Đến trường tiểu học có 2 dân tộc, dạy 3 thứ tiếng

Cập nhật, 14:54, Thứ Tư, 25/11/2020 (GMT+7)

 

Cô Khel dạy Ngữ văn Khmer cho học sinh, cô rất vui vì các em được học chữ dân tộc mình.
Cô Khel dạy Ngữ văn Khmer cho học sinh, cô rất vui vì các em được học chữ dân tộc mình.

Trường Tiểu học Thạch Thia xanh- sạch- đẹp nằm đối diện UBND xã Loan Mỹ (Tam Bình) là địa chỉ tin cậy của bà con 2 dân tộc Kinh- Khmer cho con đến học.

Những tiết học không chỉ dừng lại ở chương trình giáo dục phổ thông, trong ngôi trường này, các em học sinh được tăng cường Tiếng Việt, được giữ gìn truyền thống với tiếng Khmer và được hội nhập quốc tế với tiếng Anh được dạy từ lớp 1.

Giữ gìn văn hóa dân tộc

Trường Tiểu học Thạch Thia có 613 học sinh, trong đó có 484 học sinh người dân tộc Khmer, chiếm 80% trên tổng số học sinh. Thầy Nguyễn Tấn Lực cho rằng: “Thuận lợi đầu tiên của trường là được sự chỉ đạo của Sở GD- ĐT cũng như phòng giáo dục về việc dạy tiếng ngữ văn Khmer, tiếng Anh và tiếng Việt trong nhà trường. Chúng tôi được bố trí đủ biên chế giáo viên dạy tiếng Khmer, tiếng Anh”.

Trường Thạch Thia là trường tiểu học duy nhất ở huyện Tam Bình, một trong số ít trường trong tỉnh có chương trình dạy Ngữ văn Khmer cho học sinh, đây là cách tốt nhất giúp duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Bởi lẽ, nhiều bà con đồng bào Khmer không viết được tiếng Khmer, thậm chí một vài người còn không nói được tiếng mẹ đẻ.

Say mê với tiết học ghép chữ và hình ảnh tiếng Khmer trong giờ học Ngữ âm Khmer, các bé người Kinh, người Khmer cũng rộn rã làm bài tập nhóm và phát âm khi cô gọi.

Bé Lân Ngọc Bích Trâm (lớp 2/1) vừa hoàn thành bức tranh ghép hình ảnh và chữ cho thích hợp, khoe: “Ở nhà con, có một mình chú con là biết viết tiếng Khmer thôi, bây giờ con cũng biết, con còn biết tiếng Anh nữa đó”. Cùng nhóm với Trâm, bé Phạm Thanh Thảo nói: “Con thích học giờ Ngữ văn Khmer vì con sẽ hiểu các bạn nhiều hơn, bây giờ con biết chút chút rồi”.

Cô Thạch Thị Khel- giáo viên dạy Ngữ văn Khmer đã 35 năm nay rất tâm đắc: “Tôi là người Khmer mà, ngày xưa nhà khó khăn tôi rất vất vả mới được đi học và làm cô giáo như bây giờ. Giờ thì các em nhỏ được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện trường lớp sạch đẹp, đạt chuẩn như vầy. Các em học sinh được học tiếng dân tộc từ sớm, đây là việc rất nhân văn để giúp bảo tồn văn hóa Khmer”.

Trường Tiểu học Thạch Thia có 80% học sinh là người dân tộc Khmer.
Trường Tiểu học Thạch Thia có 80% học sinh là người dân tộc Khmer.

Cũng theo cô Khel thì khó khăn mà cô cảm thấy cần được hỗ trợ khắc phục trong thời gian tới là trường cần “phòng học riêng cho Ngữ âm Khmer với các dụng cụ, cơ sở vật chất hỗ trợ để trực quan, sinh động và các em học tốt hơn”. Để các em học tốt hơn, cô Khel cũng đã tự làm nhiều đồ dùng, đồ chơi phong phú cho các em.

Anh Thạch Chanh Răng Xây có con học lớp 5 và lớp 2 ở Trường Tiểu học Thạch Thia vui vẻ kể: “Hai con tôi học được cách nói tiếng Anh và biết viết tiếng dân tộc, tui rất mừng. Ngày xưa, tui muốn học chữ dân tộc mình phải vô chùa học mỗi kỳ nghỉ hè. Mà cũng bập bẹ thôi, không dạy con được. Có cái chữ dân tộc mới không mất cái gốc của mình”.

Hội nhập quốc tế

Tiết học tiếng Anh của các em học sinh lớp 1/2 ở phòng chức năng, có đầy đủ phương tiện nghe nhìn. Cô giáo Huỳnh Thị Mỹ Hương chỉ vào các bức tranh và đọc to “bag”, “pen” “pencil”. Cô đọc xong thì học trò cũng đọc theo.

Cô giáo chỉ vào bức tranh hỏi: “What is this?” Bé Thạch Nguyễn Huyền Trân giơ tay thật nhanh để được đứng trên bục chỉ vào những hình ảnh ti vi nói: “It is a pen, it is a bag, it is a pencil”. Bé Huyền Trân nói: “Con thích học tiếng Anh lắm, con về gọi ba mẹ bằng tiếng Anh: mother nè, father nè”.

Dạy tiếng Anh cho các em học sinh cấp 1, đặc biệt là lớp 1 rất vui, các bé tiếp thu nhanh hơn và thích học hơn. Cô giáo Huỳnh Thị Mỹ Hương có 6 năm dạy tiếng Anh cho học sinh Trường Tiểu học Thạch Thia, cho rằng: “Do ở độ tuổi này các bé đang làm quen với ngôn ngữ, có bé mới dạy qua 1 lần đã nhớ rồi”.

Đầu năm học các bé lớp 1 vào thì cô Hương gặp chút khó khăn vì một số bé chưa nói tốt tiếng Việt nên không hiểu khi cô Hương dạy. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn các bé được hòa nhập ngay vì “chương trình học có tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc”.

Đối với phụ huynh, việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ sớm được nhiều người “giơ 2 tay tán thành”, chị Thạch Sa Lách có 2 con học lớp 4 và 5 tại trường “thấy con nói, viết được tiếng Anh mừng lắm”- chị Sa Lách chia sẻ thêm- “Hồi xưa, tui cũng đi học tới lớp 12 nhưng tới lớp 9 mới học tiếng Anh, nên chỉ biết vậy thôi chứ có dùng được việc gì đâu”.

Chị Sa Lách, anh Răng Xây và nhiều phụ huynh ở đây đều “mừng ra mặt” khi thấy con em được học tiếng dân tộc mình còn được học thêm ngoại ngữ để “hội nhập đồ với người ta”. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lực- Trường Tiểu học Thạch Thia nói: “Đầu năm lấy ý kiến phụ huynh về việc dạy tiếng Anh cho trẻ lớp 1, có gần 100% phụ huynh tán thành”.

Thư viện hiện đại, sạch đẹp của nhà trường, nơi sinh hoạt các CLB Tiếng Việt.
Thư viện hiện đại, sạch đẹp của nhà trường, nơi sinh hoạt các CLB Tiếng Việt.

Trong chương trình học hiện nay của học sinh tiểu học, có 2 tiết học Ngữ văn Khmer. 2 tiết học này không chỉ dành cho học sinh người dân tộc Khmer mà còn dành cho tất cả học sinh đang học trong ngôi trường này. Môn học này là môn chính thức, có kiểm tra đánh giá.

Nói về chương trình và định hướng sắp tới, thầy Lực cho rằng: “Chương trình ngữ văn Khmer thì 4 tiết nó còn hơi nặng so với các em, vì đồng thời cũng học tiếng Anh 4 tiết nữa. Nhưng mà theo chương trình giáo dục phổ thông mới này thì 2 tiết rất phù hợp”. Bản thân thầy Lực cũng tìm tòi, học hỏi một số tiếng giao tiếp của người Khmer để “mình biết một số tiếng trong những giao tiếp thường ngày sẽ thuận lợi hơn trong công việc và giao tiếp với bà con Khmer”- thầy Lực nói.

Một băn khoăn khác của nhiều thầy cô và phụ huynh ở đây là học sinh ở Trường Tiểu học Thạch Thia được học tiếng dân tộc Khmer nhưng cấp THCS lại không có tổ chức giảng dạy được nên việc học bị gián đoạn khi các em chưa rành, khả năng phát huy môi trường sử dụng ngôn ngữ còn hạn chế.

Thầy Nguyễn Tấn Lực cho biết: “Việc giảng dạy cho môn Ngữ văn Khmer cho học sinh thực hiện theo Thông tư 24 từ lớp 2 đến lớp 5 thì 4 tiết/tuần, còn lớp 1 mới thì thực hiện năm học 2020- 2021 chỉ 2 tiết/tuần. Đối với môn tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5 thì các em được học là 4 tiết/tuần, tiếng Anh lớp 1 được áp dụng từ năm học này với 2 tiết/ tuần”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN