Cô giáo mắc COVID-19 viết di chúc cho chồng và hành trình "trở về"

Cập nhật, 14:57, Thứ Ba, 14/09/2021 (GMT+7)

Đến ngày hôm nay, sau gần 10 ngày xuất viện và bình tâm trở lại, cô giáo Đỗ Thị Nhung, trường THPT Trần Khải Nguyên, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh vẫn cảm thấy ám ảnh mỗi khi nhớ lại những ngày kinh hoàng mà cô trải qua khi mắc COVID-19

 

Một ngày cuối tháng 7, sau một buổi sáng thức dậy, cô giáo Đỗ Thị Nhung thấy người đau ê ẩm. Lúc ăn sáng, tự nhiên Nhung ớn lạnh và bắt đầu sốt, sau đó Nhung rất mệt và nằm li bì từ sáng đến tối.

“Em nghĩ không phải cảm sốt thông thường vì mọi lần chỉ mệt và sốt chứ không kèm theo triệu chứng đau cơ khắp cơ thể. Nhưng em cũng không nghĩ mình bị mắc Covid-19 mà có thể chỉ bị sốt siêu vi vì em và cả gia đình lâu nay chỉ ở trong nhà, không tiếp xúc với ai”- Nhung kể.

Sau khi Nhung sốt, 2 con của cô (3 tuổi và 6 tuổi) cũng lần lượt bị sốt, mệt. “Khi các con sốt, em lại càng chắc chắn là mình sốt virus lây cho con. Cũng may bọn trẻ chỉ sốt qua loa 2-3 ngày thì khỏi”.

Trong 3-4 ngày đầu, Nhung vẫn làm việc nhà bình thường, nhưng có lúc tự nhiên lả đi như người bị tụt huyết áp. Cô gắng gượng và tự an ủi, sốt siêu vi thì 5-7 ngày sẽ đỡ.

Sang ngày thứ 5, Nhung bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rất khó chịu, không giống như những ngày đầu. Cô bắt đầu ho nhiều, cổ họng bị đờm bít chặt và đau rát. Cũng trong thời gian này, chị của Nhung làm ở bệnh viện được yêu cầu test Covid-19. Khi nghe chị thông báo kết quả dương tính, Nhung bắt đầu suy sụp.

“Lúc đó em rất hoảng loạn, nghĩ chắc chắn mình mắc rồi, vì em có tiếp xúc với chị Hai. Hơn nữa, kết nối các triệu chứng, đều giống với bệnh nhân Covid-19. Em rơi vào trạng thái bấn loạn, không nghĩ được gì, không biết làm gì mà chỉ lo cả nhà cũng mắc Covid-19, kể cả hai đứa trẻ vừa khỏi bệnh”- Nhung nhớ lại.

Buổi tối, các triệu chứng của Nhung trở nặng đến nỗi cô không dám ngủ vì sợ đờm sẽ bít chặt cổ khiến ngừng thở. Gần giữa đêm, cô gọi điện cầu cứu bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, người mà cô biết được qua Nhóm giúp nhau mùa dịch: “Bác sỹ ơi, có khi nào mà cổ họng em đờm bít lại và ngừng thở không. Em sợ quá”.

Sau khi mua thuốc xịt họng làm tan đờm theo hướng dẫn của bác sỹ Đạt, cô thấy dễ chịu hơn một chút. Sáng hôm sau, Nhung và cả gia đình đến bệnh viện test Covid-19. Rất may, ngoài cô, mọi người đều âm tính. “Các triệu chứng liên tục xuất hiện làm em rất hoảng. Nhiều lúc người em lạnh ngắt đi, nhợt nhạt tới mức như không có tí máu, nhất là vùng cổ, vai và gáy.

Em nghĩ mình sắp chết mà không biết làm thế nào để cơ thể ấm lên. Ngay lúc đó, nhìn thấy cái máy sấy tóc, em vơ vội sấy toàn bộ cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy và lòng bàn chân. Cơ thể ấm lên và dễ chịu trở lại, nhưng các triệu chứng này vẫn thường xuyên xuất hiện”.

Tiếp đó, Nhung gặp tất cả các triệu chứng điển hình của người mắc Covid-19 như khó thở, mất khứu giác… “Em biết mình mất mùi là khi xuống nhà vệ sinh, bố chồng phàn nàn mấy đứa nhỏ đi vệ sinh không xả nước nên hôi quá.

Ông than như vậy mà em không hề thấy mùi gì, lúc đó em biết mình đã mất mùi hoàn toàn. Cảm giác đó rất khó chịu, vì khi xông sả gừng em cũng không có cảm giác gì, ăn uống không cảm nhận được nên không muốn ăn”.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt từng là giảng viên Trường Đại Học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, người đồng hành tư vấn miễn phí cho Nhung trong suốt thời gian cô bị bệnh, cho biết, Nhung là trường hợp mắc Covid-19 điển hình, có đầy đủ các triệu chứng bệnh.

Diễn tiến bệnh dai dẳng, kéo dài suốt từ cuối tháng 7 đến gần hết tháng 8 cô mới khỏi bệnh và ra viện. Bệnh của Nhung có rất nhiều triệu chứng đan xen, lặp đi lặp lại cùng với tâm lý không tốt nên dẫn đến thần kinh bị căng thẳng.

Rồi Nhung được đưa vào khu cách ly tập trung. Vào trong này, xa chồng con lại nghe mọi người kháo nhau khi xuất hiện triệu chứng mất mùi cũng là lúc bệnh trở nặng, khiến cô càng lo lắng. Đỉnh điểm là cùng phòng có một người bị mất mùi không ăn được, phải thở máy và truyền nước, nhưng chỉ sau vài ngày thì mất càng khiến Nhung bấn loạn. Lúc nào cô cũng nghĩ bệnh đang trở nặng và sắp chết.

Đến ngày thứ 7, bệnh tình của Nhung càng trở nặng. Lúc thì toàn thân cô lạnh ngắt, lòng bàn tay trắng bệch như của người chết, lúc thì lại rần rần ở vùng vai gáy và xuất hiện các nốt màu tím trên người, trên lòng bàn tay. Cô bắt đầu khó thở cộng với bệnh mất ngủ triền miên, khiến Nhung càng suy sụp.

“Khi nào mệt quá, thiếp đi thì lại bị hụt hơi, không thở được khiến em choàng tỉnh và suy nghĩ mông lung. Càng cố gắng ngủ thì càng không ngủ được và các triệu chứng cũ xuất hiện trở lại. Lúc này em cảm thấy sợ chết vô cùng. Em bật dậy và viết di chúc cho chồng”-Nhung nhớ lại.

Ngày thứ 8, sức khỏe của Nhung có tiến triển tốt hơn. Cô mừng rỡ tưởng mình sắp khỏi bệnh. “Sáng hôm đó, em thấy đỡ mệt hẳn, cả ngày không ho, em gọi điện thông báo tình hình cho bác sỹ Đạt và cảm ơn rất nhiều. Nhưng đến đêm, em bắt đầu thấy ho trở lại, càng ngày càng nặng và em lại cảm thấy rất sợ. Càng sợ lại càng ho nhiều, đờm lại càng nhiều và cổ họng càng đau buốt”.

Dù đã được bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt tư vấn cặn kẽ nhưng Nhung vẫn không hết lo lắng, luôn nghĩ không khỏi bệnh và sẽ ra đi như người phụ nữ cùng phòng.

“Khi tư vấn cho Nhung, tôi nói nhiều về chuyện bạn ấy còn chồng, người thân và hai con nhỏ đang đợi mẹ về… Khuyên Nhung không nên đọc thông tin trên mạng để không làm tăng thêm lo lắng, sợ hãi. Tôi biết những người mắc bệnh mà lại luôn bị ám ảnh bởi cái chết thì tâm lý của họ rất nặng nề, nên cố gắng tiếp thêm năng lượng để Nhung vượt qua khủng hoảng”- bác sỹ Đạt nói.

Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Xuân Đạt

Sang ngày thứ 9, Nhung bị tiêu chảy nhiều lần và lại liên tục gọi điện cho bác sỹ Đạt cầu cứu. Cô cũng nhờ bác sỹ có loại thuốc nào uống vào mà hết lo sợ thì tư vấn cho cô. “Em được bác sỹ trả lời sẽ giới thiệu cho một bác sỹ trị liệu tâm lý. Khi đó, em hiểu rằng, không có loại thuốc nào hết và bản thân mình phải tự nỗ lực để vượt qua lo lắng”.

Làm sao để mình không lo sợ? Để thực hiện được điều đó với một người đang ở trong khu cách ly, đang bị bệnh nặng và luôn nghĩ đến cái chết như Nhung thực sự không dễ. Nhung nhớ lại những lời động viên của bác sỹ Đạt, nghĩ về những đứa con, về chồng, và cả gia đình đang cần cô, đợi cô, rồi tưởng tượng ra ngày về hạnh phúc để nuôi dưỡng quyết tâm phải sống.

Bắt đầu từ những bữa ăn. Dù mất vị giác và cứ ăn vào là nôn ra, nhưng cô chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, cốt sao “nạp” được nhiều năng lượng nhất. “Đối với những người bị mất vị giác không ăn được thì phải cố gắng nhiều hơn, ăn để có năng lượng chống lại bệnh tật.

Em luôn nhắc mình không ăn thì chỉ có chết. Vì thế, không ăn được nhiều thì em chia ra các bữa nhỏ để ăn”- Nhung nhớ lại.

Ban ngày được hoạt động và trò chuyện với mọi người khiến Nhung đỡ lo lắng phần nào, nhưng khi đối diện với màn đêm và chính mình, Nhung bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực khiến cô sợ hãi.

“Em tìm đến những bài tập thiền trên mạng. Em ngồi thẳng lưng, xếp bằng chân lại rồi đếm hơi thở của mình. Em hít thật sâu để phình bụng ra thật to, sau đó thở ra nhẹ nhàng.

Cứ như vậy, mỗi lần thiền xong thì em cảm thấy nỗi lo bớt đi một chút. Nhưng cũng không hết được lo lắng. Em tìm tiếp đến các bài tập thở. Thực ra thiền với thở không khác nhau nhiều. Thiền là để cho mình tĩnh tâm còn thở có phối hợp các động tác để cho các cơ phổi được vận động và khỏe hơn.

Em mong mọi người đừng chủ quan với căn bệnh này, ngày thứ 3-4 có thể bình thường nhưng bệnh trở nặng đột ngột vì đặc trưng của virus SARS-CoV-2 là tấn công vào lá phổi của con người. Vì thế, ngay cả khi bệnh chưa nặng, cố gắng tập thở mỗi ngày”- Nhung chia sẻ.

Rồi Nhung tìm đến cả những bài hướng dẫn tập Yoga trên mạng và bắt đầu tìm hiểu về Phật pháp. “Em bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch luyện tập trong ngày. Buổi sáng em niệm Phật, tập thở, tập thiền, tập yoga, buổi trưa em đọc đi đọc lại một câu niệm Phật cả trăm lần...

Có những buổi, chưa đọc xong theo mục tiêu đặt ra thì em đã ngủ. Em nghĩ làm như thế sẽ khiến cho mình bớt rung động, tập trung và bình tâm trở lại nên dễ đi vào giấc ngủ”.

Sau gần 1 tháng trời chiến đấu với Covid-19, đến nay Nhung đã được ra viện và đang trong thời gian cách ly ở nhà. Dù cơ thể vẫn còn suy nhược và đang tiếp tục điều trị các căn bệnh là hệ lụy của bệnh Covid-19 gây ra, như: đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa…, nhưng với Nhung, “em không còn sợ hãi nữa và đã bình tâm trở lại.

Sau khi đã được “trải nghiệm” với bệnh Covid-19 không hề dễ chịu chút nào, em mới ngộ ra rằng, sự nguy hiểm của căn bệnh này không phải là sự bất lực của y học mà là nỗi sợ bên trong mỗi con người. Khoa học đã chứng minh khi mình lo lắng, sợ hãi thì hệ miễn dịch sẽ bắt đầu suy giảm và đó là lúc các virus mạnh lên.

Do đó một trong những điều quan trọng để chiến đấu với Covid-19 là bản thân mỗi người phải giữ được cho mình tinh thần vững vàng”./.

Theo AN AN/ VOV.VN