Nâng chất lượng giáo dục- "trái ngọt" từ những người thầy

Kỳ cuối: Chuyện đôi Nhà giáo Ưu tú chọn vùng sâu

Cập nhật, 14:26, Thứ Năm, 25/11/2021 (GMT+7)

 

Thầy An và cô Khoa cùng được phong tặng “Nhà giáo Ưu tú” năm 2021.
Thầy An và cô Khoa cùng được phong tặng “Nhà giáo Ưu tú” năm 2021.

Là “đôi bạn cùng tiến” khi học chung một khóa ở Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long, ra trường, cô Lê Thị Y Khoa, thầy Bạch Thái An đã “viết đơn tình nguyện xin về vùng sâu” rồi gắn bó với các trường xã Vĩnh Xuân, Tích Thiện, Phú Thành (Trà Ôn).

Cùng nhìn về một hướng “tất cả vì học sinh thân yêu”, cùng là giáo viên dạy giỏi, cùng đạt danh hiệu “Viên phấn vàng” và năm 2021 này, cả đôi vợ chồng- hai thầy cô cùng được vinh danh Nhà giáo Ưu tú.

Trường là nhà, nhà cũng là… lớp học

Điểm chung của thầy Bạch Thái An- Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện và cô Lê Thị Y Khoa- Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ- Tin học, Trường THCS Vĩnh Xuân- là dành hầu hết thời gian ở trường, xem trường lớp là nhà và về đến nhà lại tiếp tục làm chuyện trường, chuyện lớp.

Thầy An cười, nói: “Tôi dành hầu hết thời gian ở nhà lo chuyện ở trường. Bà xã tôi cũng vậy, cả hai thường góp ý cho nhau trong công việc. Vốn của cha mẹ cho tôi là nghề giáo này, tôi không có ruộng vườn nên xem sân trường như… sân nhà mình, trường lớp cũng là nhà tôi vậy”.

Cô Lê Thị Y Khoa.
Cô Lê Thị Y Khoa.

Thương học trò, thương vùng đất còn nhiều khó khăn, thầy cô về đây và “cắm rễ” luôn ở vùng đất này. Cô Lê Thị Y Khoa quê Mang Thít luôn không quên những ngày tháng mới ra trường, cùng bạn- là thầy An (quê huyện Tam Bình) viết đơn tình nguyện về vùng sâu huyện Trà Ôn vì “nghe nói thiếu giáo viên, mà đúng là thiếu thật”.

Cô Khoa chỉ tay ra sân Trường THCS Vĩnh Xuân: “Các phòng học này, hơn 20 năm trước tôi về đã có, liền đó là dãy phòng lá cho học sinh học tạm, thương học trò vùng sâu nhiều khó khăn”.

Điểm nổi bật của vợ chồng cô Khoa- thầy An chính là sự không ngừng sáng tạo, thích nghi với mọi tình huống. Khi xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến cho học sinh, thầy An đã nghiên cứu, khảo sát học trò mình và rút ra kết luận rằng “đại đa số gia đình ở đây có hai con và thường cách nhau 2 tuổi”.

Thầy Bạch Thái An.
Thầy Bạch Thái An.

Trong gia đình một bé học lớp 9, một bé sẽ học lớp 7; bé học lớp 8 có thể có em học lớp 6 và không nhiều gia đình có đủ điều kiện có thiết bị cho hai con học online cùng lúc. Như vậy, lịch học khối 7 và khối 9, khối 8 và khối 6 không được trùng nhau. Thầy còn lưu ý từng giáo viên về những files bài giảng “học trò đa số học bằng điện thoại, nhìn trên điện thoại thì cỡ chữ nên thế nào, hình ảnh ra sao…”.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy trực tuyến của đơn vị mình, thầy An cho rằng: “Việc đầu tiên là đả thông tư tưởng ông hiệu trưởng”. Bởi lẽ, hiệu trưởng là người đầu tàu, không “khai sáng” cách dạy học mới thì làm sao thầy cô khác đi theo”. Nên những giáo viên và cả thầy hiệu trưởng cùng mày mò, tìm hiểu cách thức và nền tảng học trực tuyến nào tốt nhất. Làm sao để các em đều được học tập và đã học thì phải hiểu bài.

Luôn là những người truyền cảm hứng

Ngày chuẩn bị nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thành- ngôi trường cù lao còn nhiều khó khăn, “thầy tôi- thầy Nguyễn Minh Thiện- hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Trà Ôn, là người truyền cho tôi ngọn lửa đam mê, thêm yêu nghề và yêu học trò hơn.

Với thầy, chuyện gì tốt cho học trò thì phải cố gắng làm và đã làm thì phải làm cho tốt”- thầy An nói như tâm sự. Học cách tổ chức, quản lý theo người thầy của mình, thầy An bảo “việc xây dựng đội ngũ phải làm trước nhất vì chỉ những người có tâm, có tài mới là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Bằng tất cả nỗ lực, thầy An đã đưa đơn vị THCS Phú Thành trở thành Tập thể Lao động xuất sắc 3 năm liền, nhận Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh năm 2019; đơn vị THCS Tích Thiện thầy đang làm hiệu trưởng cũng đang từng bước ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục.

Công việc của lãnh đạo không chỉ là chuyên môn dạy tốt, Hiệu trưởng là người luôn phải học tập trau dồi để tiếp thu cái mới, hiểu đúng chủ trương chính sách và cả những lĩnh vực như thu chi tài chính.

Cô Y Khoa thì bảo rằng, nghề giáo đã thành “cái nghiệp” của hai vợ chồng: “Cái nghề ăn trong máu, trong tim, đến nỗi lúc nào mình cũng băn khoăn trước việc gì đó của lớp, của học trò, rồi tìm cách làm cho tốt hơn. Cái gì mình chưa biết thì học, học mới dạy lại được học trò mình”.

Những tiết dạy sinh động được cô Khoa nghiên cứu và phù hợp từng lớp. Cô Khoa không áp đặt học trò phải học nhiều, mà “học trực tuyến rất khó tiếp thu và tập trung như khi trực tiếp, vì vậy phải thông cảm, chia sẻ và tìm cách cho học sinh hứng thú hơn. Niềm vui của tôi là hỗ trợ được đồng nghiệp cùng giảng dạy tốt hơn. Tổ chuyên môn của tôi đều là những giáo viên giỏi, năng động và học hỏi rất nhanh. Các thầy cô đã thích ứng với chương trình mới và cách dạy mới”.

23 năm gắn bó với nghề, thầy cô không chỉ mang đến cho học trò vùng sâu kiến thức và tình thương yêu, mà còn truyền lửa cho các đồng nghiệp. Thầy cô đã dìu dắt, để học trò vùng sâu bớt thiệt thòi, để các em được thụ hưởng, lớn khôn không chỉ học về kiến thức mà còn nhiều kỹ năng khác làm hành trang trong cuộc sống.

* Thầy An chia sẻ “câu chuyện nhớ đời” 20 năm trước về người vợ- đồng nghiệp, không bỏ lỡ kỳ thi giáo viên dạy giỏi nào. “Năm đó, vợ tôi mang thai sát ngày dự sinh. Tôi vừa lo vừa đỡ vợ đến điểm thi với cái bụng è ạch 9 tháng 9 ngày, vậy mà bà xã cứ tỉnh bơ còn trấn an ngược: “Thi đua là yêu nước mà, còn tham gia được thì đi thôi!”- thầy An nhớ mãi kỷ niệm ấy.

* Trăn trở lớn nhất của thầy An hiện nay là còn nhiều em học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Dù giáo viên đã đến tận nơi phát tài liệu cho học sinh, nhưng học online đã khó, các em tự học sẽ khó khăn như thế nào?

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN