Học sống tự lập để trưởng thành

Cập nhật, 17:27, Thứ Sáu, 25/10/2019 (GMT+7)

Làm gì để khi bước ra đời các bạn trẻ sẽ tự tin, độc lập, dám làm dám chịu? Câu trả lời của nhiều bạn trẻ đó là phải tự mình học cách sống tự lập. Và sự độc lập của mỗi cá nhân đều phải được rèn luyện bằng cả quá trình và phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.

Bạn trẻ học cách tự lập từ những việc làm nhỏ nhất như tự chăm sóc bản thân hay tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa
Bạn trẻ học cách tự lập từ những việc làm nhỏ nhất như tự chăm sóc bản thân hay tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa

Chưa thể… lớn thêm

Mặc dù xuất thân từ gia đình làm nghề nông nhưng Hồng Thy- sinh viên ngành kinh tế- đã gây bất ngờ cho các bạn cùng phòng bởi… không biết cách cầm dao gọt trái cây hay làm những công việc cá nhân đơn giản hàng ngày như giặt áo quần, nấu ăn.

Là con gái út, lại có thành tích học tập xuất sắc, Hồng Thy được xem như “công chúa”, là niềm tự hào của gia đình. Chính sự ưu ái này đã khiến Hồng Thy “sốc” khi bắt đầu cuộc sống của sinh viên năm nhất. Cô nàng thổ lộ: nào giờ em chưa phải làm bất cứ việc gì vì mọi việc ở nhà đã có mẹ và chị gái lo liệu.

Có một thực tế hiện nay là dù sống trong hoàn cảnh khó khăn hay khá giả thì nhiều bạn trẻ vẫn được gia đình chở che kỹ lưỡng. Có không ít bạn học hết lớp 12 vẫn chưa thể tự chăm sóc bản thân, chưa tự nấu cho mình được một chén cơm hay tô mì.

Thậm chí có những bạn học rất giỏi nhưng lại không thể phân biệt đâu là củ hành, đâu là củ tỏi, không biết dùng chúng cho những món gì, đơn giản vì ở nhà các bạn không phải vào bếp giúp mẹ hay tự nấu nướng. Các bạn không biết cách giăng mùng màn ra sao hay tự tay gấp quần áo như thế nào cho gọn gàng…

Bạn Bích Dung- sinh viên ngành luật- chia sẻ về khoảng thời gian trước đây: Dung là con gái một, học giỏi càng được cha mẹ yêu chiều “không cho động móng tay”. Rồi Dung vào ĐH và bắt đầu những ngày tháng đi học xa nhà. Thương con gái nên mỗi tuần mẹ Dung đều chạy qua thăm con gái để giặt giũ quần áo và làm sẵn thức ăn để đó cho con “hâm lại ăn dần”.

Cô sinh viên năm tư cười bẽn lẽn: “Ban đầu, mẹ qua chăm sóc mình vui và thấy “khỏe re”. Nhưng sau đó thì thấy ngại với bạn bè. Rồi nghĩ tự mình phải học cách sống tự lập thôi. Và mình bắt đầu tự giặt đồ, tự đi chợ nấu ăn…”

Còn bạn Thu Trang (Tam Bình) may mắn sinh ra trong gia đình khá giả và luôn có bà ngoại lo cho từng miếng ăn giấc ngủ. Khi Trang vào ĐH, cha mẹ đặt hàng cho Trang ở một ngôi nhà riêng gần trường tiện việc học hành. Còn bà ngoại thì vẫn “không quên” qua ở cùng cháu để giặt đồ, nấu cơm, dọn dẹp phòng… đến khi cô nàng ra trường.

Sau đó, cuộc sống của Trang được chuyển sang trang mới khi đi du học sang Úc. Từ cô “tiểu thư” được cưng chiều, chưa từng biết đến việc nhà, “giờ lại vừa học vừa chăm sóc bản thân, vừa làm thêm. Những công việc đơn giản nhất ở đây nhưng với mình thì như… trên trời rơi xuống”- Trang bộc bạch.

Tự lập để trưởng thành

Khi còn học THPT, bạn Bảo Ngọc (TP Vĩnh Long) đã đi làm thêm để trang trải chi phí học tập phụ gia đình. Và cô nàng vẫn duy trì công việc này khi bước vào giảng đường ĐH. Hiện nay, Ngọc làm nhân viên cho một công ty mỹ phẩm. Buổi tối, lại làm gia sư dạy kèm. Thu nhập tầm 6 triệu đồng/tháng.

Ngọc cho biết: Gia đình đông chị em nên Ngọc đã xác định tự lập để cha mẹ tập trung lo cho 2 đứa em. Ngành học của Ngọc chú trọng nhiều các kỹ năng nói, viết nên để có thời gian đi làm Ngọc phải tự học rất nhiều. “Tôi nghĩ muốn tự lập thì cần quản lý thời gian hợp lý và có tinh thần vượt khó bền bỉ. Cuộc sống tự lập đã giúp tôi có nhiều vốn sống, kỹ năng để xử lý các vấn đề xung quanh và có nhiều mối quan hệ cũng như cơ hội việc làm sắp tới”- Bảo Ngọc cho biết.

Cũng giống như Bảo Ngọc, từ năm lớp 10, Ngọc Quyên- sinh viên ngành kế toán- đã chủ động xin cha mẹ cho đi làm thêm ở một quán cà phê. Vì xót con sợ con đi làm cực khổ, ảnh hưởng đến chuyện học hành nên mẹ Quyên đã ngăn cản. Tuy nhiên, Quyên vẫn quyết tâm xin được mẹ cho đi làm.

Quyên chia sẻ: “Lên lớp 10, em thấy mình có nhiều thời gian rảnh nên đi làm thêm để trải nghiệm, và để có được một khoản tiền nho nhỏ mua sách vở cũng như những món đồ mình yêu thích mà không cần phải xin cha mẹ”. Và theo Quyên, tinh thần tự lập trong mỗi người rất quan trọng. Nó không chỉ giúp bạn trẻ tự chủ, bản lĩnh trong cuộc sống, mà còn là cách để bớt đi gánh nặng cho gia đình.

Còn theo bạn Thanh Xuân- sinh viên ngành xây dựng- thì: quãng thời gian sinh viên tuy không dài nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen và hành động sau này. Do đó, bạn nào biết cách tự lập sớm ngay từ năm nhất sẽ trang bị cho bản thân hành trang quý báu.

Sống tự lập, Thanh Xuân vừa bán hàng online vừa làm phục vụ ở cửa hàng thức ăn nhanh. Không chỉ thế, những dịp hè cô sinh viên này còn tình nguyện về các vùng xâu, vùng xa để được trải nghiệm cuộc sống mới và để thực hiện các công trình phần việc thanh niên hữu ích cho bà con như làm cỏ, trồng cây xanh, thu gom rác…

Thanh Xuân nhìn nhận: “Việc tự lập hay không, không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, mà phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Riêng em thấy, mình được cha mẹ sinh ra, lo cho ăn học đến một thời điểm nào đó thì cần phải biết tự lo cho bản thân, không nhiều thì ít. Hơn nữa, khi xài những đồng tiền do chính tay mình làm ra, thấy ý nghĩa và vui lắm”.

Tự lập phải xuất phát từ trong những hành động, việc làm từ nhỏ nhất. Nghĩa là bạn phải tự làm tất cả mọi việc, không được dựa dẫm vào ai. Đói bụng phải tự mình nấu cơm ăn, quần áo dơ thì phải tự mình giặt chứ không phải mè nheo cha mẹ. Tự lập bạn trẻ sẽ có thể chăm lo và phát triển kỹ năng để thích nghi với cuộc sống, có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế để vượt qua khó khăn, vững bước vào đời…

Vì thế, học sống tự lập là rất cần thiết và ở mỗi độ tuổi, bạn trẻ có thể có những việc tự làm để trang bị cho mình. Vậy còn chần chừ gì mà chúng ta không thử sống tự lập?

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY