Không thể xóa sổ Covid-19 nhưng vẫn có "chìa khóa" để kết thúc đại dịch

Cập nhật, 20:46, Thứ Tư, 22/09/2021 (GMT+7)

 

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Covid-19 không thể bị xóa sổ nhưng giống như các đại dịch khác trong lịch sử, đại dịch này sẽ kết thúc một ngày nào đó, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận và hành vi của chúng ta.

Các quy tắc kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm có những định nghĩa riêng đối với mức độ ngăn chặn một dịch bệnh có thể lây lan.

"Kiểm soát" tức là nỗ lực đưa dịch bệnh lây lan ở mức độ thấp với sự hỗ trợ của các biện pháp can thiệp y tế công cộng như vaccine.

"Loại bỏ" tức là tỷ lệ mắc bệnh đã được làm giảm ở một khu vực địa lý nhất định xuống còn con số 0. "Xóa sổ" tức là tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới đã được đưa về con số 0.

Và "tiêu diệt" tức là ngay cả các mẫu bệnh được bảo quản trong các phòng thí nghiệm đảm bảo an ninh nghiêm ngặt cũng bị tiêu hủy.

Bệnh đậu mùa đã được xóa sổ thành công trên thế giới vào năm 1979, không chỉ nhờ vaccine mà còn bởi một số đặc điểm đặc biệt của virus. Virus gây nên bệnh đậu mùa thiếu ổ chứa bệnh là động vật.

Nó có những đặc điểm gây bệnh khiến chúng ta dễ dàng và nhanh chóng phát hiện những người mắc bệnh. Nó cũng có thời gian lây nhiễm ngắn và người từng mắc bệnh đậu mùa sẽ có miễn dịch tự nhiên suốt đời.

Bệnh sởi lại là một ví dụ cho thấy có những dịch bệnh không bao giờ có thể xóa sổ. Virus hô hấp có khả năng lây nhiễm cao gây nên dịch bệnh này đã được kiểm soát sau khi vaccine được phát triển vào năm 1963.

Ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Mỹ, dịch bệnh này về cơ bản đã được loại bỏ mặc dù các đợt bùng phát thỉnh thoảng vẫn xảy ra.

Dịch bệnh không thể xóa sổ

Hồi kết của đại dịch Covid-19 không giống với bệnh đậu mùa hay thủy đậu. Virus SARS-CoV-2 có những đặc điểm khiến dịch bệnh này không thể bị xóa sổ, trong đó có khả năng lây nhiễm cao, các triệu chứng của bệnh có thể bị nhầm lẫn là các bệnh hô hấp thông thường khác và khả năng virus có thể lây lan trong thời kỳ tiền triệu chứng.

Nhiều loại vaccine an toàn và hiệu quả đang giúp đảo ngược tình thế, đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng.

Cuối cùng, virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, tức là nó vẫn tồn tại dai dẳng nhưng chỉ gây nên tỷ lệ mắc bệnh ở mức độ thấp và có thể kiểm soát được tại một khu vực nhất định.

Các loại virus gây bệnh đặc hữu, chẳng hạn như virus cúm và virus rhinovirus gây bệnh cảm lạnh có thể dẫn tới các đợt bùng phát và kiểu bệnh theo mùa nhưng chúng thường không tăng lên thành mức độ dịch bệnh.

Bởi vì các loại vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các ca mắc Covid-19 nặng nên chúng sẽ là con đường chính để chúng ta đến được thời điểm kiểm soát dịch bệnh.

Các kháng thể do vaccine tạo ra sẽ yếu dần nhưng vaccine còn tạo ra các tế bào ghi nhớ B, loại tế bào tạo ra mức độ cao các kháng thể trung hòa nếu virus hoặc các biến thể của nó lại xuất hiện. Các tế bào ghi nhớ B, nếu được tạo ra, sẽ duy trì trong một thời gian dài.

Một nghiên cứu năm 2008 trên tạp chí Nature cho thấy những người từng hồi phục sau khi mắc bệnh trong đại dịch cúm 1918 có thể sinh kháng thể từ các tế bào ghi nhớ B khi mẫu máu của họ được phơi nhiễm trước chủng virus cúm tương tự vào 9 thập kỷ sau.

Các tế bào T được tạo ra bởi vaccine cũng bảo vệ chúng ta trước các triệu chứng nghiêm trọng và không bị ảnh hưởng trước các biến thể của virus.

Khi virus tiếp tục lây lan, những người cao tuổi và suy giảm hệ miễn dịch sẽ cần mũi tiêm tăng cường nhưng hầu hết mọi người sẽ được bảo vệ bởi dịch bệnh sẽ ít đe dọa đến chúng ta hơn nếu đã tiêm đủ số mũi vaccine.

Đại dịch sẽ kết thúc như thế nào?  

Vậy, bệnh đặc hữu Covid-19 sẽ diễn ra như thế nào? Nếu chúng ta có thể kiềm chế sự lây lan của virus trên toàn cầu và hạn chế các ca bệnh nặng qua việc tiêm vaccine, thế giới có thể nối lại cuộc sống bình thường mà chúng ta khao khát bấy lâu.

Nhờ tiêm vaccine và miễn dịch tự nhiên, tình hình dịch Covid-19 sẽ giống như như các dịch bệnh khác do virus gây nên mà chúng ta đã kiểm soát được.

Những người mắc Covid-19 có các triệu chứng nặng sẽ cần nhập viện và điều trị bằng các phương pháp như sử dụng thuốc kháng virus, steroids hoặc các biện pháp điều trị kháng viêm khác.

Những người có các triệu chứng trung bình có thể điều trị ngoại trú bằng các thuốc kháng thể đơn dòng hoặc các loại thuốc chống virus sẽ sớm có sẵn.

Trong khi đó, những người có các triệu chứng nhẹ sẽ không cần điều trị đặc biệt và được coi không khác gì những bệnh cảm lạnh thông thường khác.

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Monica Gandhi, giáo sư tại Đại học California, San Francisco nhận định trên Washington Post, trong một vài tháng tới, sự lây lan virus ở Mỹ có thể sẽ giảm xuống mức thấp mà nước này không cần áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, xét nghiệm hay truy vết tiếp xúc.

Điều này đã xảy ra ở Đan Mạch, Ireland, Chile và Anh. Những nước này có tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn Mỹ nhưng với quy định tiêm vaccine bắt buộc, việc tiêm chủng cho trẻ em đang được cân nhắc và tỷ lệ miễn dịch tự nhiên cao sau làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây nên, tình hình ở Mỹ sẽ phần nào khả quan hơn.

Giống như các quốc gia khác, Mỹ sẽ học cách chấp nhận sự lây lan của virus không còn gây nên tỷ lệ nhập viện cao và điều trị các triệu chứng của dịch bệnh khi số ca mắc tăng lên tương tự như với các bệnh truyền nhiễm mà nhân loại không thể xóa sổ.

Mặc dù Covid-19 cho tới nay đã gây nên nhiều xáo trộn trong cuộc sống của chúng ta nhưng có một thực tế là virus không thể tiếp tục tiến hóa để trở thành một dịch bệnh nguy hiểm hơn nếu nó không trả một cái giá nào đó. Chúng ta đã rút ra được điều này từ HIV khi các đột biến khiến cho virus ít có khả năng nhân lên hơn.

Trên thực tế, tất cả các đại dịch trong lịch sử cuối cùng đều sẽ suy giảm dần dù có vaccine hay không. Việc làm giảm mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và khả năng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng của nó sẽ quyết định số phận của virus này tương tự như các virus corona gây ra bệnh cảm lạnh khác.

Chìa khóa để đẩy nhanh cuộc sống trở lại bình thường là qua việc tiêm vaccine, điều mà một số quốc gia đã làm được và hiện đang mở cửa trở lại với rất ít biện pháp hạn chế phải áp đặt./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN