Để tổ chức Đoàn và thanh niên không còn khoảng cách

Cập nhật, 10:54, Thứ Sáu, 06/09/2019 (GMT+7)

Có lần trò chuyện với một cựu cán bộ Đoàn, chúng tôi được chú kể về khoảng thời gian chú làm thủ lĩnh thanh niên.

Chú nói: Ngày trước, khi còn là sinh viên tham gia các phong trào tình nguyện, điều mà chú hạnh phúc nhất là được các anh chị Đoàn cấp trên đến thăm hỏi, động viên và chú luôn nhìn vào tác phong làm việc của họ để phấn đấu. Rồi đến khi làm cán bộ Đoàn, chú không ngại khó ngại khổ và dành hầu hết thời gian để sâu sát cơ sở, thăm hỏi tình hình đời sống của thanh niên.

Để qua đó tổ chức các hoạt động cho phù hợp. Đó là lý do vì sao mỗi khi người thủ lĩnh ấy phát động phong trào thì hầu như anh em đều hăng hái xung phong.

Nói về công tác Đoàn hiện nay, chú cho rằng mặc dù hiện tại tổ chức Đoàn có nhiều phong trào đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của địa phương nhưng xét về mặt nào đó vẫn cần phải thay đổi mạnh mẽ.

Đó chính là “xóa dần khoảng cách giữa tổ chức Đoàn và thanh niên”. Và theo chú, để làm được điều đó thì tổ chức Đoàn phải bỏ đi tính hình thức, bề nổi. Còn riêng cán bộ Đoàn phải “biết nói tiếng nói chung với thanh niên”.

Thực tế công tác đoàn cho thấy, “phong trào mang tính hình thức” là vấn đề đã và đang tồn tại ở một số nơi. Chính điều này vô tình làm cho một số bạn trẻ có sự hoài nghi cũng như “hời hợt” với các hoạt động Đoàn.

Cùng với đó, một số hoạt động Đoàn cũng chưa theo kịp với diễn biến tâm lý, chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của thanh niên. Các đơn vị Đoàn còn khá thụ động trong việc nắm bắt đời sống tư tưởng của thanh niên để có những giải pháp ngăn ngừa kịp thời.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh lực lượng thanh niên ưu tú, sống có hoài bão, khát vọng thì có một bộ phận giới trẻ đang dần phai nhạt lý tưởng, suy nghĩ lệch lạc, sa đà vào các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường…

Bạn H.T.- một cán bộ Đoàn địa phương- chia sẻ: Để thanh niên đến với tổ chức Đoàn, bên cạnh các phong trào thiết thực, lôi cuốn thì cán bộ Đoàn phải bình dị, gần gũi và là tấm gương để đoàn viên thanh niên học tập, noi theo.

Bởi người thủ lĩnh đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn. Một đơn vị, một cơ sở Đoàn sẽ khó hoạt động chất lượng nếu người thủ lĩnh thiếu nhiệt huyết, không biết cách khơi dậy lửa tình nguyện trong mỗi thanh niên; không sâu sát, gần gũi với thanh niên, không dựa trên lợi ích, chính kiến của tập thể… Và nếu cán bộ Đoàn “không theo kịp” thanh niên, thì thử hỏi làm sao họ có khả năng tập hợp dẫn dắt, định hướng cho các bạn trẻ?

Để xóa dần khoảng cách giữa thanh niên với tổ chức Đoàn, đòi hỏi tổ chức Đoàn phải tự làm mới chính mình, phải đổi thay mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm. Đặc biệt, cán bộ Đoàn phải biết trăn trở cùng thanh niên, thấu hiểu và luôn vì lợi ích thanh niên.

 

TUỆ LÂM