Ngày mưa ở "thành phố cây xanh"

Cập nhật, 08:11, Chủ Nhật, 25/10/2020 (GMT+7)

 

Mấy chú tiểu của chùa Âng thư giãn dưới hàng cây cổ thụ.
Mấy chú tiểu của chùa Âng thư giãn dưới hàng cây cổ thụ.

Đã quen đi trong “thành phố cây xanh” dưới những hàng cây xanh mát rượi ngày nắng chói chang, chúng tôi cứ ngỡ sẽ nhiều bất tiện khi đến Trà Vinh ngày mưa tầm tã. Nhưng ngược lại, ở đây ngày mưa lại có những trải nghiệm và cảm nhận thú vị khác lạ.

Ao Bà Om vừa tạnh mưa, nắng chiều lên rạng rỡ

Chúng tôi đến ao Bà Om đã quá nửa buổi chiều, chưa kịp dừng xe thì cơn mưa ập tới, vội trú mưa quán bên đường. Mưa xối xả trên hàng cây cổ thụ càng thêm tĩnh mịch. Chừng tiếng đồng hồ mưa dứt hẳn, nước rút nhanh xuống những giồng cát, du khách đã có thể đi dạo. Thỉnh thoảng cơn gió vụt qua, tán cây trút nước cái ào làm khách giật mình, ướt vai áo chút xíu mà cũng thấy hay hay.

Ao Bà Om là nơi chúng tôi thường ghé trong những chuyến du lịch, công tác, buổi trời nắng trong xanh đông đúc khách tham quan, hay mùa khô nước ao cạn trơ đáy… Nhưng chưa bao giờ ngắm nhìn nó trong mưa. Thật ra không cần mưa ao Bà Om đã thu hút mọi ánh nhìn bởi sự hoang sơ từ những gốc cây cổ thụ lộ thiên đủ các hình thù ngộ nghĩnh; nhưng như là “chất xúc tác” tạo cảm giác cảnh vật càng huyền ảo, kỳ bí hơn trong màn mưa.

Trong màn mưa, chùa Âng cạnh ao Bà Om càng toát lên vẻ đẹp huyền bí dưới vườn cây cổ thụ xòe tán rộng, thâm nghiêm bao quanh chùa. Chùa Âng là một trong những điểm đến không nên bỏ qua khi đến Trà Vinh, ở đó, du khách có dịp tìm hiểu kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Khmer cổ Nam Bộ- cũng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này.

Chùa Âng là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trang trí sắc sảo của văn hóa Khmer và thiết kế đầy màu sắc của văn hóa ĂngKor.

Hơn nữa, không chỉ là nơi tu hành của các vị sư sãi, chùa Âng còn là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục quan trọng. Đây cũng là nơi bảo tồn, gìn giữ và phổ biến kinh phật, giáo lý, sách báo, các tác phẩm văn học nghệ thuật quan trọng của người dân địa phương trong vùng cũng như khách thập phương đã để lại cho chùa.

Từ cổng, gò mái, cột chùa đến kiến trúc bên trong, tất cả đều khoác lên mình chiếc áo tượng hình của đầu chim, tiên nữ và thần rắn Naga. Nếu những cột trụ, tượng chằn, tượng đầu chim mang đến sự mạnh mẽ, uy nghi của một ngôi chùa cổ, thì bạn sẽ tìm thấy nét mềm mại, thân thuộc trong từng mái gò cong vút.

Ngoài kiến trúc độc đáo, khi dạo bước dưới những hàng cây trăm tuổi cảm giác thật yên bình. Trà Vinh có hệ thống hơn 140 ngôi chùa Khmer lớn nhỏ và mỗi ngôi chùa là một công trình nghệ thuật.

Khi chúng tôi vòng lại ao Bà Om, càng bất ngờ hơn khi mưa vừa tạnh, nắng chiều đã lên rạng rỡ khiến nơi đây trở nên mê hoặc. Nắng soi hàng cây cổ thụ, bờ cỏ xanh rờn chiếu rọi bóng xuống ao Vuông phẳng lặng như gương trong xanh êm đềm.

Vẫn những con đường mòn rợp bóng cây cổ thụ, nhưng cảnh vật càng trở nên sống động hơn sau giờ học, từng nhóm chú tiểu của ngôi chùa Âng đã đi vòng quanh, sắc áo nổi bật trên nền cây xanh ngắt. Chị Nguyễn Thị Kim ở TP Vĩnh Long lấy điện thoại chụp hình lia lịa, bảo rằng “chưa bao giờ nhìn thấy cảnh thần tiên như vầy”. Chúng tôi hy vọng bạn đọc cũng sẽ có dịp trải nghiệm những điều này.

Sáng, trưa, chiều và bún nước lèo

Rời ao Bà Om, TP Trà Vinh đón chúng tôi trong chiều với hàng quán đặc sản bún nước lèo thơm lừng khó lòng đi qua cho được. Không phải lần đầu ăn bún nước lèo, dù ở quán vỉa hè, nhưng người đồng hành của tôi cứ xuýt xoa “rất là ngon” khiến tôi cũng phải công nhận bún nước lèo Trà Vinh “ngon thiệt”. Xong 1 tô, lại kêu thêm 1 tô ăn đến muốn… đi hết nổi!

Bún nước lèo và bánh ống Trà Vinh.
Bún nước lèo và bánh ống Trà Vinh.

Ngày ở Trà Vinh ra đường là trời mưa, chạy lòng vòng tìm quán bún nước lèo. Lại nhớ những lần xuống Trà Vinh được anh bạn Tô Thuận dắt đi ăn bún nước lèo. Hôm thì ăn ở hẻm Lý Thường Kiệt, quán bình dân thôi nhưng nước dùng vô cùng thơm, mắm bò hóc được nấu cùng cá kèo, cá sặt, cá lóc, thêm nấm rơm… thành hỗn hợp đậm đà.

Chiều chiều thì ghé quán ở đường Đồng Khởi đông đúc, tô bún mộc mạc, hễ ăn là nhớ hoài. Bún nước lèo phải ăn kèm với dĩa rau đầy ắp bắp chuối, rau muống chẻ, bông súng, rau thơm… Điều đặc biệt tô bún nước lèo ở Trà Vinh là thịt heo quay, huyết heo, chả giò được để riêng bên ngoài, thực khách muốn ăn thêm gì thì tùy thích lựa chọn. Còn không thì chỉ ăn 1 tô bún chan nước lèo cũng đã no căng, giá bình dân 10.000-12.000 đ/tô.

Mấy năm nay, anh bạn Tô Thuận đi TP Hồ Chí Minh làm việc, nên khi thấy hình chúng tôi đăng facebook liền cảm thán “trời ơi, em thèm món bún này ghê gớm luôn”.

Cũng có nhiều người ghiền bún nước lèo, như anh Nguyễn Minh Khởi làm nghề lái xe ở khu nhà Hoàng Hảo (Long Hồ), mỗi lần có chuyến đi Trà Vinh là thế nào anh cũng mua về cho vợ con và… hàng xóm. Anh mê cái vị nước lèo vừa miệng, đậm đà và khi dọn ra ăn thì không thể giấu mùi thơm ngào ngạt của nó, nên người ở kế bên nhà khoái bún nước lèo như chúng tôi cũng được ăn ké.

Ao Bà Om sau cơn mưa nắng chiều lên rạng rỡ.
Ao Bà Om sau cơn mưa nắng chiều lên rạng rỡ.

Thực tế ngày mưa đi dưới những hàng cổ thụ của thành phố cây xanh, được thưởng thức tô bún nước lèo nghi ngút khói có lẽ là lựa chọn hàng đầu. Chúng tôi thấy, nếu ở Vĩnh Long có bún riêu, hủ tiếu khá phổ biến, thì ở Trà Vinh người ta có thể ăn bún nước lèo sáng, trưa, chiều- giác nào cũng có, từ quán đến vỉa hè.

Dù có những bữa đổi món cơm tấm thịt sườn, bánh canh Bến Có hay hủ tiếu “tô xe lửa”… thì chúng tôi vẫn luôn nhớ bún nước lèo và lần nào cũng vậy, phải ghé “ăn 1 tô bún nước lèo” trước khi tạm biệt Trà Vinh!

Bài, ảnh: AN HƯƠNG