Tiếng vọng từ lòng đất

Kỳ 3: Mong một “cái kết” có hậu

Cập nhật, 13:52, Thứ Sáu, 28/09/2012 (GMT+7)

>> Kỳ 1: “Thế hệ Hồ Chí Minh”

>> Kỳ 2: Những dòng chữ “thắp lửa”



Ảnh bé gái được tìm thấy cùng với kỷ vật.

Mong sao, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, chúng ta sớm xác định được lai lịch, quê quán, nhân thân của tác giả; để được xem như một “cái kết” có hậu cho câu chuyện còn dở dang của quyển nhật ký. Đó vừa là tình yêu, vừa là trách nhiệm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Tại buổi họp báo chia sẻ thông tin về quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”, được Báo Bình Dương tổ chức vừa qua, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giả thiết, nhiều tình huống giả định, cũng như cần có thái độ thật cẩn trọng trước khi có quyết định xuất bản sách, nhằm tránh những sự cố đáng tiếc. Trên tinh thần đó, ông Trương Công Giang- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, có đặt vấn đề: Đây là một tài liệu có tính tuyên truyền giáo dục tốt, nhưng đối vối Đảng ta thì giáo dục bao giờ cũng phải mang tính người thật, việc thật. Do đó, ngoài kênh truyền thông chúng ta cần ứng dụng những kỹ thuật khoa học giám định kỷ vật, nét chữ… Mà điều này, đối với tiến bộ khoa học hiện nay thì không khó lắm. Còn nếu xác định được chính xác nguồn gốc người liệt sĩ- tác giả quyển nhật ký thì còn gì quý bằng.

Ý kiến của ông Trương Công Giang xuất phát từ kinh nghiệm quý báu của người làm công tác khoa học lịch sử, là phản biện cần lưu ý trong quá trình chúng ta vừa tuyên truyền rộng rãi tư liệu, vừa truy tìm nguồn gốc sự thật.

Theo những ghi chép trong nhật ký, cho đến giờ chúng ta có thể xác định tác giả là một nữ giáo viên người Nam Bộ, qua một số phương ngữ như: “ba má”, “đau”; cũng như dòng nhật ký ghi ngày 20/11/1965: “Viết thư cho người thân ở Cần Thơ- mong hồi thư”, nên nhiều đồng nghiệp cho rằng có thể tác giả là người miền Tây. Từ sự kiện chị- tác giả nhật ký có tham gia khóa học sư phạm ở R, trong thời gian 2 năm 1964- 1965, có ghi lễ bế giảng vào ngày 27/8/1965, chúng tôi đã tìm gặp chú Ba Minh ở Phường 8- TP Vĩnh Long- một cán bộ lâu năm trong ngành giáo dục. Chú Ba Minh cho biết: “Đúng là có một lớp sư phạm được mở ở R, trong khoảng thời gian trên. Có 4 người quê Vĩnh Long cùng tham gia lớp học này. Trong đó, 2 người do tỉnh cử đi là anh Bảy Chí Linh và anh Sáu Minh. Anh Bảy Giảng (ở Trà Ôn), được tỉnh Minh Hải cử đi; còn tôi tham dự với tư cách cán bộ đang công tác phong trào học sinh sinh viên khu Sài Gòn- Gia Định. Đây là lớp học do phân hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, nhằm đào tạo cán bộ chuẩn bị cho công tác phụ trách ngành giáo dục sau khi giải phóng miền Nam. Khóa học này có tên là “Trường giáo dục tháng 8”, có khoảng một trăm mấy chục người gì đó, tôi không nhớ chính xác. Ngoài ra, khi đọc nội dung của nhật ký, tôi thấy có nhắc đến chuyện nghe nhân vật “nói chuyện”, theo tôi nghĩ có thể là ông Dương Văn Diêu- Trưởng Tiểu ban Giáo dục miền Nam. Còn một mối liên hệ nữa, có thể là nữ với nhau thì dễ biết hơn, trong khóa học này có chị Thanh Hải- nguyên là Chủ tịch Công đoàn tỉnh Tiền Giang, chồng chị là anh Tư Hồng- nguyên Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Tiền Giang”.

Còn căn cứ vào thời gian của chuyến đi cũng như chuyến về, từ quê nhà đến R là khoảng 2 tuần lễ, chú Ba Minh suy luận: “Có thể khoanh vùng “quê nhà” phải ở phía bờ Bắc sông Tiền, vì chuyện vượt sông lúc đó rất khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn. Theo phán đoán chủ quan của tôi, có thể thuộc khu vực Nhà Bè, Thủ Thiêm”. Trong trang 14, ghi ngày 16/11/1965, chị có nêu sự kiện đáng chú ý: “Lo điểm tập kết Đại hội giáo viên của quận- kết quả tốt”. Kết hợp lại có lẽ ý kiến của chú Ba Minh là khá hợp lý.

Một vài chi tiết khác có liên quan đến nhân thân của tác giả, có thể xác định được là chị có người anh tên Quang; có một người anh đồng chí tên Hồng Thu (có vợ từng bị thương nguy kịch khoảng 6/1966). Một số nhân vật khác chị có nhắc trong nhật ký như: anh Lý, cô Bảy, chú Năm, chị Hải, chị Hà... Và một trong những đoạn hiếm hoi chị bày tỏ cảm xúc, tình cảm riêng tư, được ghi vào ngày 21/1/1966 (mùng 4 âl): “Đến gặp anh C. để bàn công tác, một tin làm M. xúc động vô cùng: người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8/1 (ngày đầu địch càn vào Bắc C2) M. buồn và có suy nghĩ nhiều, dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc, nhưng trong lòng ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra, còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư: Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi như người… lý tưởng của M”. Như vậy, “người yêu” của chị có thể là “10T”, đã bị giặc bắt vào ngày 8/1, trong trận càn vào Bắc C2.

Trên đây là một số “đường dây” thông tin, cùng những giả định và cả những phản biện bước đầu, với mong muốn là chúng ta sớm tìm ra được lai lịch quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Chúng ta cũng có thể hy vọng chính những người thân, những đồng chí có tên “xuất hiện” trong nhật ký sẽ sớm xác nhận tên tuổi, quê quán liệt sĩ. Đó cũng là mong ước chung của nhiều gia đình, thân nhân, đồng đội của liệt sĩ trên cả nước, vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm không mệt mỏi. Mong sao tất cả những người lính đã hy sinh đều được có tên và “trở lại” quê nhà.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN