Dịch tả heo châu Phi rất nguy hiểm

Cập nhật, 11:48, Thứ Hai, 10/09/2018 (GMT+7)

Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đàn heo trong nước hơn 35 triệu con sẽ khó trụ vững trước vấn nạn bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đang hoành hành ở Trung Quốc.

Đây là nhận định của bác sĩ thú y Anan Lertwilai, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV).

Tỷ lệ thiệt hại gần 100%

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra lần đầu tại trại heo ở tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng Đông Nam Trung Quốc vào ngày 3/8.

Trong khoảng 1 tháng, bệnh bùng phát liên tục và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi heo cũng như cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đến ngày 9-9 đã có 14 ca bệnh được phát hiện ở 6 tỉnh với trên 40.000 con phải tiêu hủy.

Điều này cho thấy, những nỗ lực kiểm soát sự lây bệnh ASF ở Trung Quốc dường như không có hiệu quả, gây lo ngại các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam.

OIE cho biết, ASF là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh trên tất cả các loại heo (heo nhà, heo hoang dã) do virus gây ra.

Heo mắc bệnh ASF có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào độc lực của virus, như sốt cao (40,5-42°C), lười ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm thành đám, đau vùng lưng, vùng bụng, di chuyển khó khăn, một số vùng da màu trắng chuyển sang đỏ, nhất là vành tai, đuôi, hông, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể màu đỏ tím. Heo mang thai có thể sẩy thai mọi giai đoạn.

Tỷ lệ chết 70%. Những con heo khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang virus suốt đời, là vật chủ mang mầm bệnh ASF nên cũng phải bị tiêu hủy.

Dù bệnh không lây từ heo sang người như cúm gia cầm, nhưng ảnh hưởng lớn đến kinh tế và ngành công nghiệp chăn nuôi heo bởi vì hiện nay chưa có vaccine chủng ngừa bệnh, cũng như phương pháp điều trị hiệu quả.

Theo khuyến cáo của OIE, nếu xảy ra dịch ASF, heo bệnh phải bị tiêu hủy;

heo trong khu vực có bán kính 3km bị cấm vận chuyển buôn bán. Điều đó có thể khiến một lượng heo lớn tồn lại ở các trại, nguy cơ buôn bán heo lậu sẽ tăng, khiến dịch bệnh càng khó được kiểm soát.

Trước tình hình này, ngày 30-8, Bộ NN-PTNT Việt Nam có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, TP và bộ ngành về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm ASF vào Việt Nam.

Theo đánh giá của cơ quan thú y Việt Nam, việc xuất hiện và lây lan nhanh là nguy cơ tiềm ẩn đối với đàn heo của Việt Nam. Nhất là từ đầu năm đến hiện nay, do giá heo hơi từ Trung Quốc thấp hơn Việt Nam khá nhiều nên heo sống từ Trung Quốc rải rác được vận chuyển qua các cửa khẩu phía Bắc.

Trong khi đó, khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8-2018, hàng ngày có một lượng heo Thái Lan vào Campuchia, sau đó được vận chuyển về các tỉnh biên giới Tây Nam như Long An, An Giang, Đồng Tháp.

Vì vậy, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả và kịp thời, đàn heo hơn 35 triệu con của Việt Nam khó có thể trụ vững trước đại dịch ASF.

Chủ động ứng phó

Ngay sau khi OIE công bố ASF ở Trung Quốc, Thái Lan đã có ngay những biện pháp phòng chống.

Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả bác sĩ thú y, người chăn nuôi, người dân về ASF từ mầm bệnh, thiệt hại, lâm sàng, bệnh tích, kiểm soát đến phòng ngừa. Ban hành lệnh hoãn nhập khẩu hoặc quá cảnh heo sống và các sản phẩm liên quan từ Trung Quốc.

Ban hành các công điện chỉ đạo việc kiểm soát ASF đến cơ quan thú y vùng, trạm kiểm dịch, thanh tra kiểm dịch. Kiểm soát chặt chẽ khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, kể cả dùng chó nghiệp vụ phát hiện thực phẩm trong hành lý.

Cuối tháng 8 vừa qua, tin tức đã được tiết lộ từ giới truyền thông Hàn Quốc, hải quan đã tìm thấy thịt heo trong túi của 2 du khách có chứa ASF. Ở Thái Lan, hải quan phát hiện du khách Trung Quốc mang theo thịt tươi để chế biến giúp giảm chi phí khi đi du lịch...

Nếu không có gì thay đổi, Chi cục Thú y vùng 6 (Trung tâm Thú y vùng TPHCM và bộ phận thường trực Cục Thú y phía Nam) phối hợp với CPV sẽ bàn về ASF vào ngày 11 và 12-9 tại TPHCM.

Từ 2007 đến 2012, dịch bệnh heo tai xanh (PRSS) ở Việt Nam làm 1,5 triệu con heo mắc bệnh và hơn 900.000 con bị tiêu hủy, gây thiệt hại gần 1.600 tỷ đồng (tiền mua vaccine, hỗ trợ tiêu hủy, mua thuốc sát trùng và công chống dịch).

Tương tự, theo số liệu năm 2006 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, bệnh heo tai xanh chủng độc lực cao (HP-PRRS) đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo Trung Quốc, số lượng heo giảm 3% toàn đàn - riêng với vùng có dịch, lượng heo giảm 25% so với năm 2005 và sau đó giá tăng gấp 4 lần.

Heo tai xanh là bệnh có vaccine để phòng bệnh. Vậy nên một bệnh tương tự như PRRS là ASF xảy ra mà chưa có vaccine và biện pháp xử lý hiệu quả thiệt hại sẽ nghiêm trọng thế nào?

Theo SGGPO