôi trân trọng gìn giữ tấm ảnh như một kỷ vật lớn trong cuộc đời của mình.

Sau đó, ngoài tấm ảnh chụp riêng với Đại tướng, tôi còn có một kỷ vật thứ hai là bút tích của ông viết riêng cho Báo Cửu Long khi tôi đề nghị ông cho lời dạy có chữ ký. Đại tướng gọi đồng chí Thư ký riêng đưa cho ông tờ giấy và viết dòng chữ:
 
“Thân gửi Báo Cửu Long. Chúc Báo Cửu Long hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người thông tin trung thực, người hướng dẫn tổ chức có hiệu quả, người tuyên truyền đúng và kịp thời đường lối đổi mới của Đảng”. Xuân Tân Mùi 91, Võ Nguyên Giáp.


Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lời dạy quý báu này Đại tướng viết cho tôi tại Nhà khách Tỉnh ủy trước khi ra xe về Hà Nội.

Những năm sau đó, tôi còn vinh dự được vài lần gặp Đại tướng, nghe ông nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng, lần gặp đầu tiên năm 1991 gây ấn tượng đậm sâu nhất trong tôi, nhất là lần đó tôi nhận được từ Đại tướng hai kỷ vật quý trong cuộc đời làm báo của mình.

Sau này, suy nghĩ về lời chúc của Đại tướng và yêu cầu thể hiện trong bức ảnh ông chụp riêng với chúng tôi, phải chăng Đại tướng muốn nhắc nhở chúng tôi là không được quên nhiệm vụ của người làm báo cách mạng và luôn luôn có quan điểm toàn diện trong đưa tin, viết bài?

Bài viết này thay cho nén hương tiễn ông- vị Đại tướng tài ba của thế kỷ, một người hội đủ Nhân- Đức- Trí- Dũng, một anh hùng dân tộc đi về cõi vĩnh hằng!

5/10/2013

Bài, ảnh: Hoàng Việt