Học kỳ trong quân đội- một tuần "đánh thức chính mình"

Cập nhật, 15:06, Thứ Ba, 25/06/2019 (GMT+7)

7 ngày trong Học kỳ quân đội đã để lại những kỷ niệm mùa hè đáng nhớ với các “chiến sĩ” nhí. Xa vòng tay yêu thương, chở che của gia đình, các em nhỏ được “đánh thức chính mình”, trải nghiệm sống tự lập để rèn luyện bản lĩnh, ý chí, trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động.

Các chiến sĩ nhí cùng nhau tăng gia sản xuất.
Các chiến sĩ nhí cùng nhau tăng gia sản xuất.

Những ngày trong quân ngũ

Theo chân phụ huynh vào thăm các em trong những ngày “nhập ngũ”, chúng tôi chứng kiến những nụ cười và cả giọt nước mắt của các em nhỏ. Còn rơm rớm nước mắt sau bài tập về tính kiên trì, em Nguyễn Ngọc Yến Linh- lớp 6 Trường THCS Chánh An (Mang Thít)- lại cười tươi rói khi được gặp ba mẹ.

“Con vừa tập tính kiên trì bằng cách giơ tay cầm tờ giấy trong gần 20 phút, con với nhiều bạn mỏi tay quá nên khóc luôn, nhưng xong lại thấy vui vì trước giờ chưa từng kiên nhẫn như vậy”- Yến Linh vui vẻ nói.

Trong những ngày nhập ngũ, các bạn nhỏ khoác trên mình bộ quân phục với chiếc nón tai bèo ra dáng những người lính thực thụ. Giờ huấn luyện hăng say, nghiêm túc, đã có những giọt mồ hôi chảy dài thấm vào lưng áo.

Khuôn mặt các bạn nào cũng có phần đen đi một chút nhưng lại thêm phần rắn rỏi, khỏe mạnh. Từng động tác đội hình đội ngũ, những tư thế vận động đều được các bạn nhỏ thể hiện dứt khoát, mạnh mẽ và chuẩn xác.

Chúng tôi ấn tượng với một cô bé có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng luyện tập rất chăm chỉ. Cô bé ấy là Lê Trần Ngọc Hân- lớp 7 Trường THCS thị trấn Tam Bình. Hôm đó đã là ngày thứ 6 em tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội.

Chia sẻ về những ngày đầu trải nghiệm, Ngọc Hân kể: “Nếp sinh hoạt nơi đây phải đúng giờ giấc, nề nếp và kỷ luật không như ở nhà. Ngày đầu sống nơi đây, em và các bạn ai cũng bỡ ngỡ hết nhưng qua một hôm thì lại quen. Thích nhất là khi được các chú bộ đội dạy gấp chăn vuông vắn, gọn gàng trên giường ngủ- việc mà em còn làm chưa tốt khi ở nhà. Khi cùng sinh hoạt, học tập em và các bạn đều rất đoàn kết, tự giác nhắc nhở, giúp đỡ nhau”.

Cũng giống như Ngọc Hân, tất cả các chiến sĩ nhí tham gia khóa học đều phải học tập, huấn luyện và chấp hành giờ giấc sinh hoạt nghiêm túc theo thời gian biểu của quân đội. Ngay từ 5 giờ sáng, các bạn phải thức dậy để bắt đầu một ngày học tập và rèn luyện của mình.

Học cách gấp chăn màn sao cho “vuông như viên gạch”.
Học cách gấp chăn màn sao cho “vuông như viên gạch”.

Bạn Trần Gia Khang- lớp 6 Trường THCS Hòa Hiệp (Tam Bình)- cho hay: “Chúng em phải tự phục vụ bản thân từ việc gấp chăn màn, tắm, giặt giũ, phơi gấp quần áo, dọn dẹp phòng ở. Cùng với đó, em cũng được tham gia trải nghiệm rất nhiều nội dung về giáo dục kỹ năng sống thông qua các buổi thực hành làm việc nhóm, tự vệ, phòng chống bạo lực học đường…”

Sau những hoạt động ban ngày, tối về các em lại viết nhật ký. Đến đúng 21h30, tất cả các căn phòng của các chiến sĩ nhí bắt đầu tắt đèn, một giấc ngủ ngon sẽ lại đến để các bạn nhỏ có đủ tinh thần, sức khỏe bắt đầu cho những ngày bổ ích, thú vị tiếp theo của khóa học. “Hăng hái, sôi nổi- một ngày “bận rộn” của Học kỳ trong quân đội” trôi qua như thế. Mệt nhưng rất vui và đầy bổ ích”- Gia Khang cho hay.

Các chiến sĩ nhí đã trưởng thành hơn

Những đứa trẻ lâu nay vốn được bao bọc, chăm sóc của cha mẹ- thậm chí là không phải làm việc gì ngoài học thì vào trong môi trường quân đội phải sống rất tự lập.

Những thói quen của các em lúc ở nhà như: xem tivi, sử dụng điện thoại di động, chơi game trên máy tính, thức khuya,… đều không được phép; thay vào đó là những công việc hàng ngày mà ít khi các học viên nhí phải làm như: tự giặt áo quần, rửa chén, trồng rau, tưới hoa, tập thực hành sơ cấp cứu,…

Có lẽ chỉ cần nhìn cách các bạn nhỏ xếp hàng ngay ngắn, điểm danh giữa trưa nắng để cùng đi đến nhà ăn khi cái bụng đã “đói cồn cào” bởi cả một buổi sáng huấn luyện cũng đủ thấy một tinh thần kỷ luật, tự giác được hình thành sau mỗi ngày rèn luyện như thế nào.

Hay hành động các anh chị lớn chủ động xới cơm cho các em nhỏ trong bàn ăn trước, nhắc nhở nhau trong giờ ăn, giấc ngủ cũng đủ thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đang “lớn” thêm từng ngày.

Các bậc phụ huynh lên thăm con bày tỏ “lo lắng đến mất ăn mất ngủ” khi không biết các em có thích nghi khi sống xa nhà dài ngày không. Nhưng khi trực tiếp quan sát con em tham gia các hoạt động, họ đều tỏ ra hài lòng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (ấp Tân Quới, xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long) gật gù, cười tươi: “Ở nhà ngủ xong, bé còn không xếp cái mền, giờ vào thăm phòng của bé thấy gọn gàng ngăn nắp, ăn xong còn đi rửa chén nữa thì quá giỏi. Năm sau tôi sẽ cho bé tiếp tục tham gia khóa học”.

Các chiến sĩ học cách băng bó vết thương.
Các chiến sĩ học cách băng bó vết thương.

Khi được hỏi về cảm xúc những ngày tham gia khóa học đặc biệt này, hầu hết các chiến sĩ nhí đều thật thà chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ trong những ngày đầu trải nghiệm.

Song chính nhờ “môi trường rèn luyện, các nội dung học tập cuốn hút, sự yêu thương, chăm sóc của các chú bộ đội, các điều phối viên đã khiến các em làm quen, bắt nhịp rất nhanh”- bạn Nguyễn Minh Quân- lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Vĩnh Long)- bày tỏ.

Điều thú vị trong khóa học là các em viết nhật ký và viết những lá thư tay cho những người thân của mình khi phải sống xa nhà. Thư tay đã giúp cho các em trút hết những yêu thương, vui, buồn, giận hờn và đã có những giọt nước mắt rơi vì nhớ nhà, vì những thử thách, khó khăn…

Bạn Nguyễn Quốc Huy- lớp 7 Trường THCS Cao Thắng (TP Vĩnh Long)- bộc bạch: Học kỳ trong quân đội “là khóa học đánh thức chính mình”, giúp em rèn luyện tính kỷ luật qua những buổi rèn luyện thao trường hay hành quân. Em biết sống đoàn kết với tập thể qua những buổi sinh hoạt nhóm và biết yêu thương gia đình nhiều hơn.

Bí thư Tỉnh Đoàn- Nguyễn Huỳnh Thu cho biết: Học kỳ trong quân đội là chương trình bổ ích, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thanh thiếu niên trong thời kỳ mới. Thông qua các chương trình hoạt động, đã trang bị cho các em kiến thức về quốc phòng- an ninh, ý thức tự giác và kỷ luật. Đồng thời, giúp các em tiếp cận kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội để tự tin, trách nhiệm hơn trong cuộc sống, biết chia sẻ với cộng đồng và quan tâm đến những người xung quanh.

 

Bài, ảnh: HUỆ- THÚY