Đảng viên trẻ hết lòng vì công việc, năng nổ với phong trào

Cập nhật, 12:52, Thứ Sáu, 12/10/2018 (GMT+7)

Năng nổ, có tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng với công việc và luôn đi đầu trong các phong trào... đó là điểm chung của những đảng viên trẻ. Dù mỗi người có vị trí, nhiệm vụ khác nhau nhưng lúc nào họ cũng luôn cháy bỏng nhiệt huyết cùng khát khao “góp chút gì đó” cho xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời trao bằng khen đảng viên trẻ có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn cho chị Lê Dương Hoài Vủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời trao bằng khen đảng viên trẻ có nhiều đóng góp cho công tác Đoàn cho chị Lê Dương Hoài Vủ.

Làm hết việc chứ không hết giờ

Trách nhiệm trong công việc, thân thiện với đồng nghiệp, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong điều hành công tác Đoàn là những điều mà chúng tôi muốn dành cho chị Lê Dương Hoài Vủ- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Hàng ngày ngoài việc hỗ trợ giảng dạy, thông tin báo cáo tại Phòng Tổ chức Hành chính, chị còn làm các chương trình công tác Đoàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của sinh viên để hỗ trợ khi cần, cộng thêm tổ chức các hoạt động cho Chi đoàn giáo viên trường...

Chị cho biết: Ngày mới làm việc của mình bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến tối. Giờ hành chính thì làm nhiệm vụ chuyên môn, còn buổi trưa và tối chị dành cho công tác Đoàn. Có thời điểm công việc nhiều phải đến 10 giờ tối chị mới về nhà nghỉ ngơi...

Công việc bận rộn là thế nhưng lúc nào chị cũng luôn tươi cười và tràn đầy năng lượng. Bởi “được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ thì mình phải hoàn thành một cách tốt nhất. Với lại mình còn trẻ, khỏe, ngại gì lăn xả, cống hiến chứ”- chị cười tươi chia sẻ.

Được hỏi, công việc nhiều vậy có thấy mệt mỏi quá không? Chị trả lời: “Làm phong trào nhiều khi mệt lắm. Nhưng càng làm càng thấy đam mê, bởi mình gắn bó công tác Đoàn từ lúc là học sinh rồi đến sinh viên. Nếu giờ không tham gia chắc là buồn lắm”.

Chị cho biết, tham gia công tác Đoàn là cơ hội để mình được trải nghiệm rèn luyện bản thân. Giờ với vai trò là Phó Bí thư Đoàn trường, chị sẽ tạo điều kiện để sinh viên có môi trường vui chơi, rèn luyện và trưởng thành hơn.

Chính vì vậy, hầu như bất kể phong trào nào, chị cũng đều chăm chút từ khâu “hậu cần” cho đến nội dung, hình thức tổ chức.

Cùng với đó, chị còn mạnh dạn đề xuất tổ chức các phong trào Đoàn- Hội vào đầu học kỳ hay sau khi sinh viên thi xong hoặc cuối tuần để các em có thời gian tham gia.

Bởi “có gần gũi với sinh viên mới thấy các em không phải không thích tham gia phong trào mà vì chưa cân đối được thời gian. Nếu mình hiểu được sinh viên muốn gì, cần gì để tổ chức phong trào phù hợp thì đây sẽ là cách tập hợp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hiệu quả”- chị nói.

Cán bộ Đoàn phải làm gương

Chúng tôi biết anh Nguyễn Đức Hoàng- Phó Bí thư Xã Đoàn Tân Long (Mang Thít)- lúc anh mới nhận nhiệm vụ. Nay gặp lại anh tại buổi tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2018, vẫn cách nói chuyện dí dỏm, gần gũi nhưng trông anh chững chạc hơn nhiều.

Anh cười: Làm cán bộ Đoàn phải làm gương, mạnh dạn và xông xáo. Có như thế ĐVTN mới nghe và làm theo mình chứ.

Tốt nghiệp ĐH, anh về địa phương công tác. Ban đầu công tác tại Ban chỉ huy Quân sự xã, sau đó về Xã Đoàn. Với anh, dù làm bất cứ công việc gì thì cũng phải cố gắng hết mình. Sau 2 năm, anh đã được kết nạp vào Đảng và trở thành “người bạn thân thiết của ĐVTN”.

Anh cho biết: Khó nhất trong công tác Đoàn chính là việc tập hợp ĐVTN. Vì vậy, trước tiên cán bộ Đoàn phải làm gương, kế đến là cần phải chịu khó bám cơ sở và nắm bắt được nhu cầu của thanh niên.

Chính vì lẽ đó, anh luôn chí thú làm ăn và gầy dựng cho mình mô hình kinh tế tổng hợp: trồng hoa kiểng, nuôi bò, heo, cá... cho thu nhập ổn định.

Song song đó, anh cùng BCH Xã Đoàn hỗ trợ vay vốn, thành lập các mô hình kinh tế hiệu quả và vận động hàng chục thanh niên tham gia các tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng, rau màu, VAC...

Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, con giống cũng như “đầu ra, đầu vào” để cho ĐVTN phát triển kinh tế. Anh còn vận động các nhà hảo tâm xây 8 nhà nhân ái cho ĐVTN; vận động tặng hàng chục xe đạp, quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

“ĐVTN kinh tế ngày càng khấm khá và ngày càng tham gia phong trào nhiều hơn là động lực để tôi phấn đấu nhiều hơn”- anh cho biết.

Yêu nghề vì thấy được giá trị việc mình làm

Công việc chăm sóc hoa kiểng, cây xanh, thảm cỏ... vốn lặp đi lặp lại, dễ gây nhàm chán. Thế nhưng theo anh Nguyễn Quốc Tuấn- Xí nghiệp Công viên cây xanh (Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long)- thì đây chính là niềm đam mê.

Anh cho biết mình đến với nghề như một cơ duyên, bởi trước giờ rất yêu thích việc chăm sóc hoa kiểng. Và làm công nhân của công ty là cơ hội để anh được “sống với đam mê”, góp phần làm cho đô thị thêm xanh thêm đẹp.

Thật vậy, từ khi nhận nhiệm vụ, anh cùng anh em trong tổ chăm sóc, cắt tỉa, bảo dưỡng cây xanh được đẹp hơn. Bên cạnh đó, anh luôn suy nghĩ và tìm ra những sáng kiến thiết thực để làm sao “vừa tạo cảnh quan tươi đẹp, mới mẻ đồng thời tiết kiệm công sức, thời gian lao động”.

Như lúc anh chăm sóc khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, thấy việc hút nước sông vào hồ chứa tưới cây xanh thường gặp khó khăn vì ống nước đặt trong hố ga.

Anh đã tham mưu với Ban Giám đốc xí nghiệp và tự thiết kế ống hút lấy nước trực tiếp từ kinh. Vì vậy việc hút nước rất nhanh chóng và kịp thời...

Hay như chăm sóc cây kiểng trong khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, anh đã cải tiến màn che phủ để “vừa tốt cây lại ít cỏ” tiết kiệm được công sức, thời gian lao động...

Khi nói về anh, các anh em công nhân xí nghiệp đều bảo rằng: Tuấn làm việc trách nhiệm, nhiệt tình và luôn tìm tòi học hỏi cách chăm sóc hoa viên, cây cảnh để phục vụ công việc tốt hơn.

Còn khi nói về mình, anh Tuấn cho rằng chính tình yêu nghề nghiệp cùng với những sáng kiến thiết thực sẽ giúp người thợ thấy được giá trị của công việc mình đang làm:

“Tôi chỉ mong góp chút công sức để giúp các di tích, trụ sở được đẹp hơn, xanh hơn cũng là góp phần cải tạo mỹ quan đô thị, đem lại bầu không khí trong lành cho địa phương”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ