LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ:

Đối ngoại nhân dân tốt, dân nhờ

Cập nhật, 19:29, Thứ Bảy, 30/03/2013 (GMT+7)

Vĩnh Long là một trong các tỉnh đạt hiệu quả vận động viện trợ nước ngoài cao nhất các tỉnh ĐBSCL. Chỉ tính trong năm 2012, đã vận động được 33 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hợp tác và hoạt động tài trợ tại Vĩnh Long với trên 76 tỷ đồng và 1 triệu USD.

Công tác đối ngoại nhân dân rất quan trọng trong thu hút nguồn viện trợ.

Hết mình trong nhiệm vụ

Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường tình hữu nghị, mở rộng quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Long với các nước trên thế giới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội.

Những năm qua, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị luôn đổi mới nội dung, hình thức hoạt động đi vào chiều sâu, chú trọng các hoạt động đối ngoại kêu gọi sự ủng hộ, viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Kết quả trong năm 2012, vận động được 33 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hợp tác và hoạt động tài trợ tại Vĩnh Long với trên 76 tỷ đồng và 1 triệu USD, trong đó có 43 chương trình phi dự án và 9 dự án, chủ yếu trên các lĩnh vực: y tế, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới… tại 8 huyện- thành phố trong tỉnh.

Cụ thể như dự án nâng cấp, xây mới và hỗ trợ trang thiết bị cho 107 trạm y tế xã- phường- thị trấn do Tổ chức AP tài trợ; xây dựng 68 căn nhà tình thương, trao tặng 68 con bò cho hộ nghèo, giúp cho 280 người có nơi ở khang trang, hỗ trợ vay vốn tín dụng cho 6.426 hộ nghèo; xây dựng 4 trường mẫu giáo ở vùng sâu vùng xa, hỗ trợ 580 xe đạp cho học sinh; xây dựng 3 cầu nông thôn, 100 bồn vệ sinh cho hộ nghèo…

Các chương trình, dự án vận động được của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện nâng cao đời sống cho người dân, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt còn chú trọng ưu tiên tài trợ cho các xã thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
 
Năm 2013, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thu hút nhiều hơn nữa nguồn vận động viện trợ về cho tỉnh nhà, chỉ tiêu sẽ thực hiện là 100 tỷ đồng với mục tiêu nâng cao nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân cho hệ thống chính trị và nhân dân để mỗi người dân đều nắm rõ được công tác đối ngoại nhân dân và cách thức ngoại giao, cùng nhau thu hút nguồn vận động.

Bạn đồng hành cùng dân nghèo

Một trong các hoạt động nổi bật của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị là xây nhà cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Vừa qua tại huyện Vũng Liêm, dự án “Làng Hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc” đã tài trợ 41 căn nhà cho các hộ dân sinh sống ở khu vực sạt lở, hộ nghèo, hộ cận nghèo không đất ở hoặc nhà ở ven sông tại cụm dân cư thị trấn Vũng Liêm. Mỗi hộ được tài trợ 30 triệu đồng cất nhà, tổng giá trị tài trợ là 1,23 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại đã tạo được niềm tin cho các bệnh nhân đến khám tại tuyến y tế xã.


Cô Nguyễn Thị Ngợi (55 tuổi, ấp Rạch Trúc) không giấu được vẻ mừng vui trên khuôn mặt khắc khổ: “Năm cất cái nhà lá nhỏ trên đất vườn người quen, ở thui thủi một mình. Suốt ngày Năm ở trong lùm bụi không hà, mần cỏ, mần vườn, ai kêu mần gì cũng mần, kiếm ngày năm sáu chục ngàn đồng. Năm làm mẹ gần nửa đời người rồi mà không có được đất cất nhà. Con có chồng cũng khổ mà mình không giúp được gì, được Nhà nước hỗ trợ đất, hỗ trợ tiền cất nhà Năm mừng dữ lắm, quý lắm”.

“Tui bán đồ rẫy ở chợ Vũng Liêm, ngày kiếm lời chừng 40 ngàn đồng. Chồng bệnh mất sức lao động nên chỉ phụ hợ chút đỉnh, rảnh đi giăng lưới, giăng câu kiếm cá ăn, có dư thì bán. Cả nhà 4 người phải ở đậu đất nhà bà con, tới nước lên đồ đạc trôi lềnh bềnh… Vợ chồng tui không dám mơ có ngày được hỗ trợ tiền cất nhà như vầy, thiệt mừng ngủ không được”- chị Nguyễn Thị Kim Hài (36 tuổi, ấp Trung Tín) không giấu được niềm vui sướng hiện rõ trên gương mặt, chia sẻ với chúng tôi về căn nhà sắp thành hiện thực của mình.

Còn Dự án AP đã mang lại các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân, thu hút được nhiều bệnh nhân đến các tuyến y tế địa phương điều trị và hài lòng.

Cô Trần Thị Sinh (50 tuổi, xã An Bình- Long Hồ) chia sẻ, trước đây cô ít khi nào đến khám bệnh tại các trạm y tế xã vì cơ sở vật chất xuống cấp và thiết bị y tế không tốt lắm nhưng giờ đây các trạm đã được xây cất mới hoàn toàn, trang thiết bị hiện đại đảm bảo vệ sinh nên khi có “trái gió trở trời” cô đến trạm xã khám và điều trị vừa nhanh chóng, tiết kiệm và cũng rất hiệu quả.

Bài, ảnh: THÚY HẢI