Philippines: Đội bóng "Tây" ở Đông Nam Á

Cập nhật, 14:58, Thứ Năm, 06/12/2018 (GMT+7)

Chưa bao giờ ở AFF Cup lại ngập tràn các cầu thủ nhập tịch đến thế, khi cả Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và đặc biệt là Philippines đều sở hữu nhiều cầu thủ gốc nước ngoài.

Philippines với những gương mặt rất Tây! Ảnh: PFF
Philippines với những gương mặt rất Tây! Ảnh: PFF

Gần như toàn bộ đội ngũ trong tay HLV Sven-Goran Eriksson hiện tại là những cầu thủ sinh ra và lớn lên ở châu Âu.

Chuyện quen thuộc của bóng đá

Cũng như ở những sân chơi tầm thế giới, xu hướng nhập tịch cầu thủ ở Đông Nam Á gây rất nhiều tranh cãi. Điều này được xem là bất công với những đội tuyển “thuần chủng” như Myanmar, Lào hay Campuchia.

Hầu hết các cầu thủ gốc ngoại của Philippines là những ngôi sao, có giá trị vượt trội so với trình độ bóng đá Đông Nam Á, như thủ thành Neil Etheridge hiện đang chơi ở câu lạc bộ Ngoại hạng Anh Cardiff, tiền vệ John Patrick Strauss của CLB Đức Erzgebirge Aue (hạng nhì), anh em Manuel và Mike Ott, sinh ra, lớn lên và chơi bóng ở Đức, dù nay đã về đá tại Philippines…

Nhờ dàn ngoại binh này mà Philippines được Transfermarkt - trang web chuyên về chuyển nhượng cầu thủ - định giá đội ngũ dự giải lên đến 7,38 triệu euro, cao hơn cả Thái Lan để trở thành đội tuyển đắt giá nhất giải.

Về cơ bản, có thể chia nhập tịch trong bóng đá thành 3 trường hợp: cầu thủ ngoại kiều có cha hoặc mẹ là người bản địa; cầu thủ nước ngoài nhưng nhập cư từ nhỏ; và cầu thủ nước ngoài 100% nhưng được LĐBĐ nhập tịch để kiếm thành tích.

Với Thái Lan và Philippines, phần đông các cầu thủ của họ thuộc vào trường hợp thứ nhất. Chẳng hạn, cha của Philip Roller là người Đức nhưng mẹ anh là người Thái Lan, Kevin Deeromram cũng tương tự với cha là người Thụy Điển.

Các cầu thủ Philippines cũng vậy, từ Etheridge (cha người Anh), Daisuke Sato (cha người Nhật Bản), Patrick Strauss cho đến anh em nhà Ott (đều có cha là người Đức) có mẹ là người Philippines. Việc họ trở về khoác áo đội tuyển quê nhà là hoàn toàn hợp lệ và có thể thông cảm.

Ngay đội tuyển VN cũng không hoàn toàn “100% thuần Việt” khi thủ môn chính thức Đặng Văn Lâm, đã bắt rất tốt ở các trận vòng bảng, mang hai dòng máu Việt - Nga (cha người Việt, mẹ người Nga). Việc sử dụng các VĐV ngoại kiều không hề xa lạ với thể thao VN.

Tại SEA Games lẫn Asiad gần đây, đội tuyển bơi lội VN có kình ngư Lê Nguyễn Paul (gốc Mỹ), còn đội bắn súng có Iwaki Ai (gốc Nhật) cũng là những VĐV mang hai dòng máu, quyết định trở về khoác áo tuyển VN để có thêm nhiều cơ hội thi đấu quốc tế.

Trường hợp thứ hai không xuất hiện nhiều ở Đông Nam Á, nhưng lại cực kỳ phổ biến ở bình diện bóng đá quốc tế.

Nếu loại bỏ những cầu thủ nhập cư, nhà vô địch World Cup 2018 có lẽ không phải là tuyển Pháp. Theo thống kê, đến 20/23 tuyển thủ Pháp đăng quang trên đất Nga mùa hè rồi là người nhập cư hoặc con cái của người nhập cư.

Chỉ có trường hợp thứ ba là bị lên án nhiều nhất, khi vung tiền để nhập tịch cầu thủ nhằm kiếm thành tích thuần túy. Chính vì vậy, tuy bóng đá VN có không ít cầu thủ nhập tịch nhưng họ không được ủng hộ nhiều trong việc khoác áo đội tuyển quốc gia.

Đơn giản bởi phần lớn cầu thủ nhập tịch đều nhận tiền lót tay của các CLB (lên đến cả trăm ngàn USD) nhằm lách quy định hạn chế ngoại binh ở V-League. Ngay Singapore, nơi từng thử nghiệm chính sách này và thành công, nay cũng từ bỏ.

Ông Eriksson mới là ngôi sao sáng nhất của Philippines.-Ảnh: ESPN
Ông Eriksson mới là ngôi sao sáng nhất của Philippines.-Ảnh: ESPN

Philippines và những cái tên đáng gờm

Philippines có bao nhiêu cầu thủ thuần bản địa trong đội hình? Vỏn vẹn ba người: thủ thành dự bị Patrick Deyto, trung vệ Amani Aguinaldo, và tiền đạo Jovin Bedic - cả ba đều không thể chen chân vào đội hình chính của HLV Eriksson.

Ngoài ra, cầu thủ chạy cánh trái gốc Nhật Sato hiện thi đấu cho CLB Sepsi Gheorghe ở Giải vô địch Romania.

Sato là một trong những cầu thủ đắt giá nhất AFF Cup 2018, được Transfermarkt định giá lên đến 550.000 euro. Tốc độ đáng nể của anh gây ra rất nhiều khó khăn cho hàng phòng ngự của Thái Lan trong trận hòa 1-1 ở vòng bảng.

Còn lại, toàn bộ những trụ cột của Philippines đều có gốc châu Âu. Dễ hiểu vì sao Philippines có chiều cao trung bình tốt thứ 2 ở giải (178,5cm), chỉ kém mỗi Thái Lan (180cm).

Ngôi sao trong khung gỗ Etheridge giờ đã chia tay giải để về hội quân cùng Cardiff, nhưng người thay thế anh Michael Falkesgaard cũng là một cái tên đáng chú ý.

Trưởng thành từ lò đào tạo của CLB lừng danh Đan Mạch Brondby, Falkesgaard từng nhiều lần khoác áo các đội tuyển trẻ Đan Mạch trước khi lựa chọn Philippines ở cấp độ đội tuyển quốc gia đầu năm nay.

Có ngoại hình cao to nhưng bộ đôi tiền đạo Phil Younghusband - Patrick Reichett không quá đáng sợ. Cả hai đều đã khoác áo tuyển Philippines nhiều năm nay và quen thuộc với bóng đá khu vực.

Sức mạnh của Philippines chủ yếu nằm ở hàng hậu vệ và tiền vệ. Ở tuyến giữa nổi bật là tiền vệ cánh Stephan Schrock, cũng trở về từ Đức.

Hàng phòng ngự của Philippines cũng toàn dân nhập tịch. Trung vệ Alvaro Silva có lẽ là cái tên đặc biệt nhất, anh có cha mẹ là người Tây Ban Nha, nhưng ông bà nội là người Philippines và từng khoác áo nhiều CLB tên tuổi như Malaga, Cadiz. Năm 2017, Silva từng đến VN chơi bóng cho CLB Hà Nội trước khi chuyển sang Kedah của Malaysia.

Nay đã 34 tuổi, trung vệ hiện không có CLB và mới khoác áo Philippines 6 lần. Kinh nghiệm chơi bóng ở VN của anh sẽ có ích cho trận bán kết sắp tới của Philippines. Silva đã chơi khá hay trong hai trận hòa của Philippines trước Thái Lan và Indonesia.

Hậu vệ cánh trái 29 tuổi Stephan Palla, sinh ở Áo, lấy quốc tịch Philippines từ năm 2015, nhưng đến AFF Cup 2018 này mới thực sự trở thành trụ cột của đội. Palla hiện khoác áo đội bóng mạnh nhất Thái Lan Buriram và được định giá 300.000 euro.

Nhưng ngôi sao lớn nhất của Philippines chính là HLV Eriksson. Chiến lược gia người Thụy Điển bị nghi ngờ đã hết thời cũng như không có khả năng thích nghi với môi trường Đông Nam Á. Nhưng ông cũng có lợi thế riêng.

Xu hướng nhập tịch cầu thủ gốc châu Âu của Philippines đã có từ chục năm qua, nhưng trong 11 đời HLV trưởng của Philippines 10 năm gần đây, không có ai am hiểu các cầu thủ châu Âu như Eriksson, người đã nhiều năm lăn lộn ở những nền bóng đá tiên tiến nhất và từng dẫn dắt cả đội tuyển Anh.

Ở vòng bảng, chiến lược gia người Thụy Điển đã cho thấy ông có thể nhanh chóng tìm được tiếng nói với các học trò và kết nối họ thành một tập thể vững chắc ra sao.

Tuy nhiên, việc dùng quá nhiều cầu thủ nhập tịch cũng có vấn đề của nó: những ngôi sao lớn nhất của họ không coi trọng đội tuyển quốc gia bằng sự nghiệp cá nhân ở CLB.

Nối bước thủ thành Etheridge, hai trụ cột Sato và Strauss đã rời AFF Cup để trở về phục vụ CLB (các CLB châu Âu không có nghĩa vụ nhả quân cho AFF Cup, vốn không thuộc hệ thống giải chính thức của FIFA).

Cộng thêm chấn thương của Luke Woodland, đội ngũ Philippines hiện còn chưa đầy 20 người. Sức mạnh của họ xem như đã suy giảm đáng kể so với giai đoạn vòng bảng.

Theo TTO