Lý giải việc WHO đặt tên "Covid-19" cho virus corona mới

Cập nhật, 12:15, Thứ Tư, 12/02/2020 (GMT+7)

Sau một thời gian dùng tên tạm để chỉ chủng mới của virus corona, tổ chức WHO đã xây dựng tên mới chính thức là Covid-19, dựa trên một số cơ sở.

Hôm 11/2/2020, lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tên chính thức của virus corona chủng mới (nCoV) là “Covid-19”.

Covid-19 là tên chính thức mới đặt cho chủng mới của virus corona. Ảnh: YouTube.
Covid-19 là tên chính thức mới đặt cho chủng mới của virus corona. Ảnh: YouTube.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng cái tên “Covid-19” được cấu tạo từ “co” (corona), “vi” (virus”), “d” (disease, nghĩa là bệnh), và “19” (viết tắt của năm 2019, virus này được phát hiện bùng phát vào tháng 12/2019).

Theo ông Tedros, cái tên chính thức này (Covid-19) được lựa chọn là để tránh đề cập cụ thể một vị trí địa lý, một loài động vật, hay một nhóm người nào đó theo khuyến nghị của quốc tế nhằm tránh việc kỳ thị, gắn tiếng xấu lên các đối tượng đó.

Trước đó, WHO đã tạm đặt cho virus mới này cái tên là “bệnh hô hấp cấp 2019-nCoV”, còn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào tuần này cho hay họ tạm gọi bệnh này là “viêm phổi do virus corona mới”, viết tắt theo tiếng Anh là NCP.

Theo các hướng dẫn được ban hành hồi năm 2015, WHO khuyến nghị tránh dùng các tên theo địa danh như là Ebola và Zika – nơi những bệnh này được nhận diện đầu tiên, những cái tên như thế này khiến cho các vùng đất đó tất yếu gắn chặt với các loại bệnh này trong đầu óc công chúng.

Các tên chung chung hơn như “Hội chứng Hô hấp Trung Đông” hay “cúm Tây Ban Nha” hiện cũng được tránh do chúng có thể gắn tiếng xấu với cả một khu vực rộng lớn hay các nhóm dân tộc.

Bên cạnh đó, WHO lưu ý rằng việc dùng tên động vật cũng có thể gây nhầm lẫn và tác động tiêu cực về tâm lý.

Chẳng hạn hồi năm 2009, virus H1N1 đã được gọi một cách phổ biến là “cúm lợn”. Điều này đã gây tác động mạnh theo hướng xấu lên ngành thịt lợn dù cho trên thực tế bệnh này được lây nhiều giữa người với nhau hơn là từ lợn.

WHO cho biết thêm, cũng cấm cả việc lấy tên người (như của nhà khoa học phát hiện ra bệnh) để đặt tên các virus./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN, AFP