Chiếc bánh tết gói ghém yêu thương

Cập nhật, 07:39, Thứ Năm, 21/01/2021 (GMT+7)

 

Các chiến sĩ trên Tàu 954 (Lữ đoàn 127- Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) gói bánh chưng.
Các chiến sĩ trên Tàu 954 (Lữ đoàn 127- Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) gói bánh chưng.

Bánh chưng giữa trùng khơi

Mỗi mùa xuân, những đứa con “rặt” miền Tây chúng tôi không thể “giấu giếm” nỗi thèm mứt hay cồn cào ngồi canh nồi bánh tét của ngoại.

Nhưng từ năm ngoái, danh sách “những món tết không thể thiếu trong tôi” có thêm món bánh chưng bởi quá luyến lưu chiếc bánh của các chiến sĩ Hải quân ngày đêm bảo vệ bình yên cho Tổ quốc. Hương xuân thấm đượm trong từng hạt nếp, vị ngọt ngào được tạo nên từ những đôi tay vụng về mà đong đầy yêu thương.

Lá dong chuyển từ bờ ra đến đảo đã không còn xanh mướt. Buổi gói bánh chưng được chuẩn bị rất nhanh với gạo và đậu xanh ngâm vội, tất cả tất bật nhặt vỏ đậu, rửa lá trong tiếng giục nhau í ới.

Có anh chiến sĩ mới lóng ngóng xoay trở tấm lá. Anh bảo mình chưa từng gói bánh chưng bởi tết ở quê nhà Vĩnh Long chỉ gói bánh tét. Ra đảo xa, cùng các đồng đội đủ Bắc- Trung- Nam, gói bánh chưng trở thành một trải nghiệm đáng nhớ.

Ở Trường Sa, có những chiếc bánh chưng không gói bằng lá dong. Bánh chưng từ… lá bàng vuông, lá phong ba là “phát minh” độc đáo của quân và dân trên đảo.

Được bao bọc bởi loài cây mang biểu tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa, chiếc bánh bóc ra có màu xanh rêu, cảm nhận được hơi thở mằn mặn của muối biển, vị chát ngọt của lá bàng hòa lẫn cùng mùi thơm của thịt, đậu xanh, gạo nếp. Hương vị ngày Tết cổ truyền của dân tộc dậy lên từ những chiếc bánh chưng khiến ai nấy như ấm lòng hơn khi nhớ về quê hương, nguồn cội.

Chiếc bánh chưng giản dị nhưng vô cùng ngon bởi ấm áp tình tết, tình quê. Món ăn không quá đặc sắc nhưng người chủ nấu nướng với lòng tự hào dân tộc và nêm nếm với nhiều gia vị của cung bậc cảm xúc, món ăn sẽ ngon lên rất nhiều.

Phòng đón xuân trên tàu được trang trí rực rỡ, không thể thiếu mâm ngũ quả và chiếc bánh chưng.
Phòng đón xuân trên tàu được trang trí rực rỡ, không thể thiếu mâm ngũ quả và chiếc bánh chưng.

30 tết, có tàu vừa chạy vừa nấu bánh chưng giữa trời biển mênh mông. Tết trên tàu đầy đủ bánh chưng, phòng đón xuân được trang trí rực rỡ, anh em hát hò, hái hoa dân chủ… Có chiến sĩ không nhớ nổi đã bao nhiêu cái tết xa nhà, từng đón tết ở đâu trên mảnh đất hình chữ S.

Nhưng dù ở đâu thì quê nhà vẫn theo các anh trên mỗi chặng hành quân. Tình đồng chí, đồng đội quây quần khiến chúng tôi thấm thía tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của người con đất Việt Nam nơi đảo xa…

Phút giao thừa nơi đầu sóng, tàu và đảo leo lét hai đốm sáng trong đêm lộng gió, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc vào xuân. Trên mũi tàu vẫn có ánh mắt rưng rưng của chiến sĩ trẻ lần đầu ra khơi đúng ngày xuân, trong chập chờn tiếng sóng điện thoại, nghe tiếng gọi mẹ cảm động biết bao: “Mẹ yên tâm nhé, con ăn tết ở đây với anh em vui lắm mẹ ơi!”.

Gom chút tình gửi đồng bào

Ngày hôm nay, đâu cần chờ đến giỗ quảy, lễ tết người ta mới gói bánh chưng, bánh tét. Năm 2020 là một năm đặc biệt không chỉ với những người đang sống mà với cả dặm dài lịch sử của đất nước.

Học sinh, sinh viên “nghỉ tết” tới rằm tháng 2 và cả nước nổi lửa nấu bánh chưng khi Trung thu qua đi được hơn nửa tháng. Những ngày bão lụt phủ lên màu buồn bã, cả cộng đồng vòng tay ôm lấy miền Trung. Người ở miền ngược, miền xuôi truyền chút hơi ấm đến đồng bào qua những chiếc bánh chưng, bánh tét gói yêu thương…

Bánh chưng, bánh tét là “hiện tượng” trong đợt mưa lũ lịch sử năm qua. Bánh vừa ngon, giàu dinh dưỡng lại giúp no lâu và hơn hết là ai ai cũng có thể tham gia hỗ trợ. Người có của góp của, người có công góp công.

Từ những cụ già ngoài 70 tuổi, các cô, dì cho đến các em học sinh, ai nấy đều dồn hết tâm trí cho việc gói bánh. Từng chiếc bánh chưng, đòn bánh tét được gói bằng cả tấm lòng, nâng niu từ sợi dây, tấm lá để gửi gắm tình nghĩa đến đồng bào.

Hàng ngàn đòn bánh tét được người dân Vĩnh Long chuẩn bị để gửi về miền Trung đợt lũ lịch sử cuối năm 2020.
Hàng ngàn đòn bánh tét được người dân Vĩnh Long chuẩn bị để gửi về miền Trung đợt lũ lịch sử cuối năm 2020.

Thay vì cả nhà vui vẻ quây quần bên nồi bánh ngày tết, nay giữa cơn khốn khó, từ đồng bằng tới miền núi, từ làng chài ven biển tới vỉa hè đô thị, những bếp lửa hồng vẫn thao thức cả đêm, hàng ngàn người vẫn miệt mài gói bánh. Tất nhiên, những ngày này không phải những ngày vui.

Nhưng cảm giác ấm cúng “một nhà” chưa bao giờ rõ ràng đến thế. Chẳng thước đo nào có thể đong đếm được tình cảm. Và chẳng ai có thể tính toán chi li được những đêm dài thức trắng thay củi hay những đôi tay nhăn nheo vì rửa cả vạn cái lá...

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ánh lửa từ nồi bánh chưng, bánh tét nhóm lên trong mỗi người tình cảm thiêng liêng về gia đình, về cha ông, và về truyền thống tương thân, tương ái. Những tấm lòng, những cảnh ngộ gói ghém, đùm bọc nhau trên mảnh đất gian lao mà quá đỗi tự hào. Có chiếc bánh tết, không ăn vào dịp tết mà tràn ngập yêu thương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY