Thụy Sỹ mong muốn tăng cường hợp tác thương mại với Nhật Bản và Việt Nam

Cập nhật, 12:15, Thứ Ba, 09/07/2019 (GMT+7)

Ngày 8/7, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ, ông Guy Parmelin, người dẫn đầu một đoàn công tác chuyên về kinh tế và khoa học, đã bắt đầu tiến hành chuyến công du tới Nhật Bản và Việt Nam.

 Ông Guy Parmelin. Ảnh: admin.ch
Ông Guy Parmelin. Ảnh: admin.ch

Nhật Bản là đích đến đầu tiên trong chuyến công du của Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ. Với việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Thụy Sỹ - Nhật Bản vào năm 2010, Thụy Sỹ là quốc gia châu Âu đầu tiên ký kết FTA với nền kinh tế châu Á này.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt kịp Thụy Sỹ, thậm chí vượt quốc gia Trung Âu này từ vài tháng nay. Chủ tịch Phòng Thương mại Thụy Sỹ - Nhật Bản Martin Herb, cũng là thành viên đoàn công tác của Bộ trưởng Parmelin, cho biết kể từ khi FTA giữa EU và Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 2/2019, các công ty Thụy Sỹ đã gặp bất lợi.

Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Thụy Sỹ-Nhật Bản, bà Elisabeth Schneider-Schneiter, cho rằng lợi thế cạnh tranh của Thụy Sỹ hiện đã không còn. Từ cuối năm 2017, bà Elisabeth Schneider-Schneiter đã kêu gọi Hội đồng Liên bang (Chính phủ) Thụy Sỹ mở rộng thỏa thuận FTA nhằm đảm bảo cho các công ty Thụy Sỹ ít nhất có quyền thâm nhập thị trường Nhật Bản tương đương với các điều kiện dành cho các công ty của EU.

Trả lời phỏng vấn báo chí tối 8/7 Bộ trưởng Parmelin cho biết, Thụy Sỹ muốn “nâng cấp” bản FTA với Nhật Bản, dù ông đánh giá hiệp định này tốt và "vẫn phù hợp với hiện tại". Tuy nhiên, ông Parmelin thừa nhận rằng các công ty Thụy Sỹ hiện có thể gặp bất lợi hơn so với các công ty châu Âu.

Bộ trưởng Parmelin cũng khẳng định vấn đề nêu trên không phải do các nhà đàm phán Thụy Sỹ đã tiến hành những thảo luận, đàm phán với nhiều thua thiệt cách đây 10 năm, mà thực tế đã có những biến đổi mạnh mẽ trong một số lĩnh vực nhất định và hiện giờ hai bên phải phân tích những điểm cốt yếu cần được cải thiện. Đó chính là mục tiêu chuyến công du của Bộ trưởng Parmelin đến Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, điểm dừng chân thứ 2 của Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ sau Nhật Bản, Chính phủ nước này bày tỏ mong muốn thúc đẩy thương mại với Việt Nam, quốc gia đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình từ nhiều năm nay.

Năm 2018, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ đạt 2 tỷ CHF (khoảng 2,01 tỷ USD) tương ứng với mức tăng khoảng 5%. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thụy Sỹ trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Số liệu từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ cũng cho thấy đến nay các công ty Thụy Sỹ đã đầu tư khoảng 690 triệu CHF (693 triệu USD) vào Việt Nam và hiện diện trong nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.

Ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ với các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ là việc tiếp tục các cuộc đàm phán để đi đến ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) gồm 4 nước Iceland, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein.

Liên quan đến lĩnh vực khoa học, Việt Nam cũng mang lại những cơ hội hấp dẫn trong các ngành y tế và môi trường. Từ năm 2014 tới nay, Thụy Sỹ đã hỗ trợ 20 dự án trong các lĩnh vực nói trên tại Việt Nam. Theo kế hoạch, vào mùa Hè và mùa Thu năm nay, các dự án mới trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng sẽ được khởi động và kêu gọi đầu tư.

Theo Hoàng Hoa/TTXVN