Chớ ngại nói lời "cảm ơn"!

Cập nhật, 16:18, Thứ Sáu, 18/10/2019 (GMT+7)

Nói lời “cám ơn” là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người. Thế nhưng từ ngữ rất đỗi gần gũi và dễ dàng ấy đã dần dần trở nên xa lạ, nhất là đối với bạn trẻ.

Nói “cảm ơn” từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Ảnh minh họa
Nói “cảm ơn” từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất. Ảnh minh họa

Ngại nói vì… quá sến

Từ khi còn nhỏ, ai cũng được người lớn dạy nói lời “cảm ơn” khi nhận được quà. Lớn lên đến trường, thầy cô giáo dạy nói lời “cám ơn” khi được sự giúp đỡ. Dù vậy trong cuộc sống hiện đại có không ít bạn trẻ đang dần thiếu đi những lời “cảm ơn” ấy.

Không ít trường hợp bạn trẻ ra đường nhờ bác xe ôm chỉ dùm nhưng lại quên mất lời “cám ơn”, khi đánh rơi đồ được người khác nhặt dùm lại quên “cám ơn”, đi siêu thị chú bảo vệ dắt xe dùm cũng không lên tiếng “cám ơn” mà ung dung lên xe nổ máy,... Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa.

Theo nhiều bạn trẻ, nói lời ấy thì… “sến” quá. Và cũng có không ít bạn thừa nhận rằng: đó là một sự khách khí, đôi khi giả tạo nên cũng “ngài ngại”. Hay chuyện đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý... Vì những lý do ấy mà các bạn không ý thức được rằng lời “cám ơn” trong những tình huống ấy là rất cần thiết và hợp lý.

Bạn Hoàng Thơ- nhân viên bán hàng (Phường 1, TP Vĩnh Long) kể: “Có lần, một cô gái trẻ làm rơi đồ trong quầy trưng bày và mình nhặt lên giúp. Ấy vậy mà cô gái kia mặt vẫn lạnh tanh, quay đi không một nụ cười, làm mình không nói nên lời luôn”.

Còn bạn Bích Vân- sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- từng làm phục vụ trong các quán ăn chia sẻ: Thi thoảng mới gặp vài bạn trẻ nói “cảm ơn” khi mình bưng nước hay giúp họ điều gì. “Đa phần các bạn mặc định vào quán ăn được ai đó phục vụ, giúp đỡ là điều hiển nhiên. Mình đã quen với tình huống như thế nên hôm nào có ai cười tươi hay “cảm ơn” một chút mình cảm thấy cũng vui vui và làm việc phấn chấn hơn”.

Không riêng gì trong giao tiếp ngoài xã hội, nhiều bạn trẻ thi thoảng mới nói câu “cảm ơn” với những người thân yêu trong gia đình mình vì... ngại. “Mình sẽ gián tiếp thể hiện sự biết ơn bằng cách khác như phụ giúp, đỡ đần cho ba mẹ. Vì từ nhỏ đến giờ chẳng mấy khi bày tỏ tình cảm trực tiếp thành ra quen”- bạn Chí Bảo (xã Trường An- TP Vĩnh Long) cho biết.

Bạn Khánh Quỳnh- sinh viên ngành Ngữ văn- mổ xẻ: Nói lời “cám ơn” hoàn toàn không phải là một việc quá khó khăn. Đây cũng là tiêu chí đánh giá phẩm chất và văn hóa của mỗi cá nhân. Và việc không quen nói lời “cảm ơn” đã phản ánh một thực trạng: người trẻ ngày nay dường như chỉ biết nhận mà không biết cho, đã vô tình hình thành nên sự vô cảm. Người Nhật có thói quen khi nói “xin lỗi”, “cảm ơn” và cả chào hỏi họ đều cúi đầu rất lâu. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ”.

Hãy tạo thói quen nói “cảm ơn”

Với Thúy Vy- sinh viên ngành du lịch- thì: hàng ngày ra đường đều “cảm ơn” rất nhiều người, từ những cô chú bán hàng rong cho đến chú bảo vệ giữ xe dùm hay cả người bấm giúp thang máy. Theo cô nàng, lời “cảm ơn” là phép lịch sự tối thiểu giữa người với người, nhiều khi đơn giản nhưng có thể mang mọi người lại gần nhau hơn. Và hơn hết, mình yêu nụ cười hồn hậu, niềm nở trên gương mặt của mọi người khi trao đi lời “cảm ơn.”

“Tiên học lễ, hậu học văn” là bài học cơ bản đầu tiên khi chúng ta bước vào trường học. Thế nhưng thật đáng tiếc khi đánh giá ban đầu cho thấy hiện nay, việc nói lời “cảm ơn” có phần ít đi hay không xuất hiện một cách đúng mực trong cuộc sống.

Hơn thế nữa, kiểu sống gấp mà không điểm tựa, nhạt nhòa về kiểu thể hiện làm người ta không nhớ đến những điều rất đơn giản. Không ít người cứ nghĩ rằng “cảm ơn” không thể sử dụng một cách thiếu cân nhắc. Với lối nghĩ cảm tính ấy làm cho lời “cảm ơn” dần dần khó hiện hữu.

Lời “cảm ơn” là một trong những cách để bạn thể hiện tấm lòng thành, tri ân của mình đến những người đã giúp đỡ mình; là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn. Chính vì thế, việc tập cho mình thói quen nói “cảm ơn” đối với bạn trẻ là hết sức cần thiết.

Bạn Thái Ngân- học sinh lớp 11 ở Phường 9 (TP Vĩnh Long) kể: “Ở nhà mẹ hay... khách sáo nói “cảm ơn” khi em phụ nấu ăn hay quét nhà. Mẹ nói bất kể là người lớn hay nhỏ khi nhận được sự giúp đỡ phải gửi lời “cảm ơn”. “Lúc đầu em cảm thấy không quen nhưng dần dần em cảm thấy rất thoải mái và quen dần với việc “cảm ơn” thay vì mỉm cười cho qua chuyện”- cô nàng chia sẻ.

Theo diễn giả Huỳnh Anh Bình, để hình thành thói quen biết nói lời “cảm ơn” người khác bạn trẻ phải bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất. Bạn nói lời “cảm ơn” mẹ về một bữa cơm, “cảm ơn” cha đã chở đến trường, cảm ơn đứa bạn luôn giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn…

Cảm ơn những người gần ngay bên cạnh mình từ đó sẽ tạo cho bạn một thói quen tốt đẹp: biết nói lời cảm ơn. Tất nhiên khi chúng ta nói ra những điều ngọt ngào thì cuộc sống này sẽ thêm niềm vui và ý nghĩa, bàn tay cầm hoa hồng bao giờ cũng còn lưu hương trên đôi bàn tay và lời “cảm ơn” cũng như vậy!

Thế mới thấy, “cảm ơn” là nét đẹp cần thiết trong những mối quan hệ giao tiếp hàng ngày, là kỹ năng sống mà mỗi bạn trẻ nên “nằm lòng”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY