Người trẻ học "sống xanh"

Cập nhật, 06:47, Thứ Hai, 19/04/2021 (GMT+7)

“Sống xanh” được hưởng ứng toàn cầu trong khoảng thập niên trở lại đây nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bắt đầu từ kiến thức, hoạt động giáo dục tại nhà trường, nhận thức của người trẻ ngày một tốt hơn và từng chút một thực hành lối sống xanh.

Anh Tiêu Minh Sơn cùng các em thiếu nhi học bài học gần gũi với thiên nhiên.
Anh Tiêu Minh Sơn cùng các em thiếu nhi học bài học gần gũi với thiên nhiên.

Hiểu đúng về “sống xanh”

Túi ny lông xuất hiện ở khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ cửa hàng tiện lợi cho đến khu trung tâm thương mại. Bãi rác xuất hiện trên núi, rác trôi lềnh bềnh giữa biển. Nơi nào có bước chân con người, nơi đó có rác. Khi phát động “Giờ Trái đất” tắt điện trong một giờ, có một học sinh nói với bạn mình rằng: “Ôi nhà ai nghèo thì tiết kiệm điện, nước chứ nhà mình trả nổi thì hà tiện chi cho cực!”…

Tất cả chúng ta đều đang cảm nhận rất rõ rằng, cách ứng xử vô tình của mỗi người đối với thiên nhiên, môi trường đang nhận lại hệ lụy cay đắng như thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, sạt lở, hạn mặn… báo động thì lối sống xanh bắt đầu được hưởng ứng ngày một nhiều hơn.

Nhiều người thắc mắc lối “sống xanh” tối giản, thân thiện với môi trường có đồng nghĩa với trở lại cuộc sống lạc hậu, thiếu thốn: không dùng máy lạnh, không tắm nước nóng để đỡ tốn điện, không đi xe máy, ô tô để giảm khí thải... thì khác gì trở lại thời khó khăn ngày xưa. Tuy nhiên lối sống tối giản các tiện ích phục vụ bản thân và cũng là cách tiêu dùng khôn ngoan.

“Sống xanh” bắt đầu từ những việc đơn giản mà ai cũng làm được như: tắt máy xe khi chờ đèn đỏ từ 25 giây trở lên, bơm căng bánh xe để đi đỡ tốn xăng, sử dụng năng lượng tái tạo, ưu tiên chọn đồ thủy tinh, sành sứ, inox chứ không dùng đồ nhựa, dùng hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, giảm ăn thịt hay không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp rồi phải đắp mền, mặc thêm áo ấm...

“Sống xanh” không hề làm giảm chất lượng cuộc sống mà trái lại nó giúp con người bớt lệ thuộc vào tài nguyên, điều đó cũng có nghĩa là bớt tác động vào môi trường. Đây chính là gốc rễ cho hành tinh này giữ mãi màu xanh.

Lan tỏa từ những việc nhỏ nhất

Với trường học, giáo dục sống xanh có thể tích hợp vào nội dung hoạt động trải nghiệm, tự nhiên xã hội. Học sinh tìm hiểu về giá tiền điện, tiền nước, so sánh với thu nhập của cha mẹ. Học sinh đưa ra các phương án để tiết kiệm điện, nước, giảm mua sắm, giảm rác thải... trên cơ sở thấy việc thay đổi lối sống là nhu cầu tự thân mình.

Các em được trải nghiệm ở vườn rau hữu cơ, quan sát việc tập kết rác, thực hành ủ phân hữu cơ từ các thức ăn thừa trong bếp ăn nhà trường, giao lưu với các chuyên gia hoặc nhân viên môi trường, khảo sát vấn đề dùng túi ny lông trong một vài siêu thị, chợ... Tuổi trẻ thích khám phá, ham hiểu biết, việc tổ chức các hoạt động khám phá, trải nghiệm sẽ tạo động lực để học sinh áp dụng các phương án sống xanh vào thực tế cuộc sống.

Học sinh ở các trường học ý thức hơn trong việc sử dụng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Học sinh ở các trường học ý thức hơn trong việc sử dụng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Từng có nhiều năm gắn bó với mảng đào tạo kỹ năng của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn), anh Tiêu Minh Sơn tham gia nhiều chương trình đào tạo kỹ năng phát triển con người, kỹ năng thực hành xã hội, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trong những bài học về cội nguồn, giữ gìn truyền thống văn hóa, luôn lồng ghép để các em bảo vệ môi trường: “Chúng tôi cho các bé trải nghiệm nấu đồ ăn, ra đồng cấy lúa, học cách dùng tiền đi chợ… Để hướng các em đến lối sống gắn bó, trân quý giá trị của thiên nhiên”- anh Tiêu Minh Sơn chia sẻ.

Chúng tôi từng đến thăm Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) là một ngôi trường “xanh”. Tất cả “nói không” với việc sử dụng túi ny lông hay các sản phẩm nhựa một lần. Sau giờ học, các em phân loại rác thải vào từng thùng.

Cô Mai Ánh Tuyết- Chủ nhiệm CLB Zero Waste của trường cho biết: “CLB không chỉ tuyên truyền về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần, rác thải nhựa ra môi trường,… mà còn có những hình thức như kiểm tra, thống kê và trừ điểm thi đua những lớp có lượng rác thải nhựa nhiều. Thay đổi thói quen của một người rất khó, phải từ từ! Bắt đầu từ năm 2018 đến nay, rất mừng vì trường học dường như không còn rác thải nhựa”.

Mỹ Tiên quan niệm mỗi chuyến đi phượt “Hãy chỉ nhớ những kỷ niệm và để lại những dấu chân”.

Mỹ Tiên quan niệm mỗi chuyến đi phượt “Hãy chỉ nhớ những kỷ niệm và để lại những dấu chân”.

 

Bạn Lê Ngọc Mỹ Tiên (quê ở thị trấn Tam Bình) hiện đang công tác ở BiTour gắn bó với du lịch xanh. Mỹ Tiên quan niệm ở mỗi hành trình đều không có rác: “Hãy chỉ nhớ những kỷ niệm, và để lại những dấu chân”.

“Chúng tôi tổ chức trải nghiệm thiên nhiên qua nhiều hoạt động kết nối thiên nhiên và hướng đến cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi để những người trải nghiệm sống thuận theo tự nhiên bằng cách ăn uống thực phẩm sạch từ nông trại xanh, phục hồi sức khỏe khi sống giữa thiên nhiên trong lành và hiểu được các quy luật của tự nhiên qua các trải nghiệm thực tế. Mỗi chuyến đi phải gắn kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương, chung tay bảo vệ động vật hoang dã và gìn giữ môi trường, đặc biệt là rừng”- Mỹ Tiên chia sẻ.

“Sống xanh” bắt đầu từ thực tế. Từng chút, từng chút từ lúc phân vân “làm hay không làm” đến việc “đã làm”, rồi làm nhiều lần, thường xuyên... Các bạn trẻ cùng chung tay hành động vì một trái đất xanh, sạch hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ