9X Sài Gòn có "biệt tài" vẽ chân dung bằng đinh và chỉ

Cập nhật, 17:46, Thứ Năm, 06/05/2021 (GMT+7)

Dưới bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của chàng trai 9X, những vật liệu tưởng chừng "vô tri vô giác" như đinh, chỉ đã được "hô biến" thành các tác phẩm tranh chân dung sống động, "có hồn".

Tình cờ biết đến thể loại tranh chỉ-đinh (Nghệ thuật từ sợi - String Art) và thấy tò mò, thích thú, Lê Văn Mạnh (25 tuổi, ở quận Tân Phú, TP. HCM) đã tranh thủ thời gian nghỉ dịch Covid-19 để tìm hiểu, nghiên cứu niềm đam mê mới mẻ này.

Khác với những thể loại tranh truyền thống thường thấy, đúng như tên gọi, tranh chỉ-đinh được sáng tạo từ 2 vật liệu là chỉ và đinh. 

Bằng cách kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, người ta sử dụng mạng lưới chỉ quấn quanh hệ thống đinh đã cố định trên một mặt phẳng. Những đường thẳng được tạo ra từ quá trình này khi giao nhau và thay đổi góc độ sẽ hình thành các đường cong.

Tùy theo độ dày, mỏng của chỉ sẽ tạo nên phần đậm, nhạt khác nhau và tái hiện được chi tiết mà người sáng tạo hướng đến.

Bằng việc quấn chỉ vào những chiếc đinh được đóng đều trên khung tranh, kết hợp giữa công nghệ và hội họa, 9X "vẽ" những bức chân dung sống động, "có hồn".

Dù không có năng khiếu và kinh nghiệm nhưng Mạnh vẫn quyết tâm theo đuổi bộ môn mới này. 9X dành 4 tháng để tìm thuật toán trên các diễn đàn rồi bắt đầu mày mò từng bước.

"Để làm tranh chỉ-đinh thì cần trải qua các bước gồm xử lý thuật toán, đóng đinh vào khung tranh, đánh số đinh và kéo chỉ. Bước khó nhất là đưa tranh mẫu vào máy tính xử lý bằng thuật toán rồi tìm ra quy luật để quấn chỉ.

Thời gian đầu mình cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thuật toán, nguyên vật liệu,... và phải học hỏi dần để khắc phục các thiếu sót, hoàn thiện kỹ năng", Mạnh nói.

Vì thể loại tranh hạn chế số lượng chi tiết nên Mạnh chỉ "vẽ" chân dung, tập trung  khắc họa biểu cảm, đường nét gương mặt.

Sau vài tháng miệt mài thực hành, Mạnh đã có thể "vẽ" những bức chân dung đầu tiên. Với bức tranh đơn giản, có đường kính 40cm, 9X chia đều khoảng cách trên máy tính rồi đóng 200 cây đinh xung quanh khung. Mỗi cây đinh sẽ tương ứng với một con số từ 1 đến 200. 

Quá trình "vẽ" chân dung bằng chỉ và đinh đòi hỏi sự kỳ công.

Khi đưa tranh mẫu vào máy tính, thuật toán sẽ cho ra một chuỗi các con số. Chàng trai trẻ chỉ việc quấn chỉ từ cây đinh tương ứng với con số này đến cây đinh ứng với số khác. Công việc không mất nhiều sức lực nhưng lại đòi hỏi sự tập trung và kỳ công, tỉ mỉ.

"Càng nhiều đinh thì chi tiết của bức tranh càng đẹp nhưng đòi hỏi sự kỳ công nhiều hơn. Từng bước đều phải làm thật cẩn thận, khéo léo. Tùy theo lượng sợi chỉ đi qua mỗi khu vực mà sẽ tạo nên độ đậm, nhạt cho tranh, từ đó thể hiện được các sắc thái biểu cảm và đường nét gương mặt", 9X chia sẻ.

Dưới bàn tay tài hoa của Mạnh, những vật liệu vô tri vô giác như chỉ và đinh đã được "thổi hồn" thành các bức chân dung sống động.

Theo tính toán của Mạnh, để hoàn thiện một bức tranh có đường kính 40cm thì cần khoảng 3.000 lần quấn, tương ứng với 3000 - 3500m chỉ. Trong giới hạn cho phép, dù anh quấn sai vị trí 100 - 150 lần thì vẫn đảm bảo được độ sắc nét, không làm ảnh hưởng đến chất lượng của bức chân dung.

9X thường mất từ 6 - 12 tiếng đồng hồ, có lúc là vài ngày để hoàn thiện 1 bức chân dung, tùy theo độ khó. Anh chủ yếu "vẽ" chân dung người nổi tiếng, các nhân vật mà mình yêu thích với đủ các cung bậc cảm xúc khác nhau.

Tính đến hiện tại, Mạnh đã "vẽ" được khoảng 80 - 90 bức chân dung từ đinh và chỉ.

Những bức tranh do Mạnh sáng tạo thoạt nhìn chỉ để lại ấn tượng bởi những chất liệu độc đáo nhưng khi đặt ra xa, người xem mới cảm nhận được trọn vẹn thần thái toát ra từ tấm chân dung.

Mạnh tham gia hướng dẫn làm tranh chỉ cho những bạn nhỏ tự kỷ tại một ngôi trường giáo dục chuyên biệt ở quận Bình Thạnh hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Ngoài làm tranh chân dung trên khung hình tròn, chàng trai này còn đang thử sức với các kiểu khung khác như hình trái tim, hình vuông. Thậm chí, 9X còn nghiên cứu phối các loại chỉ nhiều màu sắc, kết hợp sử dụng những thuật toán phức tạp để tạo ra loạt bức tranh sống động, có sức hút hơn.  

"Mình dự tính làm tranh khổng lồ, có kích thước lớn để tạo điểm nhấn cũng như mang đến sự khác biệt cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ này", Mạnh giãi bày.

Theo Dân Trí