Báo động tình trạng "phượt thủ" tử nạn

Bạn trẻ đừng xem thường tính mạng bản thân

Cập nhật, 05:31, Thứ Sáu, 03/11/2017 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, phong trào đi du lịch khám phá các địa danh thiên nhiên hay danh lam thắng cảnh... phát triển mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là giới trẻ.

Với riêng các bạn trẻ thì hình thức du lịch khám phá "bụi" theo kiểu “phượt” (có nghĩa là tự tổ chức theo từng nhóm) đã, đang trở thành mốt, thành trào lưu.

Sinh viên các trường ĐH, CĐ cũng có thiên hướng đi du lịch khám phá theo hình thức này, bởi theo các “phượt thủ” thì đi du lịch kiểu tự tổ chức theo nhóm vừa thú vị, vui, lại tiết kiệm được chi phí...

Thì cứ cho rằng, việc các bạn trẻ nói chung và sinh viên nói riêng đi du lịch khám phá theo hình thức tự tổ chức, tự đi bằng các phương tiện sẵn có của mình như xe máy, xe đạp... mang lại nhiều điều hấp dẫn, tiện ích hơn so với kiểu du lịch truyền thống được tổ chức bởi các nhà bán tour, nhưng với thực trạng có quá nhiều các vụ “phượt thủ” tử nạn xảy ra trong mấy năm gần đây đã thực sự gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn trong những chuyến đi của các bạn trẻ.

Mới đây nhất, ngày 21/10 là vụ tai nạn của nhóm “phượt thủ” gồm 7 người đi trên 5 chiếc xe gắn máy đều mang biển kiểm soát tỉnh Đồng Nai, xảy ra trên QL 20, cách Đà Lạt 15km, tại địa phận thôn K’long (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng- Lâm Đồng).

Nguyên nhân dẫn tới tai nạn làm chết 1 người và bị thương một người là do va chạm giữa 2 xe gắn máy trong đoàn đi phượt, khi mà tốc độ chạy xe của nhóm này là quá cao, không làm chủ được tay lái.

Hay như trước đó, vào trưa 7/10, chị Nguyễn Việt Tuyết Quân (sinh năm 1985, trú tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Nhơn Trạch- Đồng Nai) cùng một nhóm bạn thực hiện chuyến đi phượt xuyên rừng cung đường Tà Năng- Phan Dũng (đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng- Ninh Thuận- Bình Thuận).

Khi đến khu vực gần thác Yaly, Tuyết Quân cùng đoàn khách đi bộ qua một con suối.

Do không thuộc địa hình, độ sâu của con suối nên khi di chuyển đến giữa dòng, Quân bị trượt chân và bị dòng nước lũ cuốn trôi. Sau một ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện thi thể Quân dưới khu vực thác Yaly.

Còn rất, rất nhiều các vụ “phượt thủ” bị tử vong do các nguyên nhân khác nhau xảy ra trên cả nước (tai nạn giao thông trên đường đi; lúc khám phá, thăm thú;...) mà trong bài viết ngắn này tôi không thể kể hết ra được.

Song, có một điểm rất chung dẫn tới hậu quả đau buồn và đáng tiếc, đó là nhiều bạn trẻ, nhiều nhóm trước khi đi phượt đã không nghiên cứu, tìm hiểu và chú trọng trang bị cho mình, cho bạn trong nhóm đi cùng những kiến thức cơ bản, trang thiết bị cần thiết, đủ đầy để đảm bảo sự an toàn cho chuyến đi, cũng như đối phó lại với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Một điều quá nguy hiểm mà tôi phải nói tới, đó là không ít các “phượt thủ” đã quá liều lĩnh khi tự mình khám phá, chinh phục các dòng thác, con suối, mỏm núi, hang động, cung đường, khu rừng... chỉ với sự háo hức, tò mò, trong khi các trang thiết bị bảo đảm sự an toàn lại không hề có hoặc có nhưng quá thô sơ. Như vậy là họ quá coi nhẹ, xem thường tính mạng bản thân.

Với nhiều vụ “phượt thủ” tử nạn trong thời gian gần đây, tôi nghĩ các bạn trẻ nói riêng, những người ham thú du lịch bụi tự tổ chức và tự khám phá nói chung, cần phải biết “giật mình” để rút kinh nghiệm, tránh hậu họa cho bản thân.

Khi đi phượt, hãy trang bị cho mình đủ đầy những kiến thức cần thiết, kỹ năng cơ bản như vật dụng, trang thiết bị thiết yếu để đảm bảo sự an toàn trong cả chuyến đi.

Khi tham gia giao thông trên đường, ở những cung đường khúc khủy, nguy hiểm, cần điều khiển xe đi chậm, làm chủ tay lái và tốc độ, tuyệt đối không đánh võng, chạy đua...

Khi khám phá các điểm du lịch thiên nhiên với: hang động, thác, suối, mỏm núi, khu rừng... cần phải thận trọng, và đặc biệt không được mạo hiểm liều lĩnh nếu như không có đủ trang thiết bị vật dụng bảo hiểm an toàn.

Ở những nơi có biển, bảng cấm không được phép chinh phục, khám phá thì càng phải tuân thủ chấp hành...

NGUYỄN LONG