Sự bất định của tiến trình Brexit

Cập nhật, 14:47, Thứ Tư, 11/09/2019 (GMT+7)

Chính trường Anh vốn đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng khi không tìm được tiếng nói chung cho Brexit, nay lại liên tiếp đón cú sốc mới. Bắt đầu từ quyết định đình chỉ hoạt động của Nghị viện Anh và tuyên bố đề nghị tổng tuyển cử trước thời hạn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, sau đó là dự luật ngăn chặn kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không thỏa thuận, khiến cho tiến trình Brexit trở nên bất định.

 Cuộc họp của Thượng viện Anh tại London ngày 06/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc họp của Thượng viện Anh tại London ngày 06/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ cuộc “so găng” trên chính trường…

Từ khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Boris Johnson luôn thể hiện quyết tâm thực hiện tiến trình Brexit khi tuyên bố thỏa thuận chia tay đã 3 lần bị các nghị sĩ Anh bác bỏ và chuẩn bị cho khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Tuy nhiên, những bước đi nhằm hiện thực hóa chiến lược Brexit của ông đã liên tiếp gặp phải những thất bại.

Cách tiếp cận của Thủ tướng Anh Johnson về Brexit ngay từ đầu đã hứng nhiều chỉ trích. Nhiều người trong và ngoài Quốc hội Anh cũng cho rằng, Brexit “không thỏa thuận” coi như một viễn cảnh “cheo leo bên bờ vực” cần phải tránh bằng mọi giá. Đề nghị của ông Johnson đàm phán về một thỏa thuận “chia tay mới” cũng bị EU bác bỏ.

Nhằm ngăn chặn Nghị viện Anh phủ quyết việc rời EU mà không có thỏa thuận, ông Johnson đã đề nghị tạm dừng hoạt động của Nghị viện Anh từ giữa tháng 9 đến ngày 14/10 và được Nữ hoàng Elizabeth II chấp thuận. Đây là một nước cờ đầy toan tính của ông khiến phe phản đối Brexit không thỏa thuận, không có đủ thời gian để chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho các bước đi tiếp theo khi các thành viên của Nghị viện Anh sẽ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè vào ngày 3/9.

Mặc dù vậy, nước cờ của Thủ tướng Anh đã không thành công. Hạ viện Anh trong phiên họp ngày 3/9, đã bỏ phiếu cho dự luật nhằm ngăn chặn việc Anh rời EU không thỏa thuận với tỷ lệ biểu quyết 327 ủng hộ/299 phiếu chống. Quốc hội Anh buộc chính phủ của ông Johnson phải tìm cách gia hạn thời điểm Brexit nếu không đạt được thỏa thuận với EU trước ngày 19/10. Thượng viện Anh cũng đã thông qua dự luật ngày 6/9 và sẽ được Nữ hoàng ký ban hành thành luật.

Trước đó, một bản kiến nghị có hơn 1,3 triệu chữ ký đề nghị tòa án khẩn cấp xem xét “tác động và ý định” của kế hoạch kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội Anh. Trong khi đó, hàng nghìn người dân tập trung tại nhiều thành phố trên khắp nước Anh bày tỏ sự bất bình với quyết định của Thủ tướng. Ngày 6/9, Tòa Thượng thẩm London đã bác đơn khiếu nại của ông Johnson. Trong thông báo tại tòa, khiếu nại bị bác bỏ và đơn kháng cáo có thể được gửi tới Tòa án Tối cao Anh xem xét vào ngày 17/9.

Ngay cả đề nghị tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 của ông Johnson cũng bị hạ viện bác bỏ, vì không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết (số phiếu ủng hộ chỉ đạt 298 phiếu trong khi cần tới 434 phiếu). Các đảng đối lập như Công đảng, đảng Tự do và đảng Dân tộc Scotlen ngay từ đầu đã không ủng hộ kế hoạch bầu cử sớm của ông Johnson.

Đến sự bất định của tiến trình Brexit...

Giới quan sát nhận định, con đường Brexit ngày càng tới những khúc quanh và ông Johnson không nhận được sự ủng hộ ngay từ trong nước. Nếu chiều hướng này vẫn tiếp tục diễn ra, chính trường Anh sẽ tiếp tục phải đối mặt với những sóng gió mới, khiến cho tiến trình Brexit đứng trước những nguy cơ phải tiếp tục trì hoãn hoặc bị hủy bỏ. Thậm chí có thể có thêm một cuộc trưng cầu dân ý mới. 

Về lý thuyết, ông Johnson vẫn còn cách để vô hiệu hóa đạo luật ngăn chặn kịch bản Anh rời EU mà không có thỏa thuận như: thuyết phục Nữ hoàng không chuẩn y đạo luật này và tạm thời đóng cửa Quốc hội; chấp nhận vi phạm luật, không thực thi luật này và đối diện với khả năng bị kiện; hoặc tiếp tục kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm với hi vọng giành lại được đa số phiếu trong quốc hội.

Tuy nhiên, rất ít khả năng Nữ hoàng không thông qua đạo luật và nếu như vậy, việc đóng cửa Quốc hội sẽ không giải quyết được vấn đề. Khả năng ông Johnson chấp nhận phạm luật là không cao, vì hiện tại ông đang tập trung thương lượng với EU tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 17-18/10 để đạt được thỏa thuận Brexit. Đề nghị tổng tuyển cử sớm của ông Johnson đã thất bại, ông có thể sẽ cố gắng tiếp tục yêu cầu nhưng rất khó được chấp nhận.

Theo các chuyên gia phân tích, chính phủ của ông Johnson khó có thể đạt được thỏa thuận “chia tay mới” với EU hoặc xin gia hạn Brexit theo yêu cầu của Quốc hội Anh. EU có thể không thay đổi quan điểm trong thương lượng và không đáp ứng yêu cầu gia hạn Brexit của chính phủ Anh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra, đây sẽ là lựa chọn của nước Anh chứ không phải của EU. Điều này đặt ông Johnson vào tình trạng tương tự như bà Theresa May trước đây là phải tìm kiếm ủng hộ trong Quốc hội cho một thỏa thuận Brexit. Nhưng liệu ông Johnson có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn?

Khả năng đạt được thỏa thuận mới giữa Chính phủ Anh với EU vào ngày 17-18/10 không cao, nhưng nếu đạt được thỏa thuận, ông Johnson sẽ phải thuyết phục được sự ủng hộ của các đảng đối lập để thông qua. Trường hợp Quốc hội Anh mở cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, rất có thể ông Johnson sẽ mất chức.

Tuy nhiên, ông Johnson cũng có thể chấp nhận xin gia hạn Brexit đến tháng 31/1/2020 để được được các đảng đối lập chấp thuận tổng tuyển cử sớm. Nhưng nếu ông thất bại trong tổng tuyển cử, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sẽ trở thành thủ tướng và có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, đẩy tiến trình Brexit vào thế ngày càng bất định hơn./.

Theo Nguyễn Nhâm/ĐCSVN