Cẩn trọng việc làm online

Cập nhật, 05:49, Thứ Sáu, 09/11/2018 (GMT+7)

Chỉ cần ngồi nhà lướt web, online vài tiếng là có vài trăm ngàn đồng/ngày, 8- 10 triệu đồng tháng... những lời rao hấp dẫn này đã làm nhiều người nghe êm tai, thấy dễ ăn nên cũng dễ dính bẫy.

“Việc nhẹ lương cao”

Nhiều thông tin tuyển người được rao trên mạng xã hội mà nhiều người đã dính bẫy.
Nhiều thông tin tuyển người được rao trên mạng xã hội mà nhiều người đã dính bẫy.

Với lời rao “việc nhẹ lương cao” hoặc “chỉ cần ngồi nhà với một chiếc điện thoại thông minh là đã có thể kiếm ra tiền” trên nhiều trang web, mạng xã hội đã thu hút nhiều người tham gia đăng ký. Và đã có không ít người sập bẫy khi click ứng tuyển.

Ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên nhiều trang mạng xã hội, có rất nhiều thông tin tuyển dụng làm việc. Theo đó, hầu hết các công ty này đều đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn để thu hút người đọc. Chẳng hạn như: “cần tuyển thêm người nhận việc về nhà làm sản phẩm cho công ty nước ngoài.

Công việc đơn giản, không đòi hỏi cao, không đi lại, không rủi ro, thích hợp cho công nhân, giáo viên, nhân viên văn phòng, sinh viên, mẹ bỉm sữa…, lương từ 3- 10 triệu đồng/tháng” hay “ Không cần lên công ty làm, chỉ cần làm tại nhà, làm vào những lúc rãnh rỗi 20-22 giờ mỗi tối, lương từ 2- 6 triệu đồng/tháng + quà + thưởng”, hoặc “công việc không đòi hỏi bằng cấp hay vốn, rảnh làm bận nghỉ không ép buộc thời gian, lương cao, có thưởng”…

Chính những lời rao hấp dẫn này đã khiến không ít người dính bẫy. Là một nhân viên văn phòng, rảnh buổi tối nên chị Nguyễn Phương Anh (Phường 1- TP Vĩnh Long) muốn tìm thêm việc để trang trải chi phí.

Lướt facebook thấy một trang mạng đăng thông tin tuyển người, chị Anh tìm hiểu thì biết công ty này tuyển bán mỹ phẩm ăn sản phẩm, nhận cataloge về nhà giới thiệu bán được sản phẩm mới được chia hoa hồng.

“Thử tìm việc ở một số trang nữa thì phần lớn là tuyển bán kem trộn, hoặc cài ứng dụng bậy bạ. Có nơi đăng thông tin không cọc nhưng khi liên hệ thì bắt đặt cọc card điện thoại. Tôi thấy đăng thông tin rất kêu, rất ngọt, rất dễ ăn nhưng khi liên hệ thì toàn việc không khả thi”- chị Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, có những trường hợp sau khi xem thông tin trên mạng và tìm đến địa chỉ thì đó là một trung tâm giới thiệu việc làm. Họ bắt người lao động phải đóng phí để được tư vấn, giới thiệu.

Chị Trần Thị Ngọc Bích (Tam Bình) đang làm công nhân tại Bình Dương cho biết: “Mấy tháng trước, 2 vợ chồng tôi bị gạt hết 2 triệu đồng”.

Theo thông tin trên mạng, chị Bích và chồng là anh Nguyễn Văn Phú được một người đăng thông tin trên mạng hẹn giao dịch trước cửa một trung tâm giới thiệu việc làm tại Bình Dương. Công việc là làm bảo vệ và thu ngân ở siêu thị, lương khởi điểm 7 triệu đồng.

Chị Bích kể: “Người đó hẹn chúng tôi ở quán cà phê sát trung tâm giới thiệu việc làm nên tôi tưởng người làm ở trung tâm, rồi khi lấy tiền giới thiệu 500.000 đ/người, anh ta còn đề nghị đóng thêm 500.000 đ/người là tiền đồng phục. Sau đó, đưa chúng tôi một biên nhận và giấy giới thiệu về nhận việc”.

Đến khi, vợ chồng chị Bích đến siêu thị trình giấy để nhận việc mới phát hiện ra mình bị lừa, vì siêu thị không tuyển lao động và cũng không biết gì chuyện này.

Đến trung tâm giới thiệu việc làm trước đó thì vỡ lẽ ra là “người giới thiệu hôm trước không quen biết, không phải người của trung tâm”.

Đừng để lạc vào “ma trận online”

 Cần tìm hiểu kỹ thông tin khi tìm việc.
Cần tìm hiểu kỹ thông tin khi tìm việc.

Đó là chưa kể vì mong muốn có được việc mà nhiều người lao động không ngần ngại đóng phí. Một số trường hợp được giới thiệu thì công việc hoàn toàn không như mô tả, lương lại thấp hơn.

Người lao động không đồng ý và đòi lại phí thì trung tâm không trả và đưa ra vô số lý do. Bạn Lê Thanh Nhã- sinh viên một trường ĐH- cho hay:

“Tôi từng tìm việc làm qua mạng khi mới lên học để kiếm tiền đóng học phí, khi bắt đầu làm thì họ yêu cầu thử việc không lương một tuần, được thì làm tiếp. Sau khi thử việc, họ nói không đạt yêu cầu, thế là mất luôn công mấy ngày làm việc”.

Không những không có việc làm, nhiều bạn còn phải mất tiền vì những chiêu lừa “cũ người, mới ta” này. Những người bị lừa thường không tố cáo vì số tiền không lớn, nhưng chính điều này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu tiếp tục lừa những người khác.

Bên cạnh đó, khi tiết lộ thông tin cá nhân trên mạng, có thể bị lấy thông tin cá nhân để bán cho các loại dịch vụ khác.

Do đó, hãy là một người tìm việc thông minh. Đừng vì những lời quảng cáo “có cánh” mà mắc bẫy. Thời đại công nghệ nhiều trang web, diễn đàn, trang mạng xã hội cập nhật nhiều thông tin tuyển dụng. Nhờ đó, nhiều người lao động dễ dàng hơn khi tìm việc, nhưng cũng nên dè chừng những thông tin tuyển dụng thông tin mơ hồ, thiếu rõ ràng.

Chị Nguyễn Huỳnh Thu- Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long- cho biết: Hiện nay đa số các bạn trẻ mà nhất là sinh viên sử dụng Internet rất nhiều và tốn nhiều thời gian.

Từ đó, các bạn có tâm lý tin tưởng vào không gian mạng, ngại tiếp xúc, tìm hiểu thực tế,… nên có hiện tượng tìm việc qua các trang online.

Tìm việc trên mạng cũng là một kênh thông tin tuy nhiên các bạn phải có sự kiểm chứng thực tế (điện thoại, đi đến địa chỉ công ty, nội dung công việc…).

Tìm hiểu kỹ hơn các thông tin việc làm (bình luận, hoạt động), nếu phát hiện không đúng sự thật thì phải phản hồi cho người khác biết để không có thêm người bị lừa nữa. Trung tâm giới thiệu việc làm của các cơ quan nhà nước là địa chỉ tin cậy, các bạn nên đến đó trực tiếp.

Bài, ảnh: HUYỀN - LY

 

Chị Lê Hương Bình- Chủ tịch Hội Sinh viên Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long- cho biết: Hội sinh viên trường chưa phát hiện trường hợp sinh viên bị lừa gạt khi xin việc online. Tuy nhiên, thiếu kinh nghiệm xin việc và bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn với mức lương cao thì sinh viên có thể mắc bẫy. Chị khuyên: Khi xin việc không chỉ dựa vào trên mạng mà hãy biết địa điểm của doanh nghiệp, cá nhân đó ở đâu, nhận gia công ở đâu? Tìm hiểu kỹ thông tin về địa chỉ và công việc sắp làm và tốt nhất là trao đổi trực tiếp và rõ ràng các điều kiện, có hợp đồng lao động cụ thể.