Học cách sẻ chia từ những ngày dịch bệnh

Cập nhật, 06:38, Thứ Sáu, 26/11/2021 (GMT+7)

 

Tham gia cùng nhau trong những ngày dịch bệnh, bạn trẻ học được nhiều điều ý nghĩa.
Tham gia cùng nhau trong những ngày dịch bệnh, bạn trẻ học được nhiều điều ý nghĩa.

Dịch COVID-19 khiến cho cuộc sống của mọi người dường như bị đảo lộn. Cũng từ đây, các bạn trẻ đã dần học cách thích nghi và trân trọng hơn những giá trị mà cuộc sống đem lại.

Học cách thích nghi, chi tiêu tiết kiệm

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và thu nhập của nhiều bạn trẻ. Để ổn định cuộc sống, các bạn đã thay đổi thói quen chi tiêu của mình.

Trước đây, hầu như mỗi ngày, chị Trần Lê Bảo Ngọc (phường Trường An, TP Vĩnh Long) đều ăn uống ở bên ngoài. Khi mua quần áo, mỹ phẩm, giày dép chị cũng không quá “lăn tăn” về giá cả. Nhưng từ khi dịch bệnh, công việc kinh doanh không suôn sẻ thì chị bắt đầu tiết kiệm. Chị tự nấu ăn tại nhà và “cắt” hết các khoản mua sắm không cần thiết. Mỗi sáng, chị tranh thủ thức dậy sớm chế biến thức ăn để dùng trong ngày, cũng không “mua đại” các đồ dùng cá nhân như trước nữa. Việc cắt giảm không đồng nghĩa với nhịn ăn, giảm mặc mà “giờ đây tôi đã dần thích ứng với cuộc sống mới này. Nhờ tiết kiệm mà tôi có thêm khoản để dành”- chị Ngọc nói.

Bạn trẻ học cách tiết kiệm từ việc tự nấu ăn, cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
Bạn trẻ học cách tiết kiệm từ việc tự nấu ăn, cắt giảm chi tiêu không cần thiết.

Dù dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của đôi vợ chồng trẻ Hồng Cúc- Bá Vy (Phường 9- TP Vĩnh Long), nhưng anh chị cũng chủ động lập kế hoạch chi tiêu để không bị động trước mọi tình huống. Chị làm công tác Đoàn, anh làm xây dựng, lương hàng tháng của hai vợ chồng cũng ổn. Mỗi tháng tiền nhà, tiền sinh hoạt tầm 7 triệu đồng, hai vợ chồng cũng còn dư được chút đỉnh. Để “tích cốc phòng cơ”, anh chị nấu ăn tại nhà, hạn chế tiệc tùng với bạn bè, không mua sắm linh tinh nếu không phải nhu cầu quá cần thiết… Theo chị, biết chi tiêu, mua sắm hợp lý, sống đơn giản và tích lũy không phải là việc quá khó.

Tự nấu ăn, không tiêu tiền “vung tay quá trán” là mục tiêu của không ít bạn trẻ trong thời gian dịch bệnh. Trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ chia sẻ thói quen tiêu dùng tiết kiệm bằng cách đọc sách, luyện tập môn thể thao phù hợp ngay tại nhà hay dành thời gian trò chuyện với người thân thay vì xem điện thoại, “săn” hàng giảm giá. Bạn trẻ còn tự trồng rau xanh, pha cà phê, nấu trà sữa, hay làm quen với những bữa ăn “trong bếp” mỗi ngày…

Chị Lê Thúy Diễm (Phường 8- TP Vĩnh Long) cho hay, những lúc khó khăn như thế này mới thấy quý từng mớ rau, con cá. Quả bí chị cắt đôi để dành nấu dần, đồ ăn thì làm vừa đủ dùng, tiết kiệm điện nước, hạn chế sử dụng máy điều hòa,... Việc gói ghém thật ra không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, cũng không quá bức bối như tôi nghĩ. Tình hình khó khăn chung như thế này nên tôi sẽ học cách tiết kiệm nhất có thể”- chị Diễm bày tỏ.

Sống trách nhiệm, sẻ chia

Khi dịch bệnh, không ít bạn trẻ đã vì việc chung mà hy sinh cái riêng. Tùy thuộc vào điều kiện của mình để có những hành động thiết thực tạo nên sắc màu tuổi trẻ đầy ý nghĩa.

Suốt mấy tháng nay, bạn Nguyễn Thị Ngọc Giàu- sinh viên năm 4 Trường ĐH Tây Đô đã tranh thủ vừa học online vừa góp sức phòng chống dịch ở địa phương. Ban đầu là tham gia test nhanh cộng đồng rồi đến đi chợ thay, hỗ trợ tiêm vắc xin, nhập dữ liệu… Hễ khi nào địa phương cần là Ngọc Giàu liền có mặt không kể vất vả, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh.

Theo Ngọc Giàu, bạn đã học được rất nhiều. Đó là tinh thần đoàn kết, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ và cảm thông với người dân. Nhớ lần tham gia test nhanh tại Phường 5 (TP Vĩnh Long), trong đồ bảo hộ y tế, Ngọc Giàu cùng đồng đội phải đi bộ cả chục cây số mỗi ngày, để đến từng nhà lấy mẫu cho người già neo đơn, trẻ em có nguy cơ cao.

Người dân lúc đầu còn e ngại vì sợ đau, nhưng sự tận tình của các thành viên đã giúp họ hợp tác rất tốt. Những ngày tình nguyện đã khiến làn da đen sạm đi nhưng cô sinh viên ngành dược vẫn thấy ý nghĩa và hạnh phúc, vì “đây là khoảng thời gian thử sức, để tuổi trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành hơn”.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Giàu học được tinh thần đoàn kết, cùng vượt khó.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Giàu học được tinh thần đoàn kết, cùng vượt khó.

Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, hàng ngàn bạn trẻ đã sẵn sàng “xông pha” hỗ trợ tuyến đầu. Những chuyến xe yêu thương của các chiến sĩ áo xanh đã lăn bánh đến từng nơi phong tỏa, khu cách ly trao những phần quà đong đầy nghĩa tình. Còn có những gian hàng 0 đồng, gom góp sự chia sẻ, lan tỏa yêu thương với những hoàn cảnh khó khăn.

Hơn bao giờ hết các bạn trẻ hiểu rằng, đây là lúc mỗi cá nhân cần thể hiện thái độ sống lạc quan, ý thức trách nhiệm với chính bản thân và xã hội. Mỗi người nên biết sống sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ người yếu thế hơn mình. Chính vì vậy, dù sáng sớm hay khuya muộn, dù mưa to hay nắng gắt, các bạn trẻ vẫn luôn từng ngày cố gắng hết sức để chăm lo, hỗ trợ cho mọi người.

Chị Lê Thị Tuyết Lan- Bí thư Xã Đoàn Thuận An (TX Bình Minh) đã vận động trao tặng hàng trăm phần quà cho các hoàn cảnh gặp khó. Song song đó, chị còn hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng chục tấn nông sản và kêu gọi quyên góp hơn 1 tấn quần áo hỗ trợ người lao động nghèo…

Chị chia sẻ: “Khó khăn nào rồi cũng qua nhưng những tình cảm sẻ chia, nghĩa đồng bào sẽ còn đọng mãi trong lòng. Có thể nói, đây là những ngày mà tuổi trẻ chúng tôi có thêm những trải nghiệm quý báu, tích lũy thêm nhiều bài học, câu chuyện đẹp làm nên quà tặng cuộc sống”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY