Côn đảo ơi! Mai về tôi nhớ …

Cập nhật, 19:10, Thứ Hai, 05/04/2021 (GMT+7)

 

Côn Đảo hôm nay. Ảnh: N. LIỄU
Côn Đảo hôm nay. Ảnh: N. LIỄU

(VLO) Đã lâu rồi, tôi mới trở lại Côn Đảo, nhưng cảm giác nôn nao bồi hồi như lần đầu đặt chân trên mảnh đất này vẫn như ngày nào.

Lần này, đoàn chúng tôi đi bằng máy bay. Các thành viên trong đoàn không bị sóng nhồi nên tâm trạng thoải mái, tận hưởng tất cả cảnh đẹp cũng như sự đổi mới hôm nay trên mảnh đất anh hùng và huyền thoại.

Xe đưa chúng tôi từ sân bay vào trung tâm huyện Côn Đảo trên con đường nhựa hai bên là hoa anh đào, mặc dù cánh nhỏ nhưng cũng tô điểm cho con đường thêm nên thơ: một bên là núi, một bên là biển xanh thăm thẳm khiến mọi người phải buột miệng trầm trồ vì cảnh quan quá đỗi hùng vĩ.

Tôi đến Côn Đảo từ những ngày đầu sau giải phóng, nên tôi cảm nhận được sự vươn lên và chuyển mình từng ngày của Côn Đảo. Huyện đảo nhỏ bé này vẫn lưu giữ những câu chuyện thật xúc động về những người tù kiên trung.

Đứng dưới tượng đá trong khu di tích tôi thấy được hình tượng xúc động của chiến sĩ thân ái trao lại chiếc áo cho đồng chí, đồng đội trước lúc hy sinh,  với ước mong các anh em sẽ tiếp bước trong cuộc chiến đấu gay go khốc liệt này. Tôi cũng như đang nghe văng vẳng đâu đây trong tiếng gió rì rào của hàng phi lao, tiếng hát lạc quan của chị Võ Thị Sáu.

Có lẽ, những tấm gương kiên trung của các cô, chú, anh, chi trong trại giam khắc nghiệt nơi đây, đã làm cho hòn đảo xinh đẹp nhưng  mang đậm chất hào hùng và đầy huyền thoại, nên mọi du khách khi đặt chân lên đảo thì mọi ưu phiền, mọi lo toan của cuộc sống dường như lắng lại và cảm thấy thật bình yên.

Những con người nơi đây cũng thế! Đều là dân tứ xứ hội về nhưng với họ, Côn Đảo là cơ hội, là tiềm năng hay đúng hơn là quê hương mới mà họ đã gắn bó chẳng muốn xa rời.

Những cư dân nơi đây đến từ những vùng khác nhau trên đất nước Việt Nam, từ cô thuyết minh xinh đẹp quê Bến Tre, anh tài xế ở Bạc Liêu, chị bán hàng ở tận Quảng Ngãi…nhưng tất cả đã nhận nơi đây là quê hương, nên đã ra sức vun vén cho Côn Đảo anh hùng thêm giàu đẹp.

Có lẽ điều tôi ngạc nhiên nhất là ai cũng có thể là một hướng dẫn viên “chuyên nghiệp”, mặc dù chỉ một đoạn đường ngắn nhưng anh tài xế vẫn say mê tranh thủ giới thiệu về Côn Đảo: 16 hòn đảo lớn nhỏ và với gần 2000 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ đã mãi yên nghỉ nơi đây. Giọng anh trầm bỗng và thật sự xúc động làm cho người nghe bị lắng lại theo từng lời kể của anh.

Muốn đi lại trên đảo, tôi phải thuê xe và tôi lại tiếp tục được nghe về câu chuyên thật xúc động về bà Hoàng Phi Yến– bà đã can ngăn chúa Nguyễn Ánh và tuẩn tiết để giữ gìn đức hạnh của mình, cũng với giọng kể thật xúc động làm người nghe nao lòng.

Ở đây, mọi nhà đều thờ chị Sáu! Giọng anh say sưa, mặc dù không phải nghề nghiệp của mình, không thù lao bồi dưỡng.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ những tư liệu mà anh cung cấp chỉ nghe cho vui khi đi đường thôi nhưng khi đến làm việc với các anh chị lãnh đạo huyên Côn Đảo, nghe báo cáo chính thức, tôi mới hiểu rằng mỗi người dân nơi đây đều như có một dòng lịch sử chảy trong huyết quản, họ thấu hiểu và thuộc hết những thông tin về Côn Đảo như cảm thấy đó là trách nhiệm của mình đối với mảnh đất này và trách nhiệm đối với cả những người đã mãi yên nghỉ nơi đây.

Đến bây giờ tôi mới cảm nhận hết được mối liên kết vô hình giữa cư dân và Côn Đảo, như đâu đó trên huyện đảo này có một nguồn năng lượng khiến con người có thể an yên, bình lặng và ôn hòa chung sống giữa những sóng gió ngoài khơi xa và thiếu thốn khi ở xa đất liền.

Tôi cứ nghĩ thu nhập nơi đây chắc phải cao lắm, mới giữ chân những người từ đất liền ra đây. Vì khí hậu nơi đây khắc nghiệt lắm, nên bọn giặc đã chọn Côn Đảo là địa ngục trần gian, đày ải tra tấn cực hình không chỉ bằng đòn roi, bằng những thủ đoàn tàn ác mà còn bằng cả những khắc nghiệt của thiên nhiên như dội nước và để tù nhân chết cóng hay phơi nắng đến chết khô vì mất nước…

Khi được hỏi về thu nhập của mình, anh tài xế quê ở Bạc Liêu trả lời khoảng chục triệu đồng/tháng. Nghe câu trả lời của anh, tôi đã thật sự xúc động vì phải yêu lắm, gắn bó lắm, mới trụ được nhưng bằng niềm tin bảo vệ biển đảo cũng như sự tôn kính với những người đã khuất, cư dân trên đảo đã bám trụ và xây dựng Côn Đảo càng lúc càng vững vàng.

Côn Đảo vẫn rất dịu dàng và nồng hậu, các chị bán hàng lưu niệm những đặc sản Côn Đảo hay bán quán nước vỉa hè luôn rạng rỡ vui tươi cởi mở, mặc dù tất bật nhưng vẫn giữ vẽ ôn hòa thân thiện, hiếm thấy ở những nơi đông khách.

Do một số địa điểm mua hàng ở những điểm du lịch- người bán hàng thường đội giá cao, nếu mua hàng phải trả giá thấp hơn, thậm chí thấp hơn phân nữa giá mà vẫn còn bị lầm- tôi hỏi: Có giảm giá không?

Cô bán hàng xinh xắn vui vẻ trả lời: Ở đây bán đúng giá ạ! Câu trả lời ấy làm mát dạ người mua và để lại tình cảm đẹp đối với du khách khi rời hòn đảo này.

Côn Đảo- mặc dù vẫn còn khó khăn và còn phải đầu tư xây dựng nhiều, nhưng những ai đã từng đến đây đều cảm thấy lòng mình lắng đọng và những xúc cảm hào hùng khiến tôi cũng như những thế hệ tiếp bước mai sau lấy đó làm động lực để tiếp bước con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Côn Đảo ơi mai về tôi nhớ…

Những con người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu,  khi đến  Côn Đảo , mỗi người thắp một nén nhang, nơi mộ phần  của các cô, chú, anh. chị yên nghỉ nơi đây, sẽ mãi khắc ghi và chắc chắn sẽ sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn.

Côn Đảo ơi, mai về tôi nhớ …

Nhớ những con người đã hy sinh cho non sông Việt Nam, cho Côn Đảo và những con người đang chung tay xây dựng cho Côn Đảo hôm nay và cả ngay mai.

Hãy giữ mãi nét đẹp đó, mãi là ngọn đuốc sáng nhé Côn Đảo ơi !!!

Lưu Huỳnh Khôi Nguyên

(Dựa trên cảm xúc của bà Huỳnh Kim Nguyên- Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long trong chuyến đi về nguồn của đoàn nữ lãnh đạo tỉnh tại Côn Đảo tháng 3/2021.)