Lập tổ làm thuê từ việc "nhàn" của thanh niên nông thôn

Cập nhật, 04:31, Thứ Tư, 29/03/2017 (GMT+7)

Từ vài người làm thuê việc vườn tược theo mùa, rồi trong nhóm có người đứng ra huy động nhiều thanh niên sử dụng thời gian nhàn rỗi để tới mùa tới vụ theo công người ta kêu làm thuê.

Từ đó giúp giải quyết việc làm cho anh em xóm làng, tạo thêm thu nhập. Câu chuyện là “Mô hình thanh niên làm thuê gắn với giải quyết việc làm” chúng tôi ghi nhận tại ấp Phú Sung (xã Phú Thành- Trà Ôn).

Một thành viên tổ làm thuê thu hái vú sữa tại vườn nhà bà Phộng. Bên cạnh là anh Bùi Thanh Sang (bìa phải) và anh Nguyễn Thế Phụng.
Một thành viên tổ làm thuê thu hái vú sữa tại vườn nhà bà Phộng. Bên cạnh là anh Bùi Thanh Sang (bìa phải) và anh Nguyễn Thế Phụng.

“Trong những năm gần đây, ở ấp Phú Sung tình trạng thanh niên đi làm ăn xa khá phổ biến, một số thanh niên còn lại ở địa phương ngoài công việc chăm sóc vườn thì ít có việc để làm thêm, nên lao động nhàn rỗi khá nhiều.

Từ thực tế trên, anh Nguyễn Văn Phụng- đoàn viên Chi đoàn ấp Phú Sung nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình để tạo việc làm thường xuyên cho thanh niên.

Và cuối năm 2014, tổ thanh niên làm thuê của chi đoàn ấp đã được thành lập...”- anh Bùi Thanh Sang- Bí thư Chi đoàn ấp Phú Sung mở đầu trong tham luận về “Mô hình thanh niên làm thuê gắn với giải quyết việc làm” tại ấp mình, báo cáo tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Phú Thành ngày 24/3.

Thanh niên làm vườn, hái trái cây thuê

Theo anh Bùi Thanh Sang, lúc mới thành lập, tổ chỉ có 10 thành viên, làm công trong thời gian nhàn rỗi việc vườn nhà. Dần dần, nhiều thanh niên “thấy có việc làm ổn định, thu nhập ngày công cũng khá” nên xin vào tổ nhiều, lên 30 người.

Công việc chính của anh em là hái trái cây, tùy vụ mùa: nhãn, chôm chôm, bưởi,... ngoài ra tổ còn nhận thêm hầu hết việc vườn xứ cù lao này: chăm sóc vườn, đắp mô cam, bưởi, đu đủ,...

“Các thành viên tổ làm thuê có thể tham gia làm việc vào thời gian rảnh rỗi khi xong việc nhà; không cần đầu tư chi phí nhiều mà vẫn có công để thêm thu nhập”- anh Nguyễn Văn Phụng- người đoàn viên ấp trước đây, giờ được tín nhiệm bầu là Trưởng ấp Phú Sung- nói về lợi ích của tổ.

Theo anh Bùi Thanh Sang, nhận thấy hiệu quả và sự lan tỏa, năm 2016, Chi đoàn ấp Phú Sung đề nghị về trên thành lập tổ hợp tác thanh niên làm thuê và đã được công nhận.

Hiện tại quy mô tổ làm thuê có tới gần 70 người, chủ yếu là người trong ấp và một phần bên ấp Tân An (xã Lục Sĩ Thành).

Trong nhóm lao động, Trưởng ấp- Nguyễn Văn Phụng do có “thâm niên” làm thuê từ đầu (năm 2010) trước khi lập tổ nhóm, nên được anh em đánh giá luôn cật lực, bền và hoạt bát.

Anh Nguyễn Thế Phụng- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Thành, nguyên Bí thư Xã Đoàn Phú Thành lúc khởi xướng mô hình thanh niên làm thuê ở xã- là người hiểu rõ ngọn nguồn của tổ.

Anh thông tin, thường thì anh Nguyễn Văn Phụng trưởng ấp (và vẫn làm thuê) “chỉ huy” anh em trong tổ, nhận công nhận việc, sau đó huy động, phân công anh em.

Công việc vườn tược nhiều, tổ phân công anh em làm xoay vòng. Vào mùa hái trái cây hay vô đợt chăm sóc vườn, mỗi ngày từ 10- 20 thành viên đi làm, các thành viên khác ở nhà lo việc vườn mình. Làm đợt vài ngày sẽ đổi lượt.

“Có đợt tui dẫn hơn 30 anh em “vượt sông” sang phía Châu Thành (Hậu Giang) nhận công chăm sóc vườn 4 ngày, thu 34 triệu đồng. Ăn uống chủ vườn lo, chia ra mỗi người được hơn 1 triệu đồng”- anh Nguyễn Văn Phụng kể.

Chúng tôi đến nhà bà Võ Thị Phộng, hỏi tới mùa vú sữa và nhãn vườn nhà bà có thuê họ làm không thì bà nhanh nhảu: “Có chứ chú. Đương nhiên là vậy, chứ công mình đâu đủ để hái kịp giao thương lái”.

Con bà Phộng- chị Châu Thị Ngọc Mai- góp chuyện khi biết nhà báo đi viết bài thanh niên làm thuê ở xóm: “Tui cũng tham gia tổ anh em làm thuê ở chú Phụng.

Tới mùa vú sữa thì chị em trong xóm đi sắp trái vú sữa vào thùng, mùa nhãn thì đi lặt nhãn...”- chị Mai xởi lởi khi đang cân mấy ký vú sữa cho chúng tôi.

Giải quyết lao động nông nhàn, góp sinh kế cho nông thôn

Tham gia câu chuyện về mô hình làm thuê này, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành Hồ Nhật Thế chân tình: Mọi thứ từ hái trái cây theo mùa vụ, đào đất, xẻ liếp, đắp mô cam, bưởi... anh em trong tổ làm chất lượng, đạt yêu cầu nên người ta kêu nhiều. Còn ông Hồ Nhật Thế nói về hoạt động của anh em trong tổ làm thuê bằng 2 từ: “Chuyên nghiệp”.

Ông Huỳnh Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Phú Thành- cho biết: Năm ngoái, gần 600 lao động nông thôn xã đã được giải quyết việc làm. Trong số đó, ngoài lao động đi sang các công ty ở cụm công nghiệp bên Châu Thành (Hậu Giang), thì số còn lại vào tổ làm thuê góp phần đem việc cho lao động nông nhàn.

Điều này lãnh đạo, các đoàn thể ở xã Phú Thành, tại ấp Phú Sung đều thấy được. Huyện Đoàn, Phòng Văn hóa và Thông tin Trà Ôn cũng biết mô hình này của anh em ở Phú Sung.

Trong dịp hội nghị ở huyện, đồng chí Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn biết việc anh em đoàn viên ở xã Phú Thành có mô hình này để vừa giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vừa tạo thêm thu nhập nâng cao đời sống nên đã khích lệ và có ý kiến đề nghị duy trì và nhân rộng.

Theo anh Nguyễn Văn Phụng, do mùa vụ trái cây và đặc điểm chăm sóc vườn cây ăn trái mà tầm tháng 9-12 âl hàng năm là “làm không xuể việc”.

Nhưng cũng chính phụ thuộc vụ mùa, nên khó là các tháng còn lại ít việc. “Chúng tôi mong các cấp đoàn, hội tạo thêm việc làm thời vụ nhàn rỗi cho bà con, nhất là chị em trong tổ làm thuê (tổ có khoảng 20 phụ nữ) vào những mùa ít việc, từ tháng 5 đến cuối tháng 8 âl”- Trưởng ấp Nguyễn Văn Phụng đề xuất.

Gửi gắm thêm, Bí thư Chi đoàn ấp Phú Sung Bùi Thanh Sang: “Đó có thể là nguồn vốn dành cho thanh niên lập nghiệp. Bởi ngoài làm thuê vậy, các tháng “ở không nhiều, do việc ít”, các thanh niên nông thôn chúng tôi còn có con bò, con cá tích vốn để vững tin hơn, góp thêm ổn định kinh tế...”

“Người lao động chân tay bây giờ hơi hiếm, nhất là tới vụ mùa ở xứ cây ăn trái này. Lao động thời vụ vậy và thu nhập ổn định thì chúng tôi khuyến khích anh em tiếp tục duy trì, nhân rộng. Ngoài giải quyết công ăn việc làm lao động nhàn rỗi, chính lực lượng lao động chân tay này sẽ giải quyết một số công việc thay cho máy móc (móc sình, đào đất hay đắp mô cam, bưởi...), góp phần để kinh tế địa phương ổn định, phát triển”- ông Huỳnh Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Phú Thành chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH THÁI