Bạn ơi, mình cùng đọc sách nhé!

Cập nhật, 09:01, Chủ Nhật, 25/11/2018 (GMT+7)

Sách không chỉ là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa kho báu tri thức, đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức văn học, nghệ thuật mà còn có một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho mọi người. Nhưng thực tế hiện nay, giới trẻ rất ít đọc sách, thờ ơ với sách...

Bạn trẻ nên tạo thói quen đọc sách để có thêm kiến thức, làm giàu thêm vốn sống.
Bạn trẻ nên tạo thói quen đọc sách để có thêm kiến thức, làm giàu thêm vốn sống.

Ít khi đọc sách

Khi hỏi các bạn có hay đọc sách không, không ít bạn trẻ cho rằng mình rất ít, thậm chí rất lười đọc sách. Đó không chỉ là câu trả lời chân thật mà còn là căn bệnh đang ngày càng lộ rõ trong giới trẻ hiện nay.

Chẳng nói đâu xa, ngay cả những học sinh, sinh viên là những người đang theo đuổi con đường tri thức cũng đang mắc phải căn bệnh này. Các bạn thường tìm đến sách chủ yếu để đối phó khi mùa thi đến hay chỉ là những sách vở đơn thuần phục vụ cho việc học.

Bạn Lê Thị Thu H.- sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- thừa nhận: “Em rất ít khi đọc sách lắm, ngoại trừ giáo trình hay tài liệu có liên quan đến ngành học mà thôi. Thỉnh thoảng thấy bạn bè đồn nhau có quyển sách nào hay thì em mới tìm đọc để khi có ai hỏi thì cũng có cái để nói”.

Còn bạn Nguyễn Quốc Th.- học lớp 12- cũng chia sẻ rằng, em cũng chỉ đọc vài cuốn sách tham khảo, nâng cao nhằm phục vụ cho việc học của mình. Hỏi Th. thích những loại sách nào, thì em trả lời là “em không biết mình thích thể loại nào. “Vì hàng ngày sau khi học ở trường rồi em còn phải đi học thêm. Về nhà học bài xong là mệt đừ, thời gian rãnh đâu mà đọc sách”- Th. thổ lộ.

Nói về lý do “hiếm” khi đọc sách hay không hứng thú đọc sách, các bạn trẻ giải thích rằng vì không có thời gian, một số bạn thì nói không biết sách nào hay, dở để đọc; hoặc đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây nhàm chán. Trong khi đó, cũng có một số bạn trẻ cho rằng ở trường tiếp xúc sách vở, nhồi nhét kiến thức nhiều nên chỉ muốn tìm đến những hoạt động tương tác ảo trên Internet để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi…

“Dù biết rằng đọc sách rất bổ ích nhưng em làm biếng lắm, nhất là từ khi có smartphone em càng không hứng thú đọc sách. Thời gian rảnh, em thường trò chuyện với bạn bè, nghe nhạc trên điện thoại. Cũng có khi em đọc sách online nhưng chỉ lựa chọn những thể loại trinh thám hay ngôn tình vì nó gần gũi mà lại hấp dẫn”- bạn Đặng Anh Th. là sinh viên năm 4 nói.

Hiện nay, tại các thư viện sách, lượng bạn đọc- nhất là người trẻ đến đọc và mượn sách giảm đi rất nhiều so với trước đây.

Theo bà Lê Thị Kiều Chinh- nguyên Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh những bạn trẻ “mê” đọc sách vẫn có không ít người trẻ lười đọc sách mà quá phụ thuộc vào mạng xã hội.

Điều này tác động không nhỏ đến việc học các em như viết sai chính tả, viết văn lủng củng, tư duy chậm chạp… “Vì thế, việc đọc sách rất cần thiết đối với giới trẻ và nhất là học sinh, sinh viên phải siêng năng đọc sách hơn”- bà Lê Thị Kiều Chinh cho biết.

Khơi dậy văn hóa đọc

Đọc sách không chỉ giúp con người tự trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức mà đây còn là con đường tốt nhất để con người hình thành nhân cách, hướng tới cái chân- thiện- mỹ của cuộc sống.

Chính vì thế mà mỗi khi đi làm về hay có thời gian rảnh là chị Nguyễn Thị Như Ý- trình dược viên (TP Vĩnh Long) lại mải mê đọc sách, có nhiều lúc quên cả ăn, ngủ. Tháng nào chị cũng dành ra một khoản tiền để mua sách.

Hễ khi có ai đó ghẹo là “mọt sách” chị liền nói: Đọc sách để tăng thêm hiểu biết về cuộc sống bên ngoài. Không chỉ vậy, nó còn giúp cho tâm hồn mình đẹp hơn, yêu mọi người, yêu cuộc đời hơn.

Chị thường sưu tầm những cuốn sách nói về cuộc sống như: “Quà tặng cuộc sống”, “Đắc nhân tâm” hay “Quẳng gánh lo đi và vui sống”... và một số sách liên quan đến sức khỏe. “Thật ra Internet là một kênh cung cấp thông tin thú vị, nhưng với mình thì sách vẫn là trên hết. Ở đó tên tuổi tác giả rõ ràng, nên dù sao cũng đáng tin cậy hơn...”- chị cho biết.

Với bạn Phạm Tấn Trà- sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- thì mỗi ngày trước khi đi ngủ bạn dành khoảng nửa tiếng để đọc sách. Trà thường mượn sách trong thư viện trường tìm đọc.

Ngoài những loại sách nghiên cứu về kiến thức ngành học, Trà còn hay tìm đọc những sách nói về các địa danh, anh hùng hay mang tính giải trí như: “Bí mật của sự may mắn”, “Các nguyên tác trở thành thiên tài”, “Các món ăn thực dưỡng”…

“Sách là nguồn cung cấp kiến thức quan trọng, đáng tin cậy nhất cho việc học tập của mình chẳng thể thay thế. Đọc sách không chỉ làm giàu tri thức mà đây còn là cách để mình phát triển ngôn ngữ, tư duy và giải tỏa căng thẳng sau giờ học”- chàng sinh viên này chia sẻ.

Tại một buổi giao lưu về văn học nghệ thuật, PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ đã từng chỉ ra nguyên nhân lười đọc của giới trẻ là do hiện nay các bạn có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại, có thể tìm thấy tất cả những loại hình giải trí hấp dẫn hay thu thập kiến thức từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Bên cạnh, có đa dạng nhiều tác phẩm sách “tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít”…

Chính vì thế, theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, để khơi dậy văn hóa đọc sách của giới trẻ là cả một vấn đề cần được cả xã hội quan tâm. Quan trọng hơn hết là mỗi quyển sách phải thật sự là “món ăn tinh thần” chân chính, hấp dẫn và luôn hướng đến các giá trị chân- thiện- mỹ, mỗi gia đình cần phải làm gương và phải tạo thói quen đọc sách cho con từ khi còn nhỏ...

Bạn Phạm Tấn Trà- sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây

Bạn trẻ nên đọc sách mỗi ngày để làm giàu tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn mình. Để tạo thói quen đọc sách, bạn trẻ nên bắt đầu bằng việc chọn một quyển sách và đọc một trang, hoặc ngay cả khi chỉ một đoạn ngắn cũng được, lặp lại hàng ngày cho đến khi bạn quen dần với điều đó. Mỗi ngày một trang dần dần cũng xong quyển sách.


Bạn Trần Tường Duy- sinh viên Trường ĐH Cần Thơ

Việc học tập, hoạt động Đoàn- Hội, cộng với việc đi làm thêm chiếm phần lớn thời gian nhưng em vẫn dành ra một ngày nghỉ cuối tuần để đọc sách hay một quyển truyện. Nhờ đọc sách mà em học hỏi được nhiều điều hay, ý nghĩa trong cuộc sống và có thêm nhiều kỹ năng trong giao tiếp, kinh nghiệm xã hội…

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY