Về Phú Tân, nghe đoàn viên nói chuyện làm giàu

Cập nhật, 07:18, Thứ Tư, 23/03/2016 (GMT+7)

Theo chân Bí thư Xã Đoàn Phú Lộc (Tam Bình) Phan Văn Tuân giữa trưa, chúng tôi tìm đến ấp Phú Tân qua những con đường đan quanh co nằm sâu trong cánh đồng.

Chi đoàn ấp Phú Tân chỉ có 12 đoàn viên, tuy vậy, hàng tháng chi đoàn vẫn tổ chức được buổi sinh hoạt định kỳ, hấp dẫn thú vị. Hơn thế nữa, đoàn viên (ĐV) trong chi đoàn còn học hỏi nhau cách làm ăn, tương trợ vốn để phát triển kinh tế, vươn lên khá giàu.

Nuôi bò là một trong những cách làm kinh tế được nhiều đoàn viên Chi đoàn ấp Phú Tân lựa chọn.
Nuôi bò là một trong những cách làm kinh tế được nhiều đoàn viên Chi đoàn ấp Phú Tân lựa chọn.

Thanh niên đến với Đoàn

Anh Tô Hoàng Hớn- Bí thư Chi đoàn ấp Phú Tân nói: “Mấy năm trước, chi đoàn chỉ có 8 ĐV. Nay có 12 ĐV tham gia sinh hoạt đều đặn”. Ngoài ra, chi đoàn còn thu hút một số thanh niên làm trong Khu công nghiệp Hòa Phú cùng tham gia sinh hoạt. “Sắp tới, chi đoàn sẽ kết nạp thêm một số ĐV công nhân”- anh Hớn nói thêm.

Thực tế trước đây, nhiều thanh niên không thiết tha đến với Đoàn vì cho rằng sinh hoạt Đoàn còn khô cứng, hình thức. Nay, với mô hình “3 chi + 1”, nghĩa là chi bộ, chi đoàn và chi hội cựu chiến binh cùng tham gia sinh hoạt chung bước đầu mang lại kết quả.

Anh Phan Văn Tuân nói rõ thêm: “3 chi đó sẽ làm báo cáo chung và luân phiên nhau trình bày báo cáo, tình hình chung trong ấp. Ngoài ra, 3 chi này cũng liên kết với nhau để thực hiện tốt các phần việc”.

Hiểu được tâm lý của ĐV nông thôn “không thích hình thức, rườm rà”, nên mỗi buổi sinh hoạt thường khoảng 1 giờ, với phương châm: cô đọng, hiệu quả. Ấp Phú Tân còn được trang bị dàn karaoke để ĐV sau khi sinh hoạt được giao lưu văn nghệ vui tươi, lành mạnh.

Anh Nguyễn Thanh Nhàn- đảng viên sinh hoạt trong Chi đoàn ấp Phú Tân cười tươi rói: “Tôi gần 30 tuổi, sinh hoạt chi đoàn ấp mấy năm nay, vừa được giúp vốn vừa được góp sức cho địa phương mình”.

Thêm một điểm yêu thích ở Chi đoàn ấp Phú Tân là giúp vốn cho ĐV. Anh Hớn vui vẻ: “Có 12 ĐV thì 8 người được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi, trồng trọt, mỗi người 30 triệu đồng”. Anh Hớn cho biết: “Ngoài ra, còn tổ chức xoay vòng vốn cho ĐV (50.000 đ/ tháng/người), ai có mặt thì bốc thăm và đóng tiền luôn”. Chi đoàn không có hộ ĐV nghèo, đặc biệt nhiều thanh niên còn vươn lên khá giàu.

Nói chuyện vươn khá, làm giàu

Năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục giải ngân vốn cho ĐV ấp Phú Tân để phát triển kinh tế. Chi đoàn ấp thật sự đã là nơi góp tay “nuôi nấng” các thế hệ ĐV trưởng thành, vươn lên khá giàu.

Anh Phạm Trọng Tính- Phó Trưởng ấp Phú Tân nói: “Tôi cũng từ Đoàn mà ra. Cũng nhờ nguồn vốn vay khi là ĐV, tôi đầu tư chăn nuôi bò, nay đàn bò đã được 5 con”. Vợ anh Tính là giáo viên, anh làm công tác ở ấp và làm vườn. Trước đây, cuộc sống cũng “không dư dả gì”.

Nay thì anh lời ra được mấy con bò làm vốn. Anh cười: “Hạnh phúc của tôi là 2 con gái học giỏi, vợ chồng hòa thuận và làm ăn có dư chút đỉnh”. Anh Tính chia sẻ kinh nghiệm: “Nuôi bò sinh sản thì không thể nuôi thúc như bò thịt được, phải có chế độ ăn riêng”.

Tốt nghiệp trung cấp thú y, anh Nguyễn Thanh Nhàn từng đi làm ở các trại heo giống lớn. Sau vài năm anh về quê phát triển kinh tế gia đình. Bằng kinh nghiệm vốn có, anh Nhàn đăng ký vay vốn ngân hàng dành cho ĐV thanh niên.

Hiện anh Nhàn có bầy heo nái 20 con, 10 con bò, hơn 30 heo thịt và 13 công ruộng. Anh Nhàn cười tươi: “Nhà tôi có 2 vợ chồng và cha mẹ già thôi, bao nhiêu đó việc cũng đủ bù đầu nhưng tháng nào tôi cũng tham gia sinh hoạt Đoàn vừa giảm căng thẳng vừa gặp anh em để chia sẻ kinh nghiệm luôn”. Mô hình chăn nuôi heo của anh Nhàn được làm theo quy mô lớn, công nghiệp hóa cao với hệ thống cho heo ăn tự động, heo nái có lồng đẻ, hầm biogas, ao nuôi cá…

Ngoài ra, anh Nhàn còn mở dịch vụ điều trị bệnh trên gia súc, gia cầm trong và ngoài xã. Anh vui vẻ: “Mỗi năm, gia đình tôi thu lời được khoảng 400 triệu đồng”.

Riêng anh Hớn là bí thư ấp công việc bộn bề nhưng cũng không quên nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình. Ngoài nuôi 4 con bò “trong đó, 2 con sắp đẻ” và làm 7 công ruộng, anh Hớn còn vay vốn mua bàn ghế để cho bà con thuê phục vụ đám tiệc, thu nhập khá. Anh Hớn nói: “Là cán bộ Đoàn, là đảng viên mình có nhiệm vụ với tổ chức, song song đó thì nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng rất quan trọng”.

Để thanh niên đến với Đoàn, trước hết Đoàn phải là nơi hiểu được tâm tư, nguyện vọng của ĐV. Những buổi sinh hoạt bổ ích, thiết thực và hiệu quả, từ đó, ĐV càng hăng say lao động, càng nhiệt huyết với tổ chức Đoàn hơn.

 

Phó Trưởng ấp Phú Tân Phạm Trọng Tính (cựu cán bộ Đoàn ấp) cho rằng: Thanh niên nông thôn hiện nay chưa phát triển kinh tế được, đa phần vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất và không có mô hình hay để học hỏi. Do đó, Đoàn phải giúp thanh niên thoát khỏi những khó khăn trên.

Bí thư Xã Đoàn Phú Lộc Phan Văn Tuân: Chi đoàn ấp Phú Tân là một điểm sáng trong tập hợp thanh niên đến với Đoàn và giúp ĐV phát triển kinh tế. Sắp tới, để thu hút thanh niên công nhân, chúng tôi sẽ tổ chức họp Đoàn vào ngày chủ nhật với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn hơn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN