Học gì trên mạng xã hội?

Cập nhật, 15:09, Thứ Sáu, 06/04/2018 (GMT+7)

 “Mạng xã hội (MXH) chính là con dao hai lưỡi”- nhiều bạn trẻ đã nhận định như thế, bởi nhờ nó mà bạn trẻ có thêm nhiều cơ hội học tập, nâng cao kiến thức hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có không ít bạn trẻ sa đà vào những trào lưu vô bổ từ các trang mạng này.

Bạn trẻ có thể dễ dàng trao đổi kiến thức, học tập, học nấu ăn miễn phí trên mạng xã hội.
Bạn trẻ có thể dễ dàng trao đổi kiến thức, học tập, học nấu ăn miễn phí trên mạng xã hội.

Bổ sung kiến thức,  kinh nghiệm

Lên MXH học Anh văn đã thành thói quen của bạn Trần Mộng Cầm- sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Nhớ lại năm trước, Cầm vẫn còn đỏ mặt khi tâm sự: “Có lần em đi chợ Bến Thành chơi với nhóm bạn, gặp một khách người nước ngoài hỏi đường mà em không biết trả lời ra sao. Cũng may, có nhỏ bạn trả lời giúp. Em thấy ngại lắm”.

Đó là lý do khiến cô sinh viên này quyết tâm theo đuổi việc học tiếng Anh trực tuyến. “Em học từ đơn giản tới phức tạp, từ dễ đến khó để không bị mất căn bản. Và đến giờ thì đã có thể hoàn toàn tự tin khi nói chuyện với người nước ngoài rồi”- Mộng Cầm cười tươi.

Còn bạn Lê Nhật Quang- học sinh lớp 12 (xã Trường An- TP Vĩnh Long) thì thường hay vào Youtube để ôn luyện bài vở. Theo Quang, chỉ cần vào trang này rồi gõ tài liệu mà mình cần tìm là có liền, như: học Toán lớp 12, Vật lý lớp 10, Hóa hữu cơ lớp 12.

Em còn tạo lập nhóm trên Facebook để trao đổi với nhau trong học tập. Chính vì vậy mà chẳng cần đi học thêm, Quang cũng xếp loại khá, giỏi.

“Nếu mình biết khai thác MXH để phục vụ cho học tập thì còn gì bằng, vì “có thể chủ động thời gian, trước một vấn đề không hiểu mình cũng có thể “tua đi tua lại” thoải mái để nắm vững kiến thức”.

“Các trang MXH như Youtube, Facebook, Twitter… vẫn có nguồn kiến thức dồi dào, đa dạng các lĩnh vực như: kinh tế, kỹ thuật, các môn học ở phổ thông… cứ truy cập mà không cần phải trả phí”- bạn Nguyễn Thanh Minh- sinh viên ngành Quản trị kinh doanh ĐH Cần Thơ- khẳng định.

Theo Minh thì em hay nghe các bài chia sẻ về khởi nghiệp không cần tiền, bí quyết kinh doanh hiệu quả và bổ sung vốn tiếng Anh trên Youtube.

Không chỉ vậy, Minh còn tập tành kinh doanh online trên Zalo, Facebook để “học đi đôi với hành” và hơn hết là có thể tích lũy thêm kinh nghiệm. Minh thừa nhận: Giờ em bớt đi khá nhiều thời gian “chat chit” mỗi khi lên MXH rồi.

Và sẽ thật thiếu sót nếu như không kể đến việc nhiều bạn trẻ còn tận dụng MXH để học đàn, học vẽ tranh, trang bị kỹ năng mềm và trao đổi kiến thức xã hội với bạn bè…

Chị Phạm Hồng Thắm- nhân viên kinh doanh ở Long Hồ- mỗi ngày đều tranh thủ thời gian rảnh để học nấu ăn trên MXH và chị thường hay vào kênh MonngonTV để tìm kiếm thông tin.

Chị cho hay: Bên cạnh công việc ngoài xã hội thì phụ nữ cũng phải biết cách tề gia nội trợ chứ.

Chính vì thế, chị dành khoảng 1 giờ/ngày để học nấu ăn “Giờ đây không chỉ nấu được hầu hết các món ăn mà người thân ưa thích như: cá kho tộ, chả cuốn cá, đậu cuộn tôm… tôi còn biết chế biến các món chè hạt sen, thạch chocolate hấp dẫn, ngon lành”- chị tự tin khoe.

Chạy theo các trào lưu

Mạng xã hội luôn có những mặt trái, thế nên bạn trẻ cần phải cân nhắc khi sử dụng.
Mạng xã hội luôn có những mặt trái, thế nên bạn trẻ cần phải cân nhắc khi sử dụng.

Thực tế cho thấy việc sử dụng MXH theo hướng tích cực như trên, bạn trẻ sẽ có cơ hội trao đổi kiến thức, học tập miễn phí hay tích lũy kỹ năng sống phong phú.

Tuy nhiên, vẫn có không ít bạn trẻ ghiền lên MXH chỉ để xem phim, nghe nhạc hoặc tán gẫu với bạn bè… Điều này không chỉ mất thời gian mà còn ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập, công việc của các bạn mà thôi.

Mỗi khi đi đâu hay làm gì hoặc trước khi ăn uống, em Nguyễn Cẩm Y.- học sinh lớp 8- cũng chụp ảnh đăng lên Facebook, Zalo.

Sau đó, hồi hộp chờ đợi cộng đồng mạng bấm “like” (thích), “comment” (bình luận). Y. cho hay, mỗi ngày em lên Facebook cả 10 tiếng đồng hồ mà không biết chán. Như vậy thời gian em dành cho việc học đương nhiên là rất ít và kết quả học tập cũng không cao.

Để bắt kịp xu hướng hiện đại và không bị cho là “hai lúa”, không ít bạn trẻ còn tìm và theo các trào lưu trên MXH như: ăn mặc hở hang, sống ảo,…

Trong đó phải kể đến trào lưu “đủ “like” là làm”, cho dù là đốt trường, cắt tay, thậm chí là tự thiêu. Kế đến là trào lưu… giả đám ma, tế sống khi bạn đang ngủ.

Như trường hợp của bạn Lê Thị T.N.- cũng học sinh lớp 8 (TP Vĩnh Long) rủ rê các bạn làm đám ma giả cho một bạn học khác cùng lớp mình.

Vậy là các em lấy ly làm lư hương, mua trái cây làm đồ cúng… Các bạn không nhận ra đây là trò đùa phản cảm mà trái lại còn hớn hở, tươi cười vì “có ảnh hưởng đến ai đâu mà sợ”.

Điểm danh một vài trào lưu trên MXH được giới trẻ khởi xướng trong thời gian gần đây, từ giả vờ mất tích đến thêu da kỳ dị, đo chân dài… đã khiến nhiều người ngao ngán và tự hỏi: Giới trẻ ngày nay có phải dễ dàng a dua, học theo các trào lưu vô bổ?

Người trẻ học gì trên MXH? Đó là câu hỏi mà vốn dĩ đáp án phụ thuộc vào bản thân các bạn. Vì MXH luôn tồn tại những điều hữu ích, tốt đẹp và luôn đi kèm sau nó những mặt trái.

Chúng ta nên nhớ rằng, MXH không có tội mà có chăng là người sử dụng nó sai mục đích làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và những người xung quanh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY