Tổng thống Myanmar kêu gọi cải cách hiến pháp do quân đội soạn thảo

Cập nhật, 14:21, Thứ Sáu, 05/01/2018 (GMT+7)

 

Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw. (Nguồn: EPA/TTXVN)


Ngày 4/1, Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw đã kêu gọi cải cách hiến pháp do quân đội soạn thảo, đồng thời bảo đảm sự công bằng cho tất cả các cộng đồng thiểu số được công nhận tại nước này.

Trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh, đánh dấu 70 năm quốc gia Đông Nam Á này giành độc lập từ Anh, Tổng thống Htin Kyaw nêu rõ: "Khi xây dựng nền Cộng hòa Liên bang Dân chủ phù hợp với kết quả của các cuộc đối thoại chính trị, tất cả chúng ta cần phối hợp để tạo ra một hiến pháp phù hợp." Ông cũng kêu gọi sự tôn trọng đối với quyền con người, và thúc đẩy xây dựng một đất nước dân chủ dựa trên các nguyên tắc tự do cho tất cả cộng đồng sắc tộc, bảo đảm nguyên tắc công bằng và quyền tự quyết.

Trước đó, Tổng thống U Htin Kyaw đã điểm lại kết quả của phiên họp thứ hai Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 tổ chức hồi tháng 5/2017 với việc đạt được các thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản của một thể chế liên bang. Tổng thống kêu gọi nỗ lực không ngừng nghỉ trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế, cải cách kinh tế và đầu tư nước ngoài, tập trung cải thiện điều kiện kinh tế xã hội cho người dân. Theo ông, những nỗ lực phát triển quốc gia cần đi đôi với ổn định chính trị, thịnh vượng và đoàn kết các dân tộc.

Chính phủ của cựu Tổng thống U Thein Sein và 8 trong số 15 nhóm vũ trang, gồm trong đó có Liên minh Dân tộc Kayin (KNU), đảng Tự do Arakan (ALP) và Hội đồng Khôi phục nhà nước bang Shan/ Quân đội bang Shan miền Nam đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn Quốc gia (NCA) ngày 15/10/2015.

Để tiếp tục tiến trình hòa hợp dân tộc, Chính phủ Myanmar đương nhiệm đã hai lần tổ chức Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 vào tháng 8/2016 và tháng 5/2017.

Tại Hội nghị Hòa bình Panglong thế kỷ 21 lần thứ 2, Chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang sắc tộc đã nhất trí về 37 nguyên tắc hướng đến những cuộc đối thoại hòa bình trong tương lai.

Hiện giới chức Myanmar đang thúc đẩy sự tham gia của các nhóm vũ trang sắc tộc còn nằm ngoài tiến trình hòa bình ở quốc gia Đông Nam Á này./.

Theo TTXVN