Hội đồng quân sự chuyển tiếp nỗ lực bình ổn tình hình tại Sudan

Cập nhật, 19:31, Chủ Nhật, 14/04/2019 (GMT+7)

Hội đồng quân sự Sudan hôm qua (13/4) đã có cuộc gặp đại diện các nhóm biểu tình và lực lượng đối lập tại thủ đô Khartoum.

Tuần qua, tình hình Sudan diễn biến phức tạp với việc Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất sau một cuộc đảo chính của quân đội trong bối cảnh căng thẳng xã hội tăng cao. Một hội đồng quân sự chuyển tiếp đã được thành lập để lãnh đạo đất nước trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên lực lượng biểu tình khẳng định sẽ không dừng chiến dịch cho đến khi một chính quyền chuyển giao dân sự được thành lập. Trước những diễn biến tại Sudan, quốc tế kêu gọi các bên thực hiện một giai đoạn chuyển tiếp hòa bình.

Tổng thống  Omar al-Bashir. Ảnh: ABC News.
Tổng thống Omar al-Bashir. Ảnh: ABC News.

Người đứng đầu mới của Hội đồng quân sự Sudan Abdel Fattah Al Burhan hôm qua (13/4) cho biết, một chính phủ dân sự sẽ được thành lập sau các cuộc tham vấn với lực lượng đối lập và cam kết về một quá trình chuyển giao sẽ kéo dài tối đa trong 2 năm.

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, ông Burhan cũng kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn chính quyền cũ, giải thể chính quyền các bang, đồng thời thông báo một số biện pháp để giảm sức ép từ phe biểu tình.

“Chúng tôi sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, thả ngay lập tức tất cả những người đã bị bắt giữ theo luật tình trạng khẩn cấp hay bất cứ luật nào được áp đặt trong các cuộc biểu tình gần đây. Cần phải quan tâm hơn đến việc tăng cường và bảo vệ nhân quyền theo Hiến chương khu vực và quốc tế”, ông Burhan nói.

Hội đồng quân sự Sudan hôm qua (13/4) cũng có cuộc gặp đại diện các nhóm biểu tình và lực lượng đối lập tại thủ đô Khartoum. Các bước đi ổn định tình hình Sudan đang được lực lượng quân sự chuyển tiếp thực hiện.

Mặc dù vậy, tình hình được dự đoán sẽ không sớm yên bình trở lại khi nhiều người biểu tình cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục chiến dịch cho đến khi một chính phủ chuyển giao dân sự được thành lập.

Các đảng chính trị và phong trào ủng hộ các cuộc biểu tình cho biết họ sẵn sàng gặp lực lượng quân sự để thảo luận về quá trình chuyển giao và thành lập một đoàn đại biểu để đưa ra các yêu cầu đối với Hội đồng quân sự.

Theo đó, họ từ chối chuyển giao quyền lực cho lực lượng quân sự và muốn một lãnh đạo dân sự hoàn toàn. Một kế hoạch biểu tình ngồi 7 ngày bên ngoài trụ sở quân đội ở Khartoum đang được lên kế hoạch.

Một người biểu tình cho biết: “Quan điểm của chúng tôi về những gì xảy ra tại đất nước là rất rõ ràng. Chúng tôi muốn một chính phủ dân sự và đến bây giờ yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.  Đây là những yêu cầu mà tất cả những người biểu tình mong muốn”.

Liên minh Tự do và Thay đổi đối lập tại Sudan hôm qua (13/4) cũng yêu cầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp cần đưa đại diện của người dân vào trong Hội đồng Tổng thống.

Trước những diễn biến tại Sudan, quốc tế bày tỏ lo ngại và kêu gọi thực hiện một giai đoạn chuyển tiếp hòa bình tại quốc gia này.

Lãnh đạo và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên của Cộng đồng Sahel-Sahara hôm qua có cuộc họp tại Cộng hòa Chad, kêu gọi các bên liên quan ưu tiên đối thoại và tham vấn dựa trên quan điểm về thiết lập quá trình chuyển đổi hoà bình để khôi phục lại trật tự Hiến pháp tại Sudan.

Mỹ cũng kêu gọi Hội đồng Quân sự chuyển tiếp kiềm chế, để người dân tham gia vào chính quyền. Liên minh châu Âu hối thúc quân đội nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho người dân, trong khi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt  khẳng định việc quân đội giám sát quá trình chuyển tiếp kéo dài 2 năm "không phải là câu trả lời". Theo ông, cần nhanh chóng chuyển sang ban lãnh đạo dân sự, có đại diện của tất cả các bên./.

Theo VOV