Khởi nghiệp từ "ý tưởng ảo" nhìn từ đất nước Kim Chi

Cập nhật, 16:44, Thứ Ba, 24/07/2018 (GMT+7)

 

Sgnl- mẫu đồng hồ thông minh đầu tiên cho phép đàm thoại thông qua ngón tay là sản phẩm của một doanh nghiệp Startup
Sgnl- mẫu đồng hồ thông minh đầu tiên cho phép đàm thoại thông qua ngón tay là sản phẩm của một doanh nghiệp Startup "tí hon" đến từ Hàn Quốc (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chấp nhận những ý tưởng điên rồ, tưởng chừng như phi thực tế nhất; cung cấp nguồn tài chính để “nuôi” những nhà sáng chế trẻ măng và không hề tên tuổi; tạo sân chơi cho họ thể hiện mình... là cách thức vận hành của nền công nghiệp thiết bị thông minh và các sản phẩm hỗ trợ đang manh nha hình thành và lớn mạnh của Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp startup của xứ sở Kim Chi, thay vì lựa chọn con đường “kiến tạo” các sản phẩm điện thoại, table thông minh... vốn chỉ là sân chơi của hai ông lớn Samsung và LG đã quyết định rẽ nhánh vào một con đường mới mẻ, đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần thử thách.

Chấp nhận sự "điên rồ"  

Tony Park, năm nay 36 tuổi thường diện cho mình chiếc áo phông cộc tay giản dị khi đi làm. Trông Park không có điểm nào giống một CEO của công ty hiện đang “vươn vòi” đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính vào bậc nhất thế giới là Bắc Âu. Từ đầu năm 2018, thiết bị mang tên Smart Baby Care của Monit Corp nơi Park làm việc đã đặt dấu chân đầu tiên vào xứ sở của thần Thor và từng bước khẳng định được mình.

Smart Baby Care, hiểu một cách đơn giản, là dạng nhiệt kế, ẩm kế dành riêng... cho bỉm của trẻ sơ sinh. Một thiết bị có gắn các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm được thiết kế nhỏ cỡ... hộp vasselin chống nẻ. Người dùng chỉ cần gắn chúng bên ngoài bỉm của trẻ rồi kết nối với điện thoại thông minh thông qua phần mềm của nhà sản xuất. Cảm biến sẽ tự nhận biết phân, nước tiểu và báo về cho cha mẹ bé. Bên cạnh đó, một máy đo có chức năng phát hiện, cảnh báo khí độc hại, đánh giá chất lượng không khí trong phòng cũng được kết nối với điện thoại.

Tony Park, CEO của Monit Corp khởi nghiệp bằng ý tưởng tạo máy đo nhiệt và độ ẩm cho bỉm (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tony Park, CEO của Monit Corp khởi nghiệp bằng ý tưởng tạo máy đo nhiệt và độ ẩm cho bỉm (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Thay vì phải kiểm tra liên tục, với sản phẩm này, các bà mẹ sẽ có thêm thời gian để làm việc, nhưng vẫn đảm bảo điều kiện tốt nhất cho con mình,” Park nhấn mạnh.

Mặc dù là cha đẻ của “bỉm kế” xứ Kim Chi, Park cùng cộng sự đến tận bây giờ vẫn chưa thể tin được sản phẩm lại nhanh chóng thành hình đến vậy. 

Kể lại câu chuyện startup của mình, vị CEO của Monit Corp nói: “Anh có tin không, cách đây 2 năm, chúng tôi đều là những ông bố trẻ đang đau đầu với chuyện tã, bỉm của con mình.”

Thời điểm ấy, cả 6 người đồng sáng lập ra Monit bây giờ chỉ loay hoay với suy nghĩ: Phải tìm ra cách để khi... bỉm của con tràn, họ phải biết ngay lập tức để... thay cho kịp. Ý tưởng ngây ngô đến độ... rách việc và điên rồ ấy khiến cả 6 ông bố lao vào nghiên cứu, đề xuất. Không ai ngờ, chỉ sau 2 năm, họ đã biến điều không thể thành có thể.

"Bỉm kế" Hàn Quốc đang thâm nhập vào thị trường Bắc Âu vốn nổi danh khó tính (Ảnh: Monit Corp)


Tại Hàn Quốc, kiểu khởi nghiệp như Monit và Park không phải điều gì mới lạ khi mọi ý tưởng dù điên rồ đến đâu cũng sẽ được chấp thuận và có đất phát triển.

Innomdle Lab là một phòng nghiên cứu nhỏ nằm ở quận Gyeonggy, Hàn Quốc với tuổi đời mới... 3 năm. Thế nhưng, chỉ sau một năm xuất hiện, Innomdle Lab đã khiến giới công nghệ toàn thế giới kinh ngạc với sản phẩm đồng hồ thông minh cho phép đàm thoại thông qua ngón tay người dùng. Tiptalk và sau này được đổi tên thành Sgnl ra mắt chính thức tại Triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới, CES 2016 ngay lập tức gây ra “cơn bão” vì tính... viễn tưởng và công nghệ có một không hai của nó.

“Ý tưởng điên rồ, tất nhiên rồi. Nhưng khi thành công, nó khiến bạn trông giống một đặc vụ trong phim, đồng thời đảm bảo tính tuyệt mật cho các cuộc hội thoại. Chúng tôi đảm bảo chỉ bạn mới có thể nghe những cuộc nói chuyện thông qua thiết bị này,” bà Jenny Choi, Quản lý bộ phận kinh doanh quốc tế của Innomdle Lab nói.

Cận cảnh Sgnl, chiếc đồng hồ thông minh cho phép đàm thoại qua ngón tay đầu tiên trên thế giới (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cận cảnh Sgnl, chiếc đồng hồ thông minh cho phép đàm thoại qua ngón tay đầu tiên trên thế giới (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sgnl sử dụng công nghệ Body Conduction cho phép khuếch đại có chọn lọc các tín hiệu âm thanh và truyền chúng qua... xương ngón tay. Khi kết nối với điện thoại, Sgnl giúp người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi đến và đi theo cách thức “điện ảnh” nhất: Đưa ngón tay lên tai và nói. 

Với ưu thế công nghệ, cùng với ý tưởng táo bạo vượt trội, hiện Sgnl được dự báo sẽ trở thành mặt hàng hot được săn đón khi chính thức được bán vào cuối năm nay.

Cũng giống như Monit và Innomdle, rất nhiều công ty startup tại Hàn Quốc đã tìm cách khai phá những con đường hẹp từ các ý tưởng điên rồ như thế. Họ mang tới các triển lãm thiết bị thông minh của Hàn Quốc, thậm chí quốc tế những sản phẩm không giống ai: từ tai nghe qua... xương, móc đỡ điện thoại định vị khẩn cấp khi có sự cố đến nhẫn đàm thoại...

Ông Joe Jeong, Trợ lý Giám đốc của Shinhan Fairs [Công ty duy nhất tại Hàn Quốc chuyên tổ chức các triển lãm như KITAS) là một chuyên gia gắn bó lâu năm với các doanh nghiệp startup của quốc gia này. Theo ông Jeong: Những người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại đây sở dĩ hay lựa chọn những ý tưởng lạ lùng vì “mặc dù ‘viễn tưởng’, nhưng thực chất, hầu hết các ý tưởng đều hướng tới phục vụ người dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chỉ là trước đây không ai nghĩ tới hoặc không ai dám thử làm.”

Tuy nhiên, dám nghĩ, dám làm chưa phải là yếu tố cần và đủ để đảm bảo khởi nghiệp thành công. Đằng sau sự ra mắt đình đám của Sgnl hay Smart Baby Care còn là câu chuyện về nỗ lực hỗ trợ của cả doanh nghiệp “cá mập” và các đơn vị tổ chức sự kiện.

Ông lớn “thúc” sân chơi Startup

Tại Hàn Quốc, LG và Samsung là tượng đài về công nghệ. Đi dọc Seoul, sẽ rất dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của của hai ông lớn. Apple không phải là thương hiệu quá mạnh và quá được ưa chuộng tại đất nước Đông Bắc Á này.

Thế nhưng, vị thế khổng lồ của LG và Samsung chưa bao giờ trở thành vật cản quá lớn đối với các doanh nghiệp Startup cùng lĩnh vực.

Ông Joe Jeong giải thích: Đối diện với LG hay Samsung, các công ty nhỏ sẽ lựa chọn đi đường vòng. Họ không cố làm ra máy tính bảng, hay điện thoại thông minh nữa mà chỉ tập trung vào các phần mềm/thiết bị phụ trợ, hỗ trợ trên nền tảng công nghệ có sẵn. Đây cũng là lý do khiến phần lớn các thiết bị mới tại Hàn Quốc chỉ tương thích với hệ điều hành Androi của hai ông lớn này.

Ở thế ngược lại, LG và Samsung cũng sẵn sàng lắng nghe đủ thứ ý tưởng điên rồ của các startup.

Ryan Yoon, một trong sáu thành viên sáng lập ra Monit Corp không ngần ngại chia sẻ thêm câu chuyện của mình. Yoon cho biết: Ban đầu, khi ý tưởng “bỉm kế” được đặt ra, cả nhóm đã nhận được rất nhiều hoài nghi. Không ít người cho rằng, một thiết bị như thế là "thừa giấy vẽ voi" và sẽ khó có người bỏ tiền mua sản phẩm như thế.

Các Startup của hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ may mắn khi nhận được sự ủng hộ của hai ông lớn là Samsung và LG (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các Startup của hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ may mắn khi nhận được sự ủng hộ của hai ông lớn là Samsung và LG (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay lúc mới dò dẫm tìm đường đi, Yoon may mắn được Samsung “để mắt” tới khi họ giành giải nhất cuộc thi về ý tưởng do chính "ông lớn" này tổ chức. Một khoản tiền đầu tư cùng cam kết hỗ trợ trong một năm được Samsung nhanh chóng đưa ra. Với Yoon, đây là bước tiến vô cùng quan trọng để anh cùng cộng sự có thể hiện thực hoá giấc mơ của mình.

“Hàng năm, các tập đoàn lớn như Samsung hay LG đều dành những sân chơi và quỹ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Monit. Không có họ, chúng tôi sẽ khá chật vật nếu muốn biến ý tưởng thành thành phẩm,” Yoon nói.

Tương tự là trường hợp của Innomdle Lab với chiếc đồng hồ thông minh đầu tiên cho phép đàm thoại qua ngón tay. Innomdle Lab cũng đã nhận được sự đầu tư của Samsung ngay từ năm 2015 trước khi chính thức giới thiệu Sgnl tới công chúng.

“Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp của chúng tôi có ý tưởng rất độc đáo. Trên cơ sở trình bày và bảo vệ các ý tưởng này, những công ty, tập đoàn lớn hơn thường có chính sách hỗ trợ về cả vốn và kỹ thuật. Thông thường, các dự án sẽ kéo dài khoảng một năm sau đó doanh nghiệp sẽ tự mình tiếp tục phát triền,” Joe Jeong, Trợ lý Giám đốc Shinhan Fairs cho biết.

Bên cạnh đó, cuộc chơi khởi nghiệp tại đất nước Kim Chi còn được “hâm nóng” bởi chính các Triển lãm công nghệ như KITAS 2018.

KITAS cũng là một cơ hội cho các Startup kết nối với đối tác tiềm năng (Ảnh: PV/Vietnam+)
KITAS cũng là một cơ hội cho các Startup kết nối với đối tác tiềm năng (Ảnh: PV/Vietnam+)


Theo số liệu từ Shinhan Fairs, trong năm thứ 6 được tổ chức, KITAS 2018 tiếp tục thu hút gần 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp Hàn Quốc. Đây là những công ty có tiềm năng phát triẻn nhưng không có kinh phí để marketing hay mở rộng thị trường. 

“Chúng tôi tổ chức các triển lãm như KITAS nhằm hỗ trợ họ trong việc kết nối với khách hàng, tìm ra các ‘buyer’ [Đối tác-PV] tiềm năg từ đó tạo thành một mạng lưới kết nối Doanh nghiệp-Sản phẩm-Khách hàng,” ông Jeong nói.

Cũng theo vị trợ lý này, thực tế, thông qua KITAS, rất nhiều doanh nghiệp đã tìm được thị trường cho riêng mình. Ở phía ngược lại, doanh nghiệp cũng sẽ cung cấp lại cho Shinhan Fairs các đầu mối ‘buyer’ nhằm hỗ trợ các Startup sẽ bắt đầu con đường của mình vào các năm tiếp sau.

“Đó là một vòng tròn khép kín, một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau của chính các công ty vừa và nhỏ,” ông Jeong tiếp lời.

Đáng lưu ý, so với năm 2016, số doanh nghiệp tham gia KITAS 2018 đã tăng tới 30%. Theo ông Jeong, con số này đã chứng tỏ sự phát triển đều đặn và lành mạnh của các Startup trong lĩnh vực công nghệ.

Nhẫn kiêm chức năng đàm thoại cũng thông qua ngón tay - Một sản phẩm điên rồ nhưng đã thành công của Hàn Quốc (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhẫn kiêm chức năng đàm thoại cũng thông qua ngón tay - Một sản phẩm điên rồ nhưng đã thành công của Hàn Quốc (Ảnh: PV/Vietnam+)


Theo số liệu do Bộ Khoa học Công nghệ và Hoạch định tương lai Hàn Quốc công bố năm 2016, các hãng điện thoại nước này chiếm đến hơn 80% thị phần smartphone trong nước, trong đó Samsung dẫn đầu với 63,4%, kế đến là LG (20,9%). Gã khổng lồ Apple với siêu phẩm iPhone chỉ chiếm 13,1%. Ngay tại chính quê hương của Apple là nước Mỹ, theo DigitalTrend, Samsung cũng dẫn đầu thị phần với 28,8%, còn Apple chiếm 23%. Đi kèm theo chiếc điện thoại là những ứng dụng, phụ kiện ăn theo, trong đó hệ sinh thái Samsung Apps cũng chiếm thị phần đáng kể. Nhiều ứng dụng trong số này do các công ty khởi nghiệp nhỏ của Hàn Quốc phát triển./.

Theo SƠN BÁCH (VIETNAM+)