Thể thao ĐBSCL: Cần chung sức vươn lên

Cập nhật, 07:30, Thứ Tư, 20/02/2019 (GMT+7)

Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có thể “chung tay” đăng cai tổ chức kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX- 2026, nếu như các tỉnh- thành trong khu vực cùng nhất trí.

Đó là gợi ý của ông Trần Đức Phấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT- trong cuộc gặp gỡ các nhà quản lý thể thao khu vực ĐBSCL khi tham dự hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (TTHLQG) Cần Thơ vào đầu năm 2019.

Biểu diễn võ Taekwondo tại Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Long 2018.
Biểu diễn võ Taekwondo tại Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh Vĩnh Long 2018.

Theo ông Trần Đức Phấn, sự kiện này có thể đánh thức tiềm năng thể thao của khu vực vốn đã và đang sản sinh ra nhiều tài năng.

Từ lâu, nguồn lực đầu tư cho thể thao ở các tỉnh- thành vùng ĐBSCL còn hạn hẹp và hầu như từ ngân sách nhà nước. Nguồn tài chính dành cho thể thao không dồi dào, nên phải “liệu cơm gắp mắm”, chỉ đầu tư vào một số môn thế mạnh.

Trong nỗ lực tăng cường năng lực cạnh tranh cho các VĐV, tạo sân đấu để trưởng thành, các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đã giao ước hình thành Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL diễn ra định kỳ 2 năm 1 lần và kỳ đại hội đầu tiên do Cần Thơ đăng cai diễn ra vào năm 2005. Đến nay, đại hội đã diễn ra được 7 lần, nhưng có nguy cơ mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại kỳ Đại hội TDTT ĐBSCL lần VII- 2017 diễn ra ở Bến Tre, lần đầu tiên có sự góp mặt của một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cũng sau kỳ đại hội này, các tỉnh- thành vùng ĐBSCL đã thống nhất tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần, nhằm tạo thêm sức hấp dẫn cho đại hội.

Thế nên, kỳ đại hội tiếp theo do Vĩnh Long đăng cai diễn ra vào năm 2020. Ông Nguyễn Thanh An- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Các tỉnh đã thống nhất với nhau về việc tổ chức đại hội thể thao khu vực, nhưng để tăng thêm sức hấp dẫn, cần Tổng cục TDTT ra điều lệ chung, nhằm đảm bảo tính ổn định của sự kiện này”.

Còn ông Nguyễn Tuấn Tú- Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Bến Tre- cho rằng: “Đại hội do Bến Tre đăng cai lần đầu tiên có các tỉnh Đông Nam Bộ nhưng thực tế các đơn vị không mặn mà lắm, khi chỉ cử số ít VĐV trẻ tham dự một vài môn. Vì vậy, việc mở rộng quy mô đại hội cần có sự hỗ trợ của Tổng cục TDTT”.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Phấn cho biết: “Thể thao của các tỉnh vùng ĐBSCL chưa đồng đều, trong việc tổ chức Đại hội TDTT ĐBSCL cần phải xây dựng các tiêu chí nội bộ.

Tổng cục sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các vấn đề về chuyên môn và tổ chức, nhưng việc phát triển thể thao như thế nào là do các địa phương bàn luận, quyết định.

Ông Trần Đức Phấn chia sẻ việc tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 là một sự nỗ lực rất lớn, bởi có rất nhiều ý kiến tranh luận ở nhiều địa phương về điều lệ trước khi được ban hành.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là theo hệ thống thi đấu Olympic, kể cả cách tổ chức môn bóng đá dành cho lứa tuổi trẻ. Những cuộc tranh luận quyết liệt nhất là ở các môn võ thuật với những nội dung thi quyền và đối kháng, bỏ nội dung nào, giữ nội dung nào cũng là quá trình cân nhắc rất khó khăn. Cuối cùng cũng theo hệ thống thi đấu quốc tế, nhằm hạn chế thấp nhất những tranh cãi.

Cũng theo ông Trần Đức Phấn, cách thức tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc vừa qua cho thấy hiện chỉ có Hà Nội có thể đảm bảo được các điều kiện về cơ sở vật chất. Thế nên, các tỉnh thành vùng ĐBSCL cùng phối hợp mới có thể đăng cai tổ chức tốt một kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc.

Bài, ảnh: DƯƠNG THU