Chuyện về người "truyền lửa" cho thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật, 06:35, Thứ Sáu, 15/11/2019 (GMT+7)

Cũng hòa trong làn sóng khởi nghiệp của tuổi trẻ cả nước, nhưng khác hơn so với nhiều bạn trẻ khác, anh Lê Minh Nhựt (Phường 9- TP Vĩnh Long) lại chọn cho mình hướng đi mới đó là tham gia các hoạt động cộng đồng khởi nghiệp. 

Với vai trò Giám đốc Chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và sinh viên- Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, chàng trai 9X đã đi rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước để truyền cảm hứng, thay đổi tư duy và kết nối nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở các địa phương.

Minh Nhựt (thứ 3 từ trái sang) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kết nối để tìm cơ hội mới cho bạn trẻ trong khởi nghiệp.
Minh Nhựt (thứ 3 từ trái sang) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kết nối để tìm cơ hội mới cho bạn trẻ trong khởi nghiệp.

Đam mê hoạt động cộng đồng khởi nghiệp

Vốn nhạy bén và đam mê với các hoạt động cộng đồng khởi nghiệp, khi là sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế Hồ Chí Minh, chàng sinh viên Minh Nhựt đã bắt đầu tham gia các dự án khởi nghiệp của Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam hỗ trợ các tỉnh. Cùng với đó, Minh Nhựt còn tự nghiên cứu các đề tài mang lại thiết thực vì cộng đồng, nhất là tìm kiếm hướng đi mới để gia tăng giá trị kinh tế cho nông sản Việt Nam.

Bởi theo chàng sinh viên này thì: nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Việt Nam thế nhưng vị thế của sản phẩm nông nghiệp trên trường quốc tế chưa cao và giá trị sản phẩm chưa xứng tầm với những gì chúng ta có. Và đáng buồn hơn nữa là nước ta vẫn còn xuất khẩu thô nông sản và điều này gây thiệt thòi cho nông dân.

Trong số các dự án, ý tưởng của mình thì dự án “Sơ ri Gò Công và một hướng đi” của Minh Nhựt cùng nhóm bạn thực hiện đã tìm hướng phát triển sản phẩm bền vững cũng như thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Dự án triển khai thực tế giúp nông dân trồng sơ ri cải thiện cuộc sống, tạo thêm việc làm cho người dân. Đây chính là bước ngoặt quan trọng cũng là nguồn động viên để chàng sinh viên này tiếp tục hành trình thực hiện đam mê của mình.

Tốt nghiệp ĐH không lâu, Minh Nhựt được tín nhiệm giữ vai trò Giám đốc Chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương và sinh viên. Từ đó, anh đã đi nhiều nơi “truyền lửa” khởi nghiệp và giúp nhiều bạn trẻ có cái nhìn sâu hơn về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay. Hiện tại, anh phụ trách nghiên cứu, chia sẻ và định hướng khởi nghiệp ở 25 tỉnh và 20 trường CĐ ở các địa phương trong nước.

Theo anh, mỗi địa phương đều có những đặc trưng vùng miền khác nhau và định vị về hệ sinh thái khởi nghiệp của từng tỉnh- thành sẽ khác nhau. Chẳng hạn như cùng là lĩnh vực nông nghiệp nhưng ở Hà Giang lại phát triển nông nghiệp liên quan đến nông nghiệp dược liệu trong khi các tỉnh ở ĐBSCL như Đồng Tháp, Bến Tre lại phát triển nông nghiệp liên quan đến chế biến.

Minh Nhựt cho biết: Để có thể làm tốt việc này, anh phải dành thời gian tìm hiểu, khám phá những câu chuyện chung để thực sự hiểu các đối tượng ở địa phương mình đang hỗ trợ thì mới giúp được.

Truyền lửa khởi nghiệp cho thanh niên

“Có khi một ngày phải đi 2- 3 tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm “startup” cho các bạn trẻ”- Minh Nhựt chia sẻ như thế ngay khi từ Đồng Tháp về Vĩnh Long tham gia nói chuyện chuyên đề “Khởi nghiệp, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế thanh niên tại địa phương” với cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên tỉnh nhà.

Theo Minh Nhựt, trước khi tham gia các “show” như thế này, bản thân phải tìm hiểu trước phong trào khởi nghiệp ở địa phương đó cũng như thành phần tham gia để “truyền cảm hứng cho phù hợp”. Và nếu địa phương có nhu cầu hỗ trợ thì chàng giám đốc này sẽ đồng hành cùng địa phương triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Trước tiên mình sẽ tiếp cận khảo sát để hiểu địa phương về những thành tố và những nguồn lực đang có ở mức độ nào, ở đâu. Sau đó là kết nối những thành tố có sẵn trong địa phương; đồng thời chuyển giao hướng đến sự kết nối vùng và tạo ra được những tác động tích cực”- Giám đốc Lê Minh Nhựt cho biết.

Những buổi nói chuyện chuyên đề khởi nghiệp luôn được Minh Nhựt (người cầm micro) chuẩn bị kỹ lưỡng.
Những buổi nói chuyện chuyên đề khởi nghiệp luôn được Minh Nhựt (người cầm micro) chuẩn bị kỹ lưỡng.

Anh nhận định: so với một số địa phương khác ở ĐBSCL, phong trào khởi nghiệp ở Vĩnh Long có phần “trầm lắng”. Nguyên nhân chính của vấn đề đó là thiếu sự kết nối cũng như chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực xây dựng ý tưởng, hiện thực ý tưởng, muốn startup thành công nhất thiết phải tạo được sự kết nối giữa các thành tố trong cộng đồng khởi nghiệp để tạo ra giá trị. Chính vì thế, “tôi mong muốn được góp chút công sức để thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của thanh niên tỉnh nhà”- vị giám đốc trẻ nói.

Cái hay ở Minh Nhựt đó chính là đi đến đâu anh cũng tiếp cận, ghi chép tỉ mỉ những ý tưởng, mô hình hay, đột phá đến những lợi thế, khả năng kết nối của các địa phương mà mình đã từng đi qua.

Những câu chuyện về cô gái khởi nghiệp thành công với dự án “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm”, về dự án “Sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược VH1” của các thanh niên hướng đến chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng hay chuyện cô giáo trẻ đã nâng cao giá trị nông sản địa phương với dự án “Sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu”, rồi đến câu chuyện thực tế của bản thân… chính là minh chứng sống động nhất để chàng trai trẻ “truyền lửa”.

“Khởi nghiệp là quá trình lâu dài không phải 1- 2 năm. Hy vọng từ những câu chuyện như vậy sẽ có những người giống như Nhựt khởi nghiệp hay chọn hỗ trợ khởi nghiệp, để kết nối và có những hoạt động thật sự lan tỏa để mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp”- Lê Minh Nhựt chia sẻ.

Chị Nguyễn Huỳnh Thu- Tỉnh ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Long: Tôi rất ấn tượng với bạn Minh Nhựt. Chàng thanh niên trẻ nhưng ý chí khởi nghiệp cũng như quyết tâm kết nối cộng đồng khởi nghiệp của bạn rất cao. Không chỉ thế, những thông tin mà anh chia sẻ rất có ích, giúp các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm và tự tin hơn trong khởi nghiệp. Đây là gương sáng thanh niên đáng học hỏi.

 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ