Đồng hành khởi nghiệp cùng thanh niên

Cập nhật, 05:37, Thứ Năm, 03/10/2019 (GMT+7)

Mô hình nuôi lươn giống của anh Nguyễn Thanh Tân (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) đang là nguồn cung cấp giống ra thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ làm giàu mà hiện mô hình này cũng đang đồng hành cùng nhiều thanh niên khởi nghiệp ở địa phương…

Anh Nguyễn Thanh Tân (trái) bên trang trại sản xuất lươn giống tại xã Bình Hòa Phước.
Anh Nguyễn Thanh Tân (trái) bên trang trại sản xuất lươn giống tại xã Bình Hòa Phước.

Đam mê con lươn

Vốn xuất thân là người làm khoa học kỹ thuật, nhưng từ nhỏ, anh Tân đã rất đam mê nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá trê vàng, cá ba sa, cá lóc hay ếch… đặc biệt là con lươn.

Năm 2010, anh Tân quyết định bỏ chức giám đốc một doanh nghiệp để về quê theo đuổi ước mơ của mình. Đó chính là nghiên cứu để sản xuất lươn giống.

Anh Tân kể, hồi đầu đã rất “te tua” vì làm không thành công, không có kinh nghiệm. Trong 3 năm đầu, anh đều thất bại khi lỗ hàng trăm triệu đồng.

“Người ta chịu… một búa là muốn bỏ chạy, chứ tôi chịu mấy chục búa cũng không nản. Vậy là tiếp tục mày mò nghiên cứu, sáng tạo và cuối cùng cũng thành công”- anh Tân chia sẻ.

Lý giải về hướng đi sản xuất lươn giống, anh Tân cho biết, lươn thương phẩm hiện nay có giá trị cao trên thị trường.

Tuy nhiên, thị trường lươn giống rất hiếm, và đó chính là mấu chốt khiến cho anh Tân quyết tâm nghiên cứu. “Sản xuất được con lươn giống rất khó, thậm chí là đối với các doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản. Hiện địa chỉ sản xuất lươn giống ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và thị trường này còn rất rộng”- anh Tân chia sẻ.

Trong năm 2017, cơ sở sản xuất lươn giống Thanh Tân đã xuất ngoại khoảng 16.000 con lươn giống chất lượng cao sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đây là những thị trường rất khó tính, nhưng đã xuất ngoại được con lươn giống, nên chính là hướng đi mới đầy triển vọng.

Hiện nay, diện tích giành để sản xuất lươn giống của anh Tân rộng khoảng 8.000m2. Tổng doanh thu hàng năm từ con lươn giống khoảng 3 tỷ đồng.

Nguyễn Hoàng Lâm chăm sóc hồ lươn thương phẩm của mình.
Nguyễn Hoàng Lâm chăm sóc hồ lươn thương phẩm của mình.

Sang năm, anh Tân tính sẽ mở rộng thêm 5.000m2 nữa. “Dự tính của tôi là sẽ thành lập công ty, nghiên cứu để đa dạng hóa con lươn hơn, thậm chí là làm sản phẩm cuối cùng từ con lươn để nâng cao giá trị”- anh Tân cho biết.

Sau gần 10 năm trong nghề, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần khởi nghiệp không ngại khó, anh Thanh Tân không chỉ là tấm gương khởi nghiệp hiệu quả mà còn là gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Năm 2019, anh đã được đề nghị tuyên dương Nông dân tiêu biểu cấp toàn quốc.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Hiện nay, phong trào thanh niên khởi nghiệp được Xã Đoàn Bình Hòa Phước quan tâm và thường xuyên có những định hướng, giúp thanh niên trong xã tham gia sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế.

Anh Nguyễn Thanh Điền- Bí thư Xã Đoàn Bình Hòa Phước cho biết, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp cơ sở.

Thông qua đó, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên được xây dựng, trong đó, mô hình nuôi lươn thương phẩm đã và đang là hướng đi thành công cho thanh niên trong xã.

Thanh niên Lê Thanh Vũ nuôi thử nghiệm lươn giống bằng nước giếng.
Thanh niên Lê Thanh Vũ nuôi thử nghiệm lươn giống bằng nước giếng.

Tìm đến nhà thanh niên Nguyễn Hoàng Lâm ở ấp Phước Định 2, thì được biết, Lâm được hỗ trợ một phần tiền con giống từ anh Nguyễn Thanh Tân và được nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cũng như kinh nghiệm nuôi lươn.

“Anh Tân vừa hỗ trợ một phần kinh phí, vừa hỗ trợ kỹ thuật nên lươn đang nuôi phát triển rất tốt. Dự kiến vài tháng nữa sẽ đủ chuẩn để xuất ao. Hiện giá lươn thương phẩm cũng khoảng 200.000 đ/kg. Trong khi giá thành chỉ khoảng 50.000- 70.000 đ/kg. Trừ các chi phí thì hiệu quả kinh tế rất cao”- Lâm chia sẻ.

Ngoài Nguyễn Hoàng Lâm, hiện trong xã đã có nhiều thanh niên thực hiện mô hình nuôi lươn. Đơn cử như anh Lê Thành Vũ (ấp Bình Hòa 1), hiện đang thử nghiệm nuôi lươn giống bằng nước giếng, sau đó sẽ thả nuôi 4 hồ lươn thương phẩm.

“Sau khi tham quan các mô hình nuôi lươn của anh Tân và các bạn khác, em quyết tâm đầu tư nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là hướng đi mới của nhiều thanh niên trong xã”- Vũ cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Tân cho biết, mong muốn của anh thời gian tới là thành lập được HTX lươn Bình Hòa Phước, vừa tạo thu nhập cao cho người dân, vừa làm nên thương hiệu của xã Bình Hòa Phước.

Hiện tại, ý tưởng này cũng được các ngành, các cấp ủng hộ và đóng góp ý kiến. Bí thư Xã Đoàn Bình Hòa Phước Nguyễn Thanh Điền cũng đánh giá, mô hình nuôi lươn hiện được nhiều thanh niên trong xã quan tâm vì có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là hướng đi thích hợp mà nhiều bạn chọn khởi nghiệp.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY