Sáng mãi tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỳ cuối: Tây Bắc chuyển mình

Cập nhật, 18:40, Thứ Năm, 09/05/2024 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(VLO) Tây Bắc- khu vực địa lý gắn chặt với những thăng trầm lịch sử của đất nước, dân tộc. Từng là vùng đồi núi khó khăn bởi khói lửa chiến tranh, nhưng thời gian là dòng chảy đẩy lùi mọi mất mát đau thương, để Tây Bắc hôm nay chuyển mình, vươn lên cùng đất nước.

TP Điện Biên Phủ phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.
TP Điện Biên Phủ phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Đổi thay nơi núi đồi Tây Bắc

Ðến với Tây Bắc hôm nay dễ dàng nhận thấy sự đổi thay lớn về diện mạo các khu đô thị, nông thôn. Sau 9 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các tỉnh Tây Bắc đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu nông thôn mới mà trước đó “tưởng chừng không thể thực hiện”.

Tại tỉnh Sơn La, đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình làm đường giao thông nông thôn ở đây thực hiện phương châm: “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Cũng bằng cách làm này, 99% thôn, bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi.

Tỉnh Ðiện Biên nơi có 101/125 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, thì đến nay GRDP tăng khá, đạt hơn 10%, tăng hơn mức tăng của cả nước là hơn 8%, đứng thứ 14/63 tỉnh cả nước, thu nhập bình quân đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 34,9%. 

Đi theo vòng cung Tây Bắc, những con đường, cây cầu mới mọc lên đã làm thay đổi đến ngỡ ngàng diện mạo của vùng núi đồi đã từng bị giằng xé bởi chiến tranh.

Trên đường từ TP Điện Biên Phủ về Thủ đô Hà Nội, đoàn chúng tôi vượt đèo Pha Đin. Nơi đây, từng hứng chịu bao trận “mưa bơm, bão đạn” của thực dân Pháp nhằm cắt đứt chi viện của quân ta cho mặt trận Điện Biên Phủ. Không chỉ vậy, đây là một trong “Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc” hiểm trở với những khúc cua uốn lượn theo núi đồi.

Anh lái xe vui miệng bảo, trước đây đèo Pha Ðin có lẽ chỉ là cung đường khám phá dành cho những tay “phượt thủ” ưa thích mạo hiểm. Còn ngày nay, con đèo ấy mang sứ mệnh là nút giao thông huyết mạch nối Điện Biên Phủ với các tỉnh miền xuôi.

Theo người dân địa phương, đường đi thuận lợi, nhiều người dân từ các bản, làng xa xôi đã về lập nghiệp, dựng làng mới. Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới, sắm xe khách giường nằm chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Ðiện Biên.

Trên miền Tây Bắc, ngoài tuyến tránh Pha Ðin được xếp hạng “đặc biệt”, còn có thể kể đến nhiều công trình “kỷ lục, đặc biệt”, như: cầu Pá Uôn (xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) và cầu Hang Tôm (thuộc QL 12, xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) đang giữ kỷ lục là cầu có trụ cao nhất Việt Nam (gần 100 m),…

Tới đây, khi tuyến đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu được xây dựng, các tuyến vòng cung Tây Bắc được kết nối, nâng cấp thì sức hấp dẫn của vùng đất này được dự báo sẽ có bước tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ.

Ðến với Tây Bắc không chỉ bằng tuyến đường bộ, mà còn có cảng hàng không Ðiện Biên và cảng sân bay hàng không Nà Sản và sân bay Lai Châu đang được quy hoạch xây dựng. 

Đẩy mạnh du lịch từ “nguồn lực nội sinh”

Các tuyến phố trong nội ô TP Sơn La (tỉnh Sơn La) tràn đầy sức sống của một đô thị trẻ nơi núi đồi Tây Bắc.
Các tuyến phố trong nội ô TP Sơn La (tỉnh Sơn La) tràn đầy sức sống của một đô thị trẻ nơi núi đồi Tây Bắc.

Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết dân tộc, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, các tỉnh Tây Bắc đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

Bên cạnh, các đặc trưng về văn hóa vùng miền cùng rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Sơn La còn có cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản- điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới; lòng hồ thủy điện Sơn La bao la đó là lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh.

Ông Hoàng Chí Thức- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết: “Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Hiệp hội Du lịch tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Liên kết hỗ trợ hội viên trong đầu tư những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi. Năm 2023, Sơn La đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, tăng hơn 1,3 lần so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch đạt khoảng 4.700 tỷ đồng.”

Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên được xây dựng rất công phu với sự đóng góp tâm huyết của nhiều chuyên gia đầu ngành về du lịch.

Theo ông Nguyễn Minh Phú- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh Điện Biên: “Ngoài khu vực trung tâm là TP Điện Biên Phủ gắn với hệ thống di tích lịch sử chiến trường xưa đang tiếp tục được đầu tư, tôn tạo để phát triển du lịch, nhất là phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hiện tỉnh Điện Biên đang xây dựng cột cờ ở A Pa Chải-cực Tây Tổ quốc; xây dựng một số điểm dừng chân gắn với các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi, văn hóa cộng đồng phục vụ du khách; triển khai các phiên chợ vùng cao...

Qua đó, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, vừa thu hút khách du lịch”. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Ðiện Biên- Mùa A Sơn cho rằng: “Ngoài nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương thì các tỉnh Tây Bắc đang liên kết, hợp tác phát triển du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với thế mạnh riêng của từng địa phương để hình thành sản phẩm mang tính đặc trưng.

Đặc biệt quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc vùng phên dậu phía Tây Bắc của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Các tin khác: