Những người trẻ "sống riêng theo cách của mình"

Cập nhật, 13:07, Thứ Sáu, 13/04/2018 (GMT+7)

Dù có hướng đi, cách làm riêng nhưng anh Lâm Đức Nguyên và anh Trần Hưng Lộc luôn “cháy” hết mình với sở thích, đam mê công việc. Theo 2 chàng trai này thì: người trẻ có quyền sống riêng theo cách của mình nhưng phải “dám nghĩ, dám làm và biết vươn lên sống tốt, có ích cho xã hội”.

Cử nhân mê kinh doanh

Dám nghĩ dám làm, giờ đây anh Nguyên đã có cơ sở kinh doanh quy mô hơn, thu nhập ổn định.
Dám nghĩ dám làm, giờ đây anh Nguyên đã có cơ sở kinh doanh quy mô hơn, thu nhập ổn định.

Mở shop kinh doanh hoa tươi chính là quyết định của anh Lâm Đức Nguyên- chủ shop Mr Nguyên flower (Phường 3- TP Vĩnh Long) sau khi anh tốt nghiệp ngành Tiếng Việt Văn học Việt Nam- Trường ĐH Cửu Long.

Khi ấy mọi người cho rằng đây là quyết định liều lĩnh, bởi anh chỉ là cậu sinh viên trái ngành “chân ướt chân ráo” sao có thể tự mở tiệm kinh doanh.

Gác lại phía sau những lo lắng của người thân và bạn bè, chàng trai trẻ ấy vẫn giữ vững lập trường của mình và chưa đầy một tháng sau, shop hoa mang tên Mr Nguyên flower đã có mặt trên thị trường. Với anh, đây là thử thách cũng là cơ hội để khẳng định bản thân.

Anh chia sẻ: kinh doanh hoa tươi là niềm đam mê và luôn ấp ủ ý tưởng này. Để thực hiện được điều đó, khi còn là sinh viên anh đã rủ vài người bạn đi bán hoa vào những dịp lễ tết để được cọ xát thực tế.

Ngoài ra, anh còn tranh thủ thời gian rảnh làm nhân viên kinh doanh cho công ty du lịch ở gần trường với mong muốn kiếm “chút đỉnh” vốn liếng vừa có thể tích lũy kinh nghiệm…

“Nhờ những trải nghiệm thực tiễn mà tôi có thể tự tin mở shop hoa dù rằng tôi vẫn biết con đường kinh doanh phía trước vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt”- anh Nguyên nói.

Với số vốn ít ỏi tích góp được từ việc làm thêm thời sinh viên, anh thuê mặt bằng và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với vài chậu sen đá cùng 6 xô nhỏ đựng hoa hồng.

Sau đó, anh nhận kết giỏ hoa làm quà tặng, trang trí tiệc cưới, sinh nhật… “Lúc bắt tay vào việc mới thấy chẳng hề đơn giản chút nào, vì phải nắm bắt nhu cầu thị trường, tìm nơi cung cấp hàng chất lượng, mặt khác phải có “chiêu” để hút khách…

Nhưng tất cả rồi cũng qua vì tôi luôn nghĩ nếu mình quyết tâm đeo đuổi đam mê đến cùng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi”- anh Nguyên quyết tâm.

Sau gần 2 năm kinh doanh kiên trì và biết “góp gió thành bão”, giờ đây mỗi ngày shop Mr Nguyên flower bán hơn 1.000 đóa hoa hồng và hàng chục bó hoa tươi đủ loại như đồng tiền, ly ly, cẩm tú cầu, hoa lan,… Shop còn cung cấp đơn hàng ổn định cho một số cửa hàng bán hoa ở Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn.

Đặc biệt, ông chủ trẻ này còn mở thêm shop kinh doanh gốm sứ, bình thủy tinh, các nguyên vật liệu gói hoa… tại Phường 4 (TP Vĩnh Long). Theo ông chủ trẻ này thì “đó chỉ là thành quả ban đầu trong hành trình thực hiện ước mơ kinh doanh của mình”.

Anh bộc bạch: kinh doanh hoa tươi vất vả lắm, phải tươi cười, thân thiện với khách hàng. Còn chuyện bị gai đâm chảy máu hay phải thức khuya, nhịn đói để kịp giao hàng cho khách là bình thường.

Vừa nói anh vừa đưa cho chúng tôi xem bàn tay chi chít vết gai đâm: “Cực vậy chứ vui lắm vì được tô điểm thêm vẻ đẹp cho đời mà”.

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Anh Lộc rất yêu các hoạt động xã hội và được giúp đỡ người khó khăn là niềm vui của anh.
Anh Lộc rất yêu các hoạt động xã hội và được giúp đỡ người khó khăn là niềm vui của anh.

Đến chợ Hàn Thẻ (xã Lộc Hòa- Long Hồ) hỏi thăm anh Trần Hưng Lộc- chủ quầy gian hàng quần áo 0 đồng thì ai cũng biết. Bà con ở đây ai cũng quý mến anh, nhất là những người bán vé số, bán rau, bốc vác thuê.

Bởi “nhờ có Lộc mà những người lao động nghèo có thêm quần áo lành lặn để mặc”- dì Nguyễn Thị Huỳnh Hoa chủ quán nước tại đây cho biết như thế.

Vừa nói, dì chọn vài cái áo sơ mi còn mới “để dành cho chú hái dừa mướn ở xóm cạnh bên”- dì tiếp- “tội nghiệp, đi làm mướn không có được cái áo lành để mặc”.

Hôm cuối tuần, chúng tôi đến đây cũng đúng lúc anh Lộc chở thêm quần áo vào gian hàng phục vụ miễn phí cho bà con.

Chàng trai trẻ cười tươi rói mời bà con đến xem quần áo kèm theo câu “Hãy gởi đến chúng tôi nếu bạn có thể- Hãy nhận về nếu bạn thật sự cần”.

Anh Lộc nói, anh rất thích làm những công việc xã hội. Thời sinh viên, anh cũng hay vận động quần áo, sách vở tặng cho trẻ em nghèo và đến giờ vẫn vậy.

Tuy nhiên, thay vì gói gọn vận động cho các em nhỏ, giờ đây anh lại mở rộng thêm đối tượng lao động nghèo vì “những người bán vé số, hàng rong, ve chai không có điều kiện mua quần áo để mặc trong khi những gia đình khá hơn thì thường bỏ đi những thứ còn tốt”.

Thế là anh đi tìm mặt bằng để mở gian hàng quần áo 0 đồng phục vụ cho bà con.

Thấy ý tốt của chàng trai trẻ, các tiểu thương chợ Hàn Thẻ đã cho anh mượn nơi để bày gian hàng quần áo miễn phí và kể từ đó, anh luôn làm tròn vai trò là cầu nối giữa người cho và người nhận.

Anh Lộc cho biết: quầy quần áo đi vào hoạt động gần năm nay. Quần áo ở đây “cũ có, mới có” đều được các nhà hảo tâm ủng hộ.

Ban đầu là người thân ủng hộ nguồn hàng, sau anh chia sẻ lên mạng xã hội để kêu gọi bạn bè, nhà hảo tâm.

“Có khi mình phải trực tiếp chạy đến nhà “người cho” để lấy hàng, khi thì hàng được họ gửi đến tận nhà… Sau khi nhận hàng, mình phải phân loại, giặt sạch sẽ rồi mới đem ra quầy phục vụ bà con.

Dù hơi tốn thời gian nhưng điều đó chẳng đáng kể gì bởi việc làm này ý nghĩa và hơn hết vẫn là tình cảm của mình dành cho bà con lao động nghèo”- anh bộc bạch.

Không chỉ vậy, những dịp lễ hay Tết Trung thu, anh còn bán bánh kẹo và dành toàn bộ số tiền thu được để tổ chức sân chơi thiếu nhi và tặng quà cho các trẻ em nghèo tại địa phương… Anh Lộc cho rằng “niềm vui của bà con cũng chính là niềm hạnh phúc của mình”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ