Tản mạn

Gian hạnh phúc

Cập nhật, 22:02, Chủ Nhật, 21/03/2021 (GMT+7)

Đó là gian bếp. Dù là chái bếp quê hay bếp gas, bếp điện không lọ nghẹ ở thị thành thì chính không gian “đượm mùi gia vị” ấy lại là nơi “nêm” cho “món hạnh phúc” ngày thêm đậm đà. Gian bếp ở bất cứ thời đại nào cũng là nơi vun đắp tình yêu son sắt giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái và giữa những thế hệ đi trước trao truyền cho những thế hệ sau về cách để giữ lửa hạnh phúc gia đình.

Những ngày cuối tuần, bếp nhà tôi luôn rôm rả. Tôi thường học hỏi, tìm hiểu nấu món này, món nọ để thay đổi khẩu vị cho cả nhà. Nhìn chồng đẫm mồ hôi vì loay hoay phụ vợ. Nhìn đứa con gái vui cười, tíu ta tíu tít chốc chốc lại hỏi mẹ: “Cái này là cái gì vậy mẹ?

Mẹ nấu món gì vậy mẹ? Con phụ giúp mẹ có được không?” lòng tôi thấy rất vui. Dù gian bếp ở thành đã có phần chật chội giờ lại thêm bề bộn. Dù chồng con khá vụng về trong cách rửa chén, lặt rau. Nhưng, cả nhà xúm xít, quây quần đã làm dấy lên niềm yên ấm. Hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là sự đồng cảm, sẻ chia. Chồng phụ vợ. Mẹ dạy con. Nơi gian bếp tình yêu, hạnh phúc thêm nồng đượm hương tình.

Chính vì vậy mà từ ngàn xưa người phụ nữ đã luôn chú trọng phần gian bếp. Chái bếp ở thôn quê thường được cất cặp bên hông nhà. Xã hội phát triển, ở quê giờ cũng có bếp gas, bếp điện nhưng rất nhiều nhà vẫn giữ cho mình nếp xưa. Về quê, đa phần nhà nào cũng tận dụng phần đất trống ở sau nhà cơi nới thêm để cất phần chái bếp.

Đó là nơi có cự củi ngay hàng, thẳng lối dành cho bếp lò luôn đỏ lửa; là nơi để nồi niêu, xoong chảo, ít gia vị nấu nướng hàng ngày. Dù đơn sơ, mộc mạc nhưng chái bếp quê vẫn như bếp ở thị thành, những người mẹ, người vợ vẫn ngày ngày lụi hụi giữ lửa cho hạnh phúc gia đình bằng những bữa cơm ngon.

Chái bếp quê có thể đơn sơ nhưng lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Bếp có thể nghèo nhưng không bao giờ lạnh lẽo! Để rồi những ngày lễ, ngày tết khi đại gia đình cùng nhau tề tựu mỗi người một việc bên bếp lửa hồng ấm áp những câu chuyện râm ran.

Cha mỉm cười. Mẹ tất bật với những đứa cháu con. Mâm cơm cúng ông bà quyện theo mùi nhang khói. Một nét đẹp truyền thống ngàn đời mà nhà nhà vẫn đang gìn giữ và trao truyền dù chỉ bắt nguồn từ góc bếp quê.

Vậy nên, vẫn là không ngoa khi có ai đó buột miệng rằng bếp chính là linh hồn của ngôi nhà- nhất là khi trong xã hội hiện nay nam nữ đều có những bộn bề của công việc. Thời gian sinh hoạt trong gian bếp cũng là thời gian để bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia. Gian bếp- gian của đồng cảm, sẻ chia, của hạnh phúc cần phải giữ gìn.

DIỄM KIỀU