"Tay cọ" hiếm hoi giữa thời đại in ấn kỹ thuật số

Cập nhật, 17:39, Thứ Năm, 15/04/2021 (GMT+7)

Vẽ là công việc của họa sĩ nhưng không phải ai vẽ cũng là họa sĩ. Đa số những người vẽ được gọi chung là thợ vẽ. Trong thời đại thiết kế, in ấn kỹ thuật số trở nên phổ biến và nhanh, gọn như hiện nay, nghề vẽ bằng tay đã dần bị mai một mà ông Nguyễn Văn Thiện (71 tuổi) là một trong những “tay cọ” còn giữ nghề.

Sau những bươn chải mưu sinh, đến lúc nào đó, người ta sẽ sống trọn với đam mê của mình (Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Thiện đang tỉ mẩn thổi hồn vào từng nét cọ)
Sau những bươn chải mưu sinh, đến lúc nào đó, người ta sẽ sống trọn với đam mê của mình (Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Thiện đang tỉ mẩn thổi hồn vào từng nét cọ)

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến tư thất Minh Châu (số 113, ấp 1, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) để tìm gặp ông Thiện. Ông sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, từng là một trong những “tay cọ” nổi tiếng ở đất Sài Gòn những năm 80. Dần về sau này, khi nghề bị mai một, ông nhận đi vẽ cho những công trình ở các tỉnh lân cận. Một lần, ông được mời về vẽ một bức tường cho tư thất Minh Châu, từ đó "bén duyên" với nơi này đã được hơn 1 năm. “Với tôi, một tác phẩm đẹp là khi người vẽ thổi được cái hồn của mình vào đó. Để làm được điều đó, tôi cần một nơi yên tĩnh. Sài Gòn ồn ào dường như không còn dành cho tôi nữa. Khi đến với nơi này, tôi cảm thấy được sự bình yên, thoải mái sáng tác nên chọn ở lại đây và xem nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình” - ông Thiện chia sẻ về cái duyên đến với đất Long An.

Được thừa hưởng dòng máu hội họa, mỹ thuật từ cha nên vẽ trở thành sở thích từ nhỏ của ông Thiện. Nhưng do điều kiện gia đình thời đó không cho phép nên không được học trường lớp như họa sĩ, ông chủ yếu tự học và tham gia các buổi dự thính. Chính thức vào nghề năm 20 tuổi, vừa làm, vừa không ngừng học hỏi, cho đến khi nước ta bắt đầu ổn định phát triển thương mại, nghề vẽ biển quảng cáo cũng bắt đầu hưng thịnh và trở thành công việc mưu sinh tạo ra kinh tế chính của gia đình ông lúc ấy. Ngoài vẽ biển quảng cáo, ông còn vẽ tranh, phục chế ảnh cũ, vẽ tường, vẽ tượng, vẽ chân dung,...

“Thời đó, những loại được ưa chuộng nhất là biển quảng cáo vẽ bằng sơn, vẽ trực tiếp trên thiếc bằng những nét chữ mang hướng xưa cổ và tranh sơn dầu. Còn hiện tại, biển quảng cáo thỉnh thoảng tôi mới được đặt vẽ một vài tấm, chủ yếu phục chế lại tranh, ảnh cũ, vẽ tranh hoặc vẽ trang trí trực tiếp trên tường, đá” - ông Thiện nói.

Trong hội họa có nhiều trường phái nhưng ấn tượng là trường phái mà ông tâm đắc nhất. Bởi, ông có thể mang được những vật mẫu rất đời thường vào tranh vẽ thông qua những nét cọ đầy màu sắc của mình. Cũng theo ông, tranh vẽ có nhiều loại nhưng chủ yếu được phân chia theo chất liệu. Thường nhất dùng để vẽ biển quảng cáo là các loại sơn lon, thông thường nhất là sơn dầu. Sơn dầu cũng lại được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy vào nơi xuất xứ. Chất liệu vẽ cũng là một trong những yếu tố, bên cạnh nội dung và yêu cầu của người thuê vẽ để xác định được chi phí của một bức tranh hay một biển quảng cáo.

Ngưng nét cọ trên biển quảng cáo trong gian nhà đầy ắp những vật dụng cổ xưa, ông dẫn chúng tôi ra góc nhỏ sau nhà, nơi có bức tranh sơn dầu còn dở dang. Ông tỉ mỉ giới thiệu từng tuýp màu, từng chiếc cọ đã bạc màu theo thời gian, với ánh mắt đầy sự tự hào và trân quý. Tay vừa kéo những nét cọ, ông kể: “Tôi có hai người con, một đứa theo kiến trúc, một đứa là thợ vẽ áo dài, như vậy là đủ, cũng xem như có người nối nghiệp. Tôi muốn dành thời gian còn lại sau này để tiếp tục vẽ, vẽ từ thiện, vẽ thuê gì cũng được, miễn sức khỏe còn cho phép là tôi còn vẽ”.

Mỗi ngày, ông Thiện đều nhận được những cuộc gọi đặt vẽ tranh, mời đi vẽ trang trí tường nhà, quán ăn,... Đó cũng là một trong những minh chứng cho việc nghề vẽ bằng tay vẫn giữ được vị trí nhất định giữa cơn lốc chuyển động của công nghệ số ngày nay. Hay như cách ông Thiện nói: “Vẽ cũng như làm thơ vậy, không ai sống được bằng thơ nhưng từ xưa đến giờ, thơ ca, nhạc họa chưa bao giờ thiếu”./.

Theo MỘC AN (Báo Long An)