Chính trường Mỹ dậy sóng sau quyết định từ chức của Bộ trưởng Tư pháp

Cập nhật, 15:09, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm 7/11 đệ đơn từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp ngay lập tức đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía đảng Dân chủ, những người cảnh báo rằng Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực gây khó dễ cho cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Ảnh: Time Magazine.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Ảnh: Time Magazine.

Ông Jeff Sessions đã trở thành Bộ trưởng đầu tiên bị cách chức trong cuộc cải tổ nội các dự kiến của Tổng thống Donald Trump sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kì vừa qua.

Trong thư từ chức gửi Tổng thống Trump, được Bộ Tư pháp Mỹ công bố, ông Jeff Sessions khẳng định mình đã làm theo yêu cầu của Tổng thống. 

Cùng ngày, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump thông báo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Matthew G. Whitaker sẽ trở thành quyền Bộ trưởng Tư pháp, phụ trách mọi vấn đề liên quan tới Bộ Tư pháp, trong đó có cả cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller liên quan đến việc Ủy ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump có hợp tác với Nga để giúp ông chiến thắng trong cuộc bầu cử  Tổng thống năm 2016 hay không.

Quyết định này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống đang cố gắng can thiệp và tác động đến cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Ông Jeff Sessions là thượng nghị sĩ đầu tiên đã ủng hộ ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016.

Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Tổng thống Trăm và ông Sessions bắt đầu, khi ông Jeff Sessions quyết định đứng ngoài cuộc điều tra về cáo buộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump có thông đồng với Nga.

Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ thất vọng về việc ông Jeff Sessions không hành động để ngăn chặn cuộc điều tra của Công tố viên Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm ông Matthew Whitaker làm quyền Bộ trưởng Tư pháp cũng được cho là bước đi của Tổng thống Trump với hi vọng ông Whitaker có thể giúp vô hiệu hóa cuộc điều tra của công tố viên Mueller.

Ông Whitaker đã có lần công khai bình luận rằng “cuộc điều tra của Mueller đối với Tổng thống Trump đang đi quá xa và ông Mueller có quá nhiều quyền hạn trong cuộc điều tra về sự liên quan của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016”.

Nhà phân tích chính trị Mỹ Jessica Levinson nhận định, việc cách chức Bộ trưởng Tư pháp không phải là một quyết định quá bất ngờ: “Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần công khai lên tiếng chỉ trích ông Sessions.

Ông đã nhiều lần đề cập thay thế ông Sessions nhưng chưa đưa ra quyết định do lo ngại tác động đến kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ.

Quyết định này của Tổng thống cũng cho thấy Tổng thống Trump muốn tìm một người thay thế phù hợp với quan điểm của ông hơn trong vấn đề liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller và ông Whitaker là một người phù hợp”.

Đảng Dân chủ ngay lập tức lên tiếng phản ứng về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Steny Hoyer cho rằng, Quốc hội cần phải có hành động để bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Nếu sự ra đi của Sessions là một bước đi nhằm mở đường cho việc Tổng thống Trump can thiệp vào cuộc điều tra của ông Mueller thì Tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho rằng, việc ông Sessions bị sa thải là một “âm mưu” nhằm hủy hoại cuộc điều tra Nga, đồng thời đề nghị ông Whitaker không tham gia âm mưu này.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng kêu gọi bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller: “Bảo vệ ông Mueller và cuộc điều tra của ông là điều quan trọng nhất hiện nay.

Nó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu đây là những bước đi đầu tiên để chấm dứt hay giới hạn cuộc điều tra của ông Mueller.

Tôi hi vọng bất cứ Bộ trưởng Tư pháp mới nào được bổ nhiệm cũng không can thiệp, bằng bất cứ cách nào, vào cuộc điều tra của ông Mueller”.

Nhiều nghị sĩ Dân chủ cũng kêu gọi ông Whitaker nên “ tự cứu mình”  đứng ngoài cuộc điều tra như ông Sessions từng làm.

Người phát ngôn của Văn phòng Công tố viên Mueller từ chối bình luận về sự ra đi của ông Sessions, tuy nhiên luật sư cá nhân của ông Mueller cho rằng những diễn biến này"sẽ không ảnh hưởng" đến cuộc điều tra./.

Theo VOV