Khởi nghiệp hướng đến cộng đồng

Cập nhật, 12:34, Thứ Năm, 25/06/2020 (GMT+7)

 

Chị Thi bên thành quả sữa chua gạo tím thảo dược của mình.
Chị Thi bên thành quả sữa chua gạo tím thảo dược của mình.

Với nhiều bạn trẻ, khởi nghiệp không chỉ để kiếm tiền mà đó còn là cách để họ tạo ra những giá trị tốt đẹp góp phần cải thiện đời sống cộng đồng, xã hội. Chọn hướng đi này, các bạn trẻ đã phải thật sự kiên trì cùng quyết tâm cao…

Vốn là con nhà nông, chị Phan Thị Ánh Thi (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị hạt gạo quê mình. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm cộng với sự hỗ trợ của Hợp tác xã Sản xuất- dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt nên chị đã quyết tâm khởi nghiệp từ sữa chua gạo tím thảo dược.

Theo chị, sữa chua có nguồn lợi khuẩn rất tốt, còn gạo tím thảo dược là một loại lương thực có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy sữa chua được làm từ gạo tím thảo dược sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe người dùng như cung cấp chất dinh dưỡng, vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng…

Ban đầu chị chỉ làm vài chục hũ tặng cho người thân, bạn bè sử dụng và đánh giá. Sau vài tháng, sản phẩm đã lan tỏa nên số lượng đã tăng lên hàng chục đến hơn trăm hũ mỗi ngày.

Từ 1kg gạo tím có thể sản xuất được gần 150 hũ sữa chua (8.000 đ/hũ). Tính ra, giá trị tăng nhiều lần so với bán gạo thô.

Chị cho biết: trong quá trình sản xuất cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với niềm đam mê tạo ra sản phẩm tốt cho sức khỏe nên bước đầu sản phẩm mới này đã được người tiêu dùng ủng hộ cùng sự “tiếp lửa” của nhiều đơn vị, cá nhân.

Sản phẩm cũng tham gia vào các sự kiện xúc tiến thương mại như: Festival lúa gạo khu vực ĐBSCL, Hội chợ Quốc tế nông nghiệp ở TP Cần Thơ… qua đó, nhận được phản hồi tích cực của khách tham quan.

Theo chị thì: đây chính là động lực để chị tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng.

Thời gian tới, chị sẽ không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để người dùng khi sử dụng sữa chua gạo tím thảo dược vừa cảm thấy ngon miệng vừa có thể tăng cường sức khỏe cho bản thân.

“Bí quyết của mình là không nản lòng khi gặp khó khăn, học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe đóng góp từ mọi người xung quanh và đặt ra mục tiêu từ thấp đến cao để dễ dàng hoàn thiện”- chị chia sẻ.

Trong quá trình khởi nghiệp, mỗi người có một hoàn cảnh, hướng đi khác nhau. Song các bạn đều có chung ý chí quyết tâm cùng tinh thần không ngại khó, ngại khổ.

Anh Lộc giới thiệu sản phẩm trà đinh lăng với các bạn trẻ đến tham quan, học hỏi.
Anh Lộc giới thiệu sản phẩm trà đinh lăng với các bạn trẻ đến tham quan, học hỏi.

Điển hình như anh Nguyễn Hoàng Huy Lộc (xã Phú Đức- Long Hồ). Từ khi còn ngồi trên giảng đường ĐH, anh đã nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp từ trà đinh lăng.

Bởi theo anh, đinh lăng ở địa phương có nhiều nên khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương sẽ có lợi hơn về mặt sản phẩm đầu vào, giúp cho bà con có thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân.

Với quyết tâm của mình, sau khi ra trường, vừa đi làm anh vẫn song hành lên ý tưởng sản xuất, bắt đầu sản xuất thử nghiệm trà đinh lăng từ nguồn nguyên liệu của gia đình và bà con xung quanh. Cơ sở sản xuất trà đinh lăng Trường Ái cũng được thành lập vào giữa năm 2018.

Sau vài tháng hoạt động, với sự chịu khó và nhạy bén tìm nhà đầu tư của ông chủ trẻ, cơ sở đã được trang bị máy móc và tự sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.

Anh cho hay, sản xuất và kinh doanh trà đinh lăng chính là niềm đam mê của anh. Vì thế dù hiện tại công việc tương đối ổn định nhưng anh vẫn không từ bỏ đam mê của mình.

Rót tách trà đinh lăng còn nóng hôi hổi, ông chủ trẻ vừa mời khách vừa chậm rãi giới thiệu: Trà này rất dễ sử dụng, có thể pha giống như các loại trà khác để đãi khách hay có thể pha loãng để thay nước uống hàng ngày.

Trà đinh lăng với đặc tính ưu việt là sản phẩm thiên nhiên, tốt cho sức khỏe nên được khách hàng rất chuộng. Giờ đây sản phẩm trà đinh lăng Trường Ái đã được phân phối ở các tỉnh- thành vùng ĐBSCL và miền Trung…

Ông chủ trẻ chia sẻ: “Thực tế con đường khởi nghiệp sẽ không bao giờ “trải hoa hồng” nhưng sản xuất và kinh doanh trà đinh lăng là con đường mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục. Bởi, không chỉ phục vụ cho bản thân mà còn mang đến sản phẩm tốt cho mọi người, tạo được việc làm thêm cho nhiều bạn trẻ”.

Còn anh Nguyễn Văn Lợi (xã Thành Trung- Bình Tân) đã tìm hướng khởi nghiệp mới cho bản thân cũng vừa có thêm mô hình để hỗ trợ thanh niên địa phương khởi nghiệp, lập nghiệp. Và cà na được anh chọn vì đây là giống cây dễ trồng, chịu được hạn, mặn, có thể trồng được ở các mé sông phòng, chống sạt lở…

Tận dụng diện tích đất 3.000m2 còn trống và bờ bao, anh trồng giống cây này. Khoảng hơn 1 năm, cà na bắt đầu cho trái rất sai, với giá trung bình 25.000 đ/kg nhưng không đủ để bán. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn.

Với kết quả khả quan ấy, anh bắt đầu chiết cành để bán cùng với đó là hỗ trợ cho thanh niên có nhu cầu với giá rẻ và sau 1 năm mới trả tiền.

Không chỉ thế, anh còn bao tiêu đầu ra cho anh em, song song với việc thử nghiệm chế biến các món cà na ngâm đường, cà na ngào đường, cà na sấy dẻo… góp phần nâng cao giá trị cà na, giúp người trồng có thêm nguồn thu nhập.

Anh cho biết, với tiềm năng từ loại “trồng chơi ăn thiệt” nên thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phát triển mô hình. “Hiện tôi cũng đang ấp ủ dự án phát triển du lịch từ loại cây này để tạo điểm nhấn cho địa phương cũng vừa tạo việc làm cho người dân”- anh nói.

Khởi nghiệp vốn đã khó, khởi nghiệp hướng về xã hội, vì lợi ích cộng đồng thì càng gian nan, khó khăn hơn. Tin rằng với sức trẻ, tâm huyết cùng khát khao sẻ chia, các bạn trẻ sẽ vượt qua thử thách và gặt hái được “quả ngọt” trên con đường khởi nghiệp phía trước.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ